ĐẢM BẢO THỨC ĂN CHO ĐÀN GIA SÚC VÀO MÙA ĐÔNG

Thứ ba - 08/11/2022 02:08
Những năm gần đây, Quảng Trị là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu như: hạn hán, bão, lũ lụt, rét đậm, rét hại,... Biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết nguồn thức ăn cho đàn gia súc, đặc biệt vào mùa đông sắp tới. Vì vậy, người chăn nuôi cần có kế hoạch và phương pháp chế biến, dữ trữ đủ nguồn thức ăn để đáp ứng đủ nhu cầu cho đàn gia súc qua hết mùa đông là rất cần thiết.
ĐẢM BẢO THỨC ĂN CHO ĐÀN GIA SÚC VÀO MÙA ĐÔNG


1. Phơi khô thức ăn
Cỏ, rơm phơi khô là thức ăn cung cấp nguồn vitamin, protein, khoáng chất, chất xơ dồi dào cho gia súc vào mùa lạnh. Đây là phương pháp đơn giản, phù hợp với mọi quy mô chăn nuôi, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư thấp mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc. Thức ăn phơi khô cho gia súc là các loại cỏ, rơm, thân cây ngô, lạc... Sau khi phơi khô, thức ăn sẽ giảm được độ ẩm, gia súc sẽ ăn được nhiều, kích thích tiêu hóa, ngoài ra còn duy trì sự ổn định của dạ cỏ giúp cho vi sinh vật thực hiện các hoạt động phân giải thức ăn. Từ đó, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho đàn gia súc. Đặc biệt, thức ăn khô còn giúp kích thích sự phát triển dạ cỏ của bê con.
Để thức ăn phơi khô đạt chất lượng, người nuôi nên thu hoạch cỏ để phơi vào lúc cỏ sắp ra hoa, lúc đó cỏ vừa đúng độ, không quá non cũng không quá già làm tăng khả năng ăn vào của gia súc. Thức ăn phơi khô cần được bảo quản ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không bị mưa dột hay đọng nước.
2. Ủ chua thức ăn xanh
Vào những thời điểm thời tiết thuận lợi cây cối sinh trưởng, phát triển tốt sinh khối cỏ trồng, cỏ tự nhiên, thân lá cây ngô, cây họ đậu,… lớn nên việc bảo quản, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua là rất cần thiết. Thông qua quá trình lên men yếm khí giúp dự trữ thức ăn trong thời gian dài.
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Thức ăn xanh (tính cho 100 kg): Cỏ tự nhiên, cỏ voi, thân lá cây ngô sau khi thu hoạch trái, cây họ đậu, ngọn lá sắn,… Cỏ cắt vào thời điểm trước khi ra hoa, không quá non, chứa nhiều nước khó ủ, cũng không để quá già. Nếu là cỏ trồng nên thu cắt sau 45 ngày, cây ngô cắt ngay sau khi thu bắp. Có thể ủ nhiều loại cỏ với nhau như: cỏ họ đậu nên ủ chung với thân cây ngô hoặc cỏ voi.
  Nguyên liệu bổ sung gồm: Cám gạo hoặc bột ngô 2 - 3 kg, muối ăn 0,5 kg, Rỉ mật đường 2-3 kg (nếu có).
2.2. Chuẩn bị hố, túi ủ và các dụng cụ cần thiết
Tùy theo điều kiện của từng hộ chăn nuôi mà có thể sử dụng hố xây hoặc hố đào hay túi ủ chuyên dụng. Hiện nay, đa số các hộ sử dụng túi ủ vì đảm bảo tính tiện lợi.
Hố ủ: Chọn nơi cao ráo, không ứ đọng nước, thuận tiện đi lại và cạnh chuồng nuôi. Hố có thể làm tròn, vuông hay hình chữ nhật. Kích thước tùy vào số lượng gia súc và khẩu phần ăn/con/ngày. Tuy nhiên, với hố có thể tích 1m3 có thể chứa 300 - 400kg nguyên liệu. Do đó, nên làm một hố ủ có dung tích ủ đảm bảo trữ lượng thức ăn cho gia súc sử dụng trong vòng 15 - 20 ngày.
Túi ủ: Dùng túi ủ chuyên dụng hoặc túi nilon bên ngoài là bao tải dứa.
Các dụng cụ cần thiết: Dùng máy thái thức ăn để băm, thái thức ăn. Bạt, bao dứa, nilon, dây buộc, tấm lợp,... để che đậy hố ủ.
2.3. Kỹ thuật ủ
Cỏ, thân cây ngô,… thu hoạch về tiến hành phơi trước khi băm (hoặc tiến hành băm rồi đem đi phơi) khi cỏ có độ ẩm khoảng 65 - 70% là phù hợp. Sau đó băm, thái cỏ thành từng đoạn dài 5 - 7cm là phù hợp để ủ. Để đảm bảo các nguyên liệu được trộn đều với nhau, cần tiến hành trộn đều muối ăn, rỉ mật với bột ngô hoặc cám gạo, sau đó đem hỗn hợp này trộn đều với cỏ.
Với túi ủ: Nguyên liệu sau khi đã trộn đều cho vào túi ủ càng nhanh càng tốt, cho từng lớp từ 15 - 20cm, nén chặt. Chú ý cần nén trên toàn bộ bề mặt, xung quanh và các góc, sau đó tiếp tục cho các lớp khác cho đến khi đầy túi thì dùng dây buộc chặt lại, ghi ngày tháng ủ, đưa vào bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chuột, bọ, gián,... cắn thủng bao, không khí sẽ xâm nhập làm mốc, hỏng thức ăn.
Với hố ủ: Vệ sinh sạch sẽ hố ủ trước khi đem nguyên liệu vào ủ. Lót đáy hố bằng gạch hoặc rơm khô, xung quanh bằng bạt dứa, túi nilon đảm bảo kín, không bị hở. Cách đưa nguyên liệu vào tương tự như đem vào túi ủ, khi đầy hố thì phủ thêm một lớp rơm rạ hoặc cỏ khô và tiến hành che đậy kín đảm bảo không khí và nước mưa không vào.
2.4. Cách sử dụng
Thời gian ủ: Mùa hè: 7 - 10 ngày, Mùa đông: 15 - 20 ngày có thể lấy ra cho gia súc ăn. Thức ăn ủ tốt có màu vàng xanh, giống như màu của dưa cải muối và có mùi của axít Lactic. Thức ăn ủ không tốt thường có màu đen, nâu và mềm nhũn, có mùi chua (của giấm) hoặc bị mốc.
Cho gia súc ăn: Lấy một lượng nhỏ thức ăn ủ trộn với cỏ tươi, rơm,… tập cho gia súc ăn, sau đó tăng dần thức ăn ủ lên với lượng tối đa cần thiết: Trâu, bò: 7 – 12 kg/con/ngày; bê, nghé: 4 - 7 kg/con/ngày.
Thời gian sử dụng: Thức ăn ủ tốt có thể sử dụng trong vòng 6 tháng.
3. Rơm ủ urê (có thể ủ rơm khô hoặc rơm tươi)
Rơm là thức ăn phổ biến cho nhiều loại gia súc, sản lượng lớn, dể thu gom, dự trữ. Rơm khô là thức ăn tiện lợi tuy nhiên hàm lượng dinh dưỡng thấp nên việc ủ rơm với urê sẽ giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa, khả năng sản xuất so với rơm không ủ.
3.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Rơm khô (tính cho 100 kg), urê 3 - 4kg (nếu ủ rơm tươi thì chỉ cần 1,5 – 2kg), vôi tôi 0,5 kg, nước sạch 80 - 100 lít.
3.2. Chuẩn bị hố, túi ủ và các dụng cụ cần thiết
Hố ủ và túi ủ cũng giống như ủ xanh.
Các dụng cụ khác gồm cân, xô hoặc chậu, ô doa để tưới nước. Nếu không có ô doa thì dùng ca nhựa dội lên rổ thưa, dây buộc,…
3.3. Kỹ thuật ủ
Cân rơm, urê, vôi và lượng nước cần thiết. Urê và vôi được hòa tan trong nước cho đến khi tan hết. Nếu rơm tươi thì không hòa urê và vôi vào trong nước.
Nếu ủ trong hố thì rải từng lớp một dày khoảng 20cm rồi tưới nước urê đã hoà lẫn vôi sao cho đều rơm, sau đó đảo qua đảo lại để rơm ngấm hết lượng nuớc vừa tưới, rồi dùng chân nén chặt. Sau đó phủ nilông thật kín để ngăn không khí, nước mưa lọt vào và khí amoniac trong hố ủ bay ra. Hoặc dùng phương pháp trộn đều rơm với nước urê sau đó cho từng lớp, từng lớp vào nén chặt. Nếu ủ trong túi nilon thì trình tự cũng làm tương tự như trên. Đưa vào bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chuột, bọ, gián,… cắn thủng bao, không khí thâm nhập vào làm hỏng thức ăn.
3.4. Cách sử dụng
Thời gian ủ: Mùa hè sau 2 tuần và mùa đông sau 3 tuần thì lấy rơm ra cho gia súc ăn. Rơm sau khi ủ có chất lượng tốt là rơm có màu vàng đậm, mềm và ẩm, mùi urê, không có mùi mốc.
Phương pháp cho ăn: Gia súc lần đầu ăn rơm ủ urê do mùi đặc trưng của amoniac nên chưa quen ngay. Do vậy người chăn nuôi phải tập dần bằng cách lấy một lượng nhỏ rơm ủ trộn lẫn với cỏ tươi. Ban đầu cho ăn với lượng 1-2 kg/con/ngày, khi gia súc đã quen ăn rơm ủ urê thì có thể cho ăn 5-6 kg/con/ngày và kết hợp với thức ăn thô xanh.
Thời gian sử dụng: Rơm ủ bằng phương pháp này có thể dự trữ và bảo quản trong vòng 6 tháng.
4. Chủ động trồng cỏ
Thức ăn lý tưởng cho gia súc nhai lại là cỏ xanh nhưng năng suất lại thay đổi theo mùa vụ, vì thế trong mùa lạnh (khô) thường bị thiếu. Để giải quyết vấn đề này, một số hộ chăn nuôi đã chủ động thực hiện việc chuyển một số diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng các giống cỏ năng suất cao, chịu hạn, chịu rét tốt như: cỏ voi, cỏ Ghinê, VA06,… để trồng thâm canh nhằm có đủ nguồn thức ăn thô xanh. Đây là những loại cỏ cho năng suất cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt tốt. Nếu chủ động được nước tưới vào mua khô thì có thể thu hoạch cỏ quanh năm. Cỏ Voi và cỏ VA06 cho chu kỳ kinh tế lâu dài, trồng 1 lần có thể thu hoạch được năng suất cao trong khoảng 3 - 4 năm. Nếu chăm sóc tốt thì chu kỳ đó có thể kéo dài đến 10 năm.
5. Dự trữ nguồn thức ăn tinh
Nguồn thức ăn tinh sử dụng cho vật nuôi bao gồm: bột ngô, khoai, sắn, bột đậu tương, cám gạo… Đây là nguồn thức ăn cung cấp các thành phần dinh dưỡng quan trọng cho gia súc như các chất tinh bột, chất đạm, chất khoáng, vitamin…
Thức ăn tinh được bảo quản ở dạng khô, được dự trữ trong chum vại, bao tải, thùng kín… Nơi bảo quản phải khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo không bị mối mọt, ẩm mốc. Khi có hiện tượng ẩm, vón cục, mối mọt… cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên đây, là một số phương pháp chế biến, dữ trữ nguồn thức ăn quan trọng để cung cấp đủ nhu cầu và bổ sung cho đàn gia súc vào mùa đông sắp tới, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại, tránh tình trạng để đàn gia súc phải chịu đói, rét làm giảm sức đề kháng. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần gia cố chuồng trại, vệ sinh tiêu độc, khử trùng nhằm bảo vệ tốt nhất cho đàn gia súc trong mùa đông.
Lê Tùng – Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây