SỬ DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH TRONG CHĂN NUÔI LỢN

Thứ hai - 04/10/2021 05:25
Hiện nay, sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn vào thức ăn cho lợn là một hướng đi giúp cho các hộ gia đình, trang trại nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Chế phẩm vi sinh là các chế phẩm chứa vi sinh vật có ích cho đường ruột, khi cho lợn ăn, uống sẽ giúp cải thiện sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và có lợi cho sức khỏe. Những vi khuẩn có ích này giúp lợn tiêu hóa thức ăn tốt hơn, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại, khắc phục tình trạng loạn khuẩn ruột, tăng cường hệ miễn dịch vào bảo vệ đường ruột. Nhờ đó, hệ tiêu hóa của lợn luôn khỏe mạnh, tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Từ đó, người chăn nuôi giảm chi phí thức ăn, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt bệnh về đường ruột, giảm đáng kể chi phí thuốc phòng, trị bệnh. Đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, lớn nhanh hơn. Khử mùi hôi từ chất thải, chuồng trại chăn nuôi, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Sau đây, tôi xin giới thiệu đến với người chăn nuôi một số ứng dụng của chế phẩm vi sinh trong thức ăn chăn nuôi lợn.
Giai đoạn 1: Đối với lợn dưới 20 kg
Ở giai đoạn này, người chăn nuôi nên sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ những cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn. Bổ sung chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Giai đoạn 2: Đối với lợn từ 20 kg đến xuất chuồng
Ở giai đoạn này có thể sử dụng thức ăn tự phối trộn hoàn toàn cho lợn ăn.
Thức ăn được phối trộn từ những nguyên liệu thông dụng, sẵn có tại địa phương, không nên sử dụng nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc động vật (ngoại trừ bột cá hoặc thức ăn đậm đặc). Trước khi chế biến, cơ sở cần lập công thức thức ăn (khẩu phần cơ sở) theo từng giai đoạn sinh trưởng đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho lợn.
Dưới đây là hướng dẫn các bước tự sản xuất thức ăn chăn nuôi (khẩu phần cơ sở) và sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn chăn nuôi tại cơ sở chăn nuôi:
Bước 1: Lựa chọn nguyên liệu thức ăn trước khi sản xuất
- Cần chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đảm bảo cân đối đủ các thành phần dinh dưỡng (giàu năng lượng, đạm, khoáng, Vitamin) đáp ứng được cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của lợn thịt. Nguyên liệu phải mới, khô, không bị mốc. Không mua quá nhiều nguyên liệu để dự trữ tại cơ sở chăn nuôi.
- Nguyên liệu bảo quản ở kho chứa thức ăn, khô ráo, cách xa chuồng nuôi. Định kỳ kiểm tra chất lượng các nguyên liệu.
Bước 2: Phối trộn thức ăn (khẩu phần cơ sở)
  • Tùy theo loại nguyên liệu thức ăn sử dụng, cơ sở lập công thức thức ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển phù hợp hoặc từ khi bắt đầu cho ăn thức ăn có bổ sung chế phẩm vi sinh đến khi xuất chuồng.
  • Dưới đây là một số công thức thức ăn (khẩu phần cơ sở) giai đoạn lợn có khối lượng từ 20 kg đến khi xuất chuồng:
 
TT Nội Dung Khẩu Phần Cơ Sở
Công thức 1 (%) Công thức 2 (%)
I TÊN NGUYÊN LIỆU    
1 Ngô 63,5 51,5
2 Khô dầu đậu tương 20,0 22,0
3 Cám gạo/cám mỳ/cám mạch 10,0 10,0
4 Bột cá/ đậm đặc 5,0 5,0
5 Sắn khô - 10
6 Thức ăn bổ sung khoáng, vitamin (premix) 1,5 1,5
II THÀNH PHẦN HÓA HỌC  
1 Năng lượng trao đổi (ME, Kcal/kg) 3.100
2 Protein thô (%) 18,5
3 Lysine (%) 0,94
4 Methioine + Cysteine (%) 0,58
 
 
 Bước 3: Sử dụng chế phâm vi sinh trong thức ăn chăn nuôi lợn
  • Tùy theo khuyến cáo của nhà sản xuất về sử dụng chế phẩm vi sinh trong khẩu phần cơ sở mà cơ sở chăn nuôi có thể áp dụng quy trình ủ thức ăn trước khi cho ăn hoặc cho ăn trực tiếp. Dưới đây là hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh Vbio trong khẩu phần cơ sở:
  • Có 2 phương pháp để ủ thức ăn cho lợn là lên men ướt và lên men khô
Lên men ướt
+ Tỉ lệ: 0.5 kg men + 1 lít rỉ mật đường + 100 kg hỗn hợp bột ngô, cám gạo,…+ Nước sạch.
+ Sử dụng 0,5 kg men và 4 kg bột ngô hoặc cám gạo + 1 lít rỉ mật cho vào thùng chứa 100 lít nước sạch, khuấy đều và để trong 1 tiếng.
+ Trộn đều số bột còn lại rồi đổ từ từ vào thùng hỗn hợp phía trên. Quan sát nước hơi ngập mặt bột là được, nếu thấy ít nước có thể cho thêm và khuấy đều.
+ Để hỗn hợp nghỉ trong 4 - 5 tiếng rồi mới đậy kín lại.
+ Để thùng ủ thức ăn cho lợn ở nơi ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè để quá trình ủ chua được tốt.
+ Nếu nhiệt độ trên 300 C thời gian ủ khoảng 1 ngày, nhiệt độ dưới 300 C thì ủ từ 1-2 ngày cho đến khi thức ăn có mùi thơm và chua nhẹ là đạt điều kiện.
Lưu ý: Đối với phương pháp lên men ướt được đánh giá là đơn giản, dễ làm và không tốn nhiều công. Theo đó, lên men ướt có thể tiến hành nhanh trong mọi điều kiện khác nhau. Có thể kết hợp sử dụng thêm cả bã đậu, sắn hoặc rau. Chất lượng ủ thức ăn không đổi.
Lên men khô:
+ Tỉ lệ 0.5 kg EM1 + 1 lít rỉ mật đường + 100 kg hỗn hợp gồm cám gạo, cám ngô,… + Nước sạch.
Đối với cách ủ thức ăn cho lợn này nên ủ lượng thức ăn ăn trong 1 ngày vào 1 thùng hoặc 1 túi.
+ Sử dụng 0,5 kg men + 2 kg bột ngô hoặc cám gạo + 1 lít rỉ mật đường cho vào thùng chứa 40 - 45 lít nước sạch, khuấy đều và để trong 1 tiếng.
+ Trộn đều hỗn hợp còn lại, rồi đổ vào hỗn hợp trên, đánh tơi để hỗn hợp đạt độ ẩm đồng đều. Đạt khoảng 40% là được.
+ Đổ hỗn hợp vào thùng hoặc bao tải nhưng không được nèn chặt, đậy kín sau 5 - 6 tiếng để hở miệng
+ Nhiệt độ cao trên 300C sẽ ủ trong 24 - 36 giờ, nhiệt độ dưới 250C cần 36 - 48 giờ cho tới khi thức ăn có mùi thơm và chua nhẹ thì đạt tiêu chuẩn.
Lưu ý:
+ Không được nén thức ăn khi cho vào thùng, bao, không xếp chồng, xếp đè các bao lên nhau
+ Đảm bảo nhiệt độ ủ ổn định
+ Nếu bao chứa thức ăn bị hở khí sẽ xuất hiện mốc trắng.
  • Đối với phương pháp lên men khô chủ yếu được thực hiện và ứng dụng với mô hình trang trại. Cần lượng thức ăn nhiều, ủ trong bao tải để tiết kiệm. Cách ủ thức ăn cho lợn này có yêu cầu cao hơn. Do đó tốn công hơn và kén nguyên liệu hơn, chỉ ủ được bằng các loại bột.
  • Yêu cầu sản phẩm: Sản phẩm đồng đều, giữ được màu sản phẩm, có mùi thơm.
Phương pháp sử dụng thức ăn
  • Tùy thuộc vào chế độ ăn của vật nuôi để có phương pháp cho ăn phù hợp. Nếu lợn thích ăn khô thì chỉ cần trộn thức ăn đã ủ với thức ăn đậm đặc; hoặc trộn thêm nước thành dạng lỏng.
  • Cách ủ thức ăn cho lợn chỉ làm chín và tăng lượng tinh bột trong nguyên liệu, do vậy phải kết hợp với bột cá hoặc đậm đặc để bổ sung thêm chất đạm, chất béo, vitamin và một số vi lượng khác giúp vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, tiết kiệm thức ăn.
  • Nên cho lợn ăn ngay sau khi trộn thức ăn ủ chua với bột cá/đậm đặc.
Lưu ý: Chọn loại bột cá/đậm đặc có hàm lượng đạm cao trên 45% để đạt được hiệu quả mong đợi.
+ Cho ăn ngày 2 bữa và ăn theo nhu cầu của vật nuôi
- Ngoài chế phẩm vi sinh ví dụ nêu trên, các cơ sở chăn nuôi có thể tìm mua các sản phẩm vi sinh khác được phép lưu hành tại Việt Nam, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Lê Tùng – Hoàng Hương, TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây