CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TIÊM PHÒNG VẮC XIN CHO ĐÀN VẬT NUÔI

Thứ năm - 08/09/2022 22:55
Hiện nay, các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Trị đang tập trung triển khai công tác tiêm phòng vụ Thu cho đàn gia súc, gia cầm, để phòng dịch cho đàn vật nuôi, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Trong quá trình tiêm phòng, thì việc thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin sẽ giảm thiểu được nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
          Để nâng cao hiệu quả tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, thì cán bộ tiêm phòng, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp như sau:
- Một là, bảo quản vắc xin đúng quy định.
        Đa số các loại vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt từ 2-8oC (trừ các loại vắc xin chịu nhiệt) trong ngăn mát của tủ lạnh hoặc trong các thùng bảo ôn có đá giữ lạnh.
Nên để vắc xin ở ngăn giữa của tủ lạnh, không nên để ở cánh tủ lạnh, ngăn lạnh ngay sát với ngăn đá hoặc ngăn dưới cùng vì ở đó nhiệt độ không đảm bảo.
Trong quá trình đi tiêm phòng, cần bảo quản vắc xin trong các thùng bảo ôn hoặc thùng xốp có đá, nắp của thùng phải luôn được đóng chặt để tránh ánh sáng chiếu vào lọ vắc xin. Tuyệt đối không được để vắc xin tiếp xúc trực tiếp với đá.
- Hai là, thực hiện tiêm phòng vắcxin đúng quy trình kỹ thuật
        Cần tiêm phòng hàng năm cho đàn gia súc, gia cầm trước mùa phát bệnh, cụ thể: tiêm vào 2 vụ chính trong năm: vụ Xuân vào khoảng tháng 3 - 4 và vụ Thu vào khoảng tháng 8 - 9; ngoài ra phải thường xuyên tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi.
        Chú ý kiểm tra hạn sử dụng của vắc xin; kiểm tra chủng loại vắc xin có đúng nhu cầu sử dụng không; kiểm tra số lô, số liều trong một lọ; không dùng lọ vắc xin có hiện tượng tách pha nước hoặc bị nứt, vỡ. Đồng thời, ghi chi tiết các thông số của lọ vắc xin trong sổ theo dõi tiêm phòng để giải quyết khi có sự cố về sau.
         Trước khi tiêm phòng cần nâng nhiệt độ của lọ vắc xin lên khoảng 250C; lắc kỹ lọ vắcxin; cần tiêm đủ liều lượng, đúng đường tiêm, đúng vị trí và độ tuổi theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không được tiêm vắc in cho con vật đang ốm, nghi mắc bệnh, động vật quá gầy yếu. Đối với động vật mang thai cần thao tác nhẹ nhàng để tránh sảy thai.
          Khi tiêm cùng một lúc nhiều loại vắc xin thì không nên trộn lẫn vào nhau hoặc tiêm ở cùng một vị trí mà phải tiêm ở những vị trí khác nhau.
Dụng cụ tiêm phòng (bơm, kim tiêm) phải đảm bảo tiệt trùng. Tốt nhất là luộc sôi để nguội trước khi sử dụng; không dùng các loại hóa chất như cồn, cồn Iod, sút,.. để sát trùng bơm, kim tiêm.
Lọ vắc xin đã pha hoặc đã cắm kim tiêm chỉ sử dụng trong ngày, không dùng cho ngày hôm sau. Chú ý thay kim trong quá trình tiêm, nên dùng 1 kim/1 con gia súc, 1 kim/1 đàn gia cầm. Các lọ vắc xin đã sử dụng, bơm, kim tiêm cần phải được thu gom và tiêu hủy theo quy đinh.
- Ba là, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm trước, trong và sau thời gian tiêm phòng để đảm bảo vật nuôi có sức khỏe tốt, tăng hiệu quả đáp ứng miễn dịch. Bên cạnh đó cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong các giai đoạn này; báo cáo cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi có dịch bệnh phát sinh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.
- Bốn là, nên mua vắc xin ở những địa chỉ tin cậy, được cấp phép bán vắc xin, có đủ phương tiện, trang thiết bị cho việc bảo quản vắc xin.
Một số loại vắc xin được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị sử dụng để tiêm phòng định kỳ và phục vụ người chăn nuôi hiện nay:
- Vắc xin LMLM: Vắc-xin LMLM Aftovax vô hoạt type O1Manisa+ O3039+A. 
- Vắc xin THT trâu, bò: Vắc-xin vô hoạt keo phèn.
- Vắc xin Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò:  Lumpyvac
- Vắc xin Dại trên chó, mèo: Vắc-xin dại Rabisin vô hoạt.
- Vắc xin Cúm gia cầm: Navet -Vifluvac 2 chủng A/H5N1. Đối với vắc xin Cúm khuyến cáo lựa chọn các loại vắc-xin có hiệu lực bảo hộ đối với vi-rút Cúm gia cầm đang lưu hành tại địa phương.
- Vắc xin kép lợn: Dịch tả + Phó thương hàn + Tụ huyến trùng. Vắc xin được tích hợp 3 bệnh trong mỗi chai, thuận tiện cho việc tiêm phòng.
- Các loại vắc xin khác như: E. coli sưng phù đầu trên lợn, Tụ huyết trùng gia cầm, Newcastle (Dịch tả gà), Viêm gan vịt, Dịch tả vịt,…
Để chăn nuôi có hiệu quả, ngoài việc tiêm phòng vắc xin người chăn nuôi cũng cần thực hiện các biện pháp như: định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, dụng cụ chăn nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; mua con giống ở những cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y và các điều kiện vệ sinh thú y khác nhằm chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh, góp phần phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh ta theo hướng bền vững, an toàn.
                             Phạm Đăng Tuấn-Trạm Chăn nuôi và TY huyện Vĩnh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây