KỸ THUẬT XÂY DỰNG HẦM BẢO QUẢN SẢN PHẨM TRÊN TÀU KHAI THÁC HẢI SẢN XA BỜ BẰNG CÔNG NGHỆ CPF

Thứ năm - 12/01/2023 04:43
Vào thời gian này các tàu thuyền ít ra khơi vì đang bước vào vụ đông, đây là khoảng thời gian phù hợp với việc đưa tàu vào cải hoán, tu sữa, nâng cấp để chuẩn bị cho các chuyến biển ra khơi sắp tới. Hiện nay sự phát triển của các đội tàu đánh bắt xa bờ ngày càng được mở rộng, nhiều tàu cá có công suất lớn. Tuy nhiên cơ sở trang thiết bị trên tàu đã xuống cấp, thiếu sự đầu tư đồng bộ, cùng với đó là khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa được người dân quan tâm dẫn đến sự thất thoát sản phẩm, chất lượng sản phẩm chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó chi phí của chuyến biển tăng lên do lượng đá hao hụt đá mang theo, kéo theo thời gian đi biển bị giảm đi đáng kể.
Để đạt được hiệu quả cao trong việc xây dựng hầm bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế, nguồn thu nhập cho ngư dân, sau đây chúng tôi xin giới thiệu với bà con quy trình kỹ thuật làm hầm bảo quản bằng vật liệu mới ứng dụng công nghệ CPF (Compozite Polyurethane Foam) trên tàu khai thác hải sản xa bờ.
* Ưu điểm của vật liệu Polyurethane Foam
Polyurethane Foam hay còn gọi là PU là vật liệu có những tính chất vượt trội thích hợp để xây dựng hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá:
- Vật liệu PU có hệ số truyền nhiệt thấp hơn so với cá vật liệu truyền thống như xốp mịn, tấm mút…  cùng với đó là khó bắt lửa.
- Có cấu tạo bọt xốp nhỏ, kín, nhẹ và cường độ chịu nén cao và ít thấm nước.
- Có độ bám mạnh vào các vật liệu khác như kim loại, gỗ, thủy tinh…
- Khi thi công được phun trực tiếp vào từng vị trí nên đáp ứng được mọi hình dạng, không hạn chế độ dày, hạn chế được lỗ rỗng trong các mối nối, tạo được kết cấu vững chắc, nâng cao độ bền cho hầm bảo quản và tàu cá.
- Thi công dễ dàng và thời gian thi công hầm được rút ngắn.
* Kết cấu xây dựng hầm bảo quản ứng dụng công nghệ CPF theo mặt cắt ngang được thể hiện như sau:
+ Phần vỏ tàu và đáy tàu được thiết kế ngoài cùng là lớp vỏ tàu bằng gỗ dày khoảng từ 5 - 7cm, tiếp đến là lớp cong giang đà dày khoảng 20cm, tiếp theo là đến lớp Polyurethane dày từ 12 - 18cm, lớp còn lại được ghép các tấm compozite dày 5mm.
+ Phần ngăn giữa các hầm được thiết kế với lớp ngoài cùng được ghép các tấm composite dày 5mm, tiếp theo là các cây đà ngang và đứng có kích thước 6x12cm, PU được phun vào phần giữa để lấp đầy các khoảng trống được tạo ra.
+ Phần trần của hầm tàu được thiết kế từ trên xuống là lớp ván dày khoảng 7cm, tiếp đến là các cây đà ngang chống giữ dày khoảng 12cm, tiếp theo là lớp PU dày khoảng 12cm và được định hình lớp ngoài cùng là các tấm composite dày 5mm.
* Các bước thi công
- Bước 1: tiến hành gia cố lớp vỏ tàu bên trong hầm thật kín.
- Bước 2: sử dụng các tấm composite ghép thành khuôn tạo lớp vỏ bên ngoài, khoảng trống ở giữa các tấm compozite và vỏ tàu có độ dày từ 10 - 18cm tùy thuộc vào độ dày sườn tàu. Rồi dùng đinh vít cố định các tấm Compozite lại với nhau. Các khung xương compozite được ghép nhằm tăng độ cứng cho vách compozite.
- Bước 3: dùng cọc đà chống giữ các vách compozite đã được hoàn thành để bơm PU vào các khoảng trống bên trong.
- Bước 4: khoan nhiều lỗ xen kẽ nhau trên vách compozite nhằm hạn chế tối đa khoảng trống không phun PU vào được gây rổng vách hầm.
- Bước 5: dùng máy pha trộn PU và tiến hành phun vào các lỗ được khoan sẵn, tạo độ rung để bọt xốp PU nở đều bên trong.
- Bước 6: chốt các lỗ đã khoan lại để không cho PU tràn ra ngoài trong quá trình phản ứng giãn nở xảy ra.
- Bước 7: sau khi PU đã đông cứng thì chúng ta tiến hành tháo dỡ các cọc đà đã chống giữ và tiến hành sơn, quét compozite vào các mối nối của các tấm compozite đã ghép trước đó. Trình tự được làm từ đáy hầm lên vách và trần hầm.
Trên đây chúng tôi vừa giới thiệu kỹ thuật xây dựng hầm bảo quản sản phẩm ứng dụng công nghệ CPF. Với những tính chất vượt trội về giữ nhiệt, hiệu quả bảo quản sản phẩm sau khi thu hoạch tốt, tuổi thọ của hầm tàu cũng như tàu cá được tăng lên, lượng đá mang theo được sử dụng tối đa góp phần giảm chi phí chuyến biển nên xây dựng hầm bảo quản ứng dụng công nghệ CPF trên tàu khai thác xa bờ đang được các chủ tàu quan tâm học hỏi và áp dụng đặc biệt là các tàu đóng mới. Chúc bà con thời gian đến ra khơi bám biển sẽ có những chuyến biển cá đầy khoang và thuận buồm xuôi gió./.
Lê Văn Lưu - Trương Thị Quyết - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây