CHĂM SÓC PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHO CÂY CAM

Thứ tư - 17/03/2021 22:10
Ở các địa phương của tỉnh Quảng Trị, nhìn chung có nhiều điều kiện thuận lợi cho cây có múi sinh trưởng và cho thu hoạch với năng suất chất lượng cao. Từ xa xưa, cây có múi được coi như cây bản địa, truyền thống được bà con nông dân gieo trồng trong vườn. Và hơn mười năm qua diện tích trồng cây có múi nói chung và cây cam nói riêng ở các huyện không ngừng tăng lên, dần dần hình thành nên nhiều vùng trồng tập trung khai thác tiềm năng đất đai, lao động ...góp phần đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Điển hình ở Hải Lăng, vùng đồi K4 xã Hải Phú trước  đây là vùng đất thuộc dạng tự nhiên khô cằn khai thác chưa hiệu quả. Đến nay vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, cây cam được chọn là cây mũi nhọn trong chiến lược phát triển lâu dài của địa phương, trở thành vùng trồng cây cam tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Trị, mang lại giá trị kinh tế cao giúp nhiều hộ xóa nghèo vươn lên khá giả.
Điều kiện sinh thái thuận lợi cây có múi sinh trưởng phát triển tốt, mặt khác đó cũng là môi trường lý tưởng cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng vườn cây, đến năng suất và chất lượng sản phẩm quả nếu chúng ta không biết cách chăm sóc, phòng trừ đúng cách. Bước vào niên vụ sản xuất mới, xin lưu ý với bà con một số kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh trên cây cam như sau:
1. Bón phân:
Tổng lượng bón (kg/cây/năm):
*Thời kỳ kiến thiết cơ bản (năm 1 đến năm 3): Với thời vụ trồng ở Quảng Trị  vùng đồng bằng từ tháng 9 -11; Vùng hướng Hóa từ tháng 7-9.
- Năm thứ nhất: Bón 1 lần sau trồng 1-1,5 tháng: Phân Ure: 0,2-03kg; Phân Kali: 0,2-0,3 kg. Nếu trồng sớm bón lần thứ 2 cách lần nhất 1,5 đến 2 tháng với lượng bón như lần 1.
- Năm thứ 2, thứ 3: Phân chuồng hoai mục: 25-30 kg; Vôi: 1-1,5 kg; Phân Lân: 1,5-2kg;  Phân Ure: 0,5-0,7kg ; Phân Kali: 0,5-0,7 kg. Tổng lượng này chia làm 4 lần bón trong năm:
+ Lần 1: Cuối tháng 1 đến tháng 2 dương lịch, khi trời ấm và đất đủ ẩm, bón 40% lượng đạm (0,2-0,3)kg;
+ Lần 2: Tháng cuối 4 đến tháng 5 dương lịch bón 30% lượng đạm (0,15-0,2 kg) và 50%  lượng phân kali (0,25-0,35 kg);
+ Lần 3: Cuối tháng 7 đến tháng 8 dương lịch: Bón 50% lượng kali (0,25-0,35 kg);
+ Lần 4: Cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, bón toàn bộ vôi để vệ sinh vườn, 15 -20 ngày sau bón toàn bộ phân chuồng, phân lân và lượng phân đạm còn lại.
  *Thời kỳ kinh doanh (năm thứ 4 trở đi):
Phân chuồng hoai mục: 30-40 kg; Vôi: 1-1,5 kg; Phân Lân: 2-3 kg; Phân Ure: 1,2-1,5kg; Phân Kali: 1,2-1,5kg. Tổng lượng này chia làm 4 lần bón trong năm:
+ Lần 1: Bón đón hoa (cây sắp ra hoa) và thúc cành xuân:  Cuối tháng 1 đầu tháng 2 dương lịch bón 40% lượng đạm (0,5-0,6kg);
+ Lần 2: Bón thúc quả và chống rụng quả: Tháng 4-5 dương lịch bón 30% lượng đạm( 0,35-0,45 kg) và 50% lượng phân kali (0,6-0.75 kg), có thể bổ sung thêm phân bón lá giàu vi lượng (Canxi, Bo, Magie…) để tăng khả năng nuôi, dưỡng quả và hạn chế quả rụng.
+ Lần 3: Bón thúc cành thu và tăng trọng lượng quả: Cuối tháng 7 đến tháng 8 dương lịch (hoặc trước khi thu hoạch khoảng 1-1,5 tháng) bón 50% lượng kali (0,6-0.75 kg), có thể sử dụng thêm phân bón lá giàu kali nhằm tăng chất lượng, tăng độ ngọt cho quả.
+ Lần 4: Bón sau thu hoạch: Cuối tháng 11 đến  đầu tháng 12 dương lịch bón toàn bộ vôi để vệ sinh vườn, sau 15-20 ngày bón toàn bộ phân chuồng, phân lân và 30% phân đạm (0,35-0,45 kg) để dưỡng cây và thúc mầm hoa.
 Cách bón phân:
  • Năm thứ nhất:  Vét rãnh xung quanh gốc, cách gốc 20cm, sâu 10 cm, cho phân vào rãnh, trộn đều với đất, lấp rãnh và tưới đẫm, giữ ẩm ít nhất 1 tuần.
Năm thứ 2 trở đi: Vét rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, rãnh sâu 10- 15 cm, rộng 10- 20 cm cho phân vào rãnh, trộn đều với đất và tưới nước giữ ẩm ít nhất 1 tuần.
  • Vôi: Với các vườn thời kì kinh doanh, chỉ nên bón vôi sau khi thu hoạch xong kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác như cắt cành, tạo hình, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Nên bón vôi sau mưa hoặc khi đất đủ ẩm để có hiệu quả cao nhất. Bón vãi trên đất rồi dùng cào răng xới để trộn đều vôi với đất rồi tưới nước từ từ, tưới nhiều lần cho vôi hòa tan trong đất mới có tác dụng tốt. Đối với vườn cây chưa cho thu hoạch có thể bón bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng phải cách các loại phân bón khác ít nhất 15-20 ngày.
             Lưu ý: Quy trình bón phân trên chỉ mang tính chất tương đối, tuỳ theo độ tuổi của cây, điều kiện đất đai và canh tác thực tế để điều chỉnh lượng bón và phương pháp bón hợp lý nhằm đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt nhất.
2. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh
Tỉa cành, tạo tán đối với vườn kiến thiết cơ bản:
  • Tỉa cành: Thường xuyên kiểm tra, cắt bỏ các cành vượt, cành mọc từ gốc ghép. Khi cây ra nhiều cành cần phải cắt bớt các cành nhỏ, cành mọc sâu trong tán và những cành bị sâu bệnh hại nhằm tạo tán cho cây thông thoáng, phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh gây hại.
Tạo tán: để tạo khung cho cây cam có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát để thuận lợi trong việc quản lý chăm sóc cây.
Tiến hành hãm ngọn khi cành ghép cao khoảng 50-80cm. Khi cây phân cành giữ lại 3-4 cành cấp 1 khỏe mạnh, phân bổ đều quanh gốc. Khi cành cấp 1 cao khoảng 70-80cm tiến hành bấm ngọn để tạo cành cấp 2. Cành cấp 2 và cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu hay khống chế những cành quá dài không phân cành. Sau 2 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch.
Tỉa cành đối với vườn kinh doanh: Cần phải cắt tỉa cành, cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành nhỏ mọc sâu trong tán, cành vượt, cành tăm, cành quả mọc yếu nhằm tạo cho tán cây luôn luôn thông thoáng. Cắt tỉa tập trung sau vụ thu hoạch. Nếu cắt tỉa thường xuyên thì công việc này phải được tiến hành trước mỗi đợt lộc.
Phòng trừ sâu bệnh:
Quản lý sâu bệnh trong vườn theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp với các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học...Với biện pháp hóa học chỉ sử dụng thuốc hóa học khi thực sự cần và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lượng, đúng loại, đúng lúc, đúng cách).
 Một số đối tượng sâu bệnh hại thường gặp trên cây cam:
Sâu hại: Sâu vẽ bùa, Nhện đỏ và nhện trắng, Sâu đục thân, đục cành, Ruồi vàng gây hại quả, Rệp sáp, rầy mềm...
Trong đó lưu ý nhất là sâu vẽ bùa : gây hại trên các chồi và lá non. Sâu non đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa, các lằn đục của sâu không bao giờ gặp nhau. Các lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm diện tích quang hợp và làm giảm khả năng sinh trưởng của các chồi non. Ngoài ra các đường đục của sâu vẽ bùa còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh loét, làm lá bị rụng.
Thiên địch của sâu vẽ bùa: Thiên địch ký sinh: các loài ong; Thiên địch bắt mồi: kiến vàng.
Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu.
Ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV pha chế từ thảo mộc hoặc thuốc sinh học sau các đợt lộc xuân, lộc hè (loại thuốc sinh học chứa nấm Beauveriasp, Metarhizium sp để phòng trừ).
          Nếu bị nặng có thể sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học hoạt chất Abamectin hoặc Emamectin như Dylan 2EC, Map Winner 5 WG, … Phun vào các đợt lộc non 2 lần (lần 1 phun khi mới nhú lộc, lần 2 phun khi cây ra lộc rộ, cách nhau khoảng 7 ngày).
Bệnh hại: bệnh ghẻ sẹo, thối gốc chảy mũ, Greening... trong đó lưu ý thường gặp là bệnh ghẻ sẹo và thối gốc chảy mũ.
  • Bệnh ghẻ sẹo: Bệnh gây hại các bộ phận mềm của cành non, lá hoa và quả nhỏ. Vết bệnh lúc đầu nhỏ, tròn, màu xanh nhạt, sau đó nhô lên, khi vết bệnh già trên đỉnh có màu vàng nhạt đến nâu nhạt. Vết bệnh tập trung ở gân chính của lá làm cho lá cong queo, nếu bệnh nặng làm lá, quả vàng và rụng sớm. Bệnh lưu tồn trên cành, lá, quả bị bệnh và lây lan do gió, mưa, côn trùng.
Biện pháp phòng trừ: Cắt và đốt các cành bệnh, diệt nguồn nấm bệnh qua đông. Chú ý bảo vệ các đợt lộc non, quả non thông qua việc phòng trừ nhện trắng, nhện đỏ. Vệ sinh vườn cây ngay sau khi thu hoạch, cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận cây bị nhiễm bệnh. Chủ động phòng bệnh trên vườn ươm cây con trước khi trồng đại trà. Đầu mùa hè cần phun Boóc đô 1%, Rorai, Zineb…để phòng, trừ bệnh.
  • Bệnh thối gốc, chảy mủ: Bệnh do nấm Phtophthora spp gây ra. Phần vỏ thân gần gốc có triệu chứng lúc đầu như bị sủng nước, sau đó khô, nứt bong ra dọc theo thân, vỏ thân bị thối nâu. Bệnh phát triển vòng quanh thân chính và rễ cái, có thể lan đến các cành bên trên. Rễ nhỏ ngắn và thối bong ra, nhất là ở các rễ lông. Lá bị vàng dọc theo gân chính do thiếu dinh dưỡng, sau đó các chồi non và nhánh lớn bị chết. Bệnh cũng làm chảy gôm màu nâu ở thân và cành. Ngoài ra còn làm thối quả, vùng thối hơi tròn có màu nâu tối lan rộng ra khắp quả. Cây bị bệnh nặng sinh trưởng kém, lá vàng và rụng, cành bị khô, cả cây cũng có thể khô chết. Nấm bệnh tồn tại trong đất và lây qua đất hoặc di chuyển do nước mưa. Đất úng nước là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.
Biện pháp phòng trừ: Đất trồng phải thoát nước, trồng đúng mật độ khuyến cáo, không tủ cỏ sát gốc vào mùa mưa. Đối với cây bị bệnh, dùng dao cạo bỏ phần vỏ bị bệnh bôi dung dịch thuốc Boocđô nồng độ 2%, vôi để khử khuẩn. Mỗi năm sau khi thu hoạch quả nên dùng thuốc Boocđô 2% hoặc vôi quét vào gốc 1 lần để phòng trừ bệnh chảy gôm và sự xâm nhập một số sâu hại khác.
Khi cây bị thối rễ, có hiện tượng vàng và rụng lá cần phun Aliet trên tán cây, dưới gốc tưới Ridomil hoặc Boocđô, thực hiện 2-3 lần thì cây khỏe trở lại. Phương pháp này chỉ có hiệu quả khi cây mới chớm bệnh, nếu khi cây vàng và rụng toàn bộ lá thì đã muộn, cây sẽ chết. Cây bị thối gốc cần đào gốc, thu gom hết rễ, thân, cành đưa xa vườn để tiêu hủy, tránh lây lan.
Lê Tú – Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị
 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây