Các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã có sự vào cuộc quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước về trồng rừng phòng hộ; đặc biệt ngành nông nghiệp đã tích cực đôn đốc, thường xuyên kiểm tra và yêu cầu các chủ dự án là các Ban quản lý rừng, đơn vị thi công thực hiện đúng phương án trồng đã được duyệt, các giải pháp kỹ thuật lâm sinh theo hồ sơ thiết kế.
Tuy nhiên, Một số địa điểm trồng cho thấy tỷ lệ cây chết còn khá cao, trong khi đó việc trồng dặm để đảm bảo mật độ chưa kịp thời, một số loại cây khả năng sinh trưởng yếu, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, địa phương chưa chú trọng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc chưa hợp lý, nhất là ở một số vùng thực bì, cỏ dại và dây leo phát triển nhanh làm chèn ép cây trồng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng chưa hiệu quả.. Bên cạnh đó, chưa đánh giá kỹ hiện trạng rừng để có phương án trồng hiệu quả, một số diện tích có nhiều cây bản địa mọc tự nhiên phát triển rất tốt nhưng lại bị phát trắng để trồng một số loại cây có khả năng sinh trưởng yếu, không thích nghi… Đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng rừng trồng phòng hộ trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chi Cục kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng đã chủ động phối hợp trong suốt quá trình thực hiện trồng rừng phòng hộ , từ khâu quy hoạch đến đến công tác trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ. Việc đánh giá, nghiệm thu từng phần phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn giữa các bên. Thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan nhằm có sự phối hợp, vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng khi xảy ra trường hợp xâm phạm diện tích rừng, tranh chất đất rừng…
Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân ngay từ ban đầu, ràng buộc các đơn vị thi công phải sử dụng lao động địa phương ngay từ giai đoạn trồng, đến chăm sóc, quản lý, bảo vệ và thực hiện giao nhận khoáng sau 10 năm kết thúc dự án.
Tổ chức đánh giá tổng thể diện tích đã trồng rừng phòng hộ , đối với diện tích có tỷ lệ cây sống thấp, phát triển không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cần khẩn trương trồng dặm với loại cây thích hợp, nhằm đảm bảo về mật độ theo thiết kế kỹ thuật, khả năng sinh trưởng đồng đều giữa các loại cây trên cùng diện tích.
Đối với diện tích sắp triển khai trồng rừng , cần tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo theo quy định, trong đó chú trọng khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, thực địa để xây dựng phương án trồng mới hay khoanh nuôi có trồng bổ sung; tránh tình trạng bố trí đất trồng chồng lấn với đất sản xuất lâu đời của người dân; ưu tiên lựa chọn giống cây bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; đồng thời phải đáp ứng được mục tiêu của rừng phòng hộ sau khi thành rừng.
Điều chỉnh quy trình kỹ thuật trong giai đoạn chăm sóc và giai đoạn quản lý, bảo vệ cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, nhất là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thực bì, cỏ dại, dây leo phát triển nhanh. Tăng dần số lần chăm sóc ở năm thứ 2, thứ 3 từ 2 lần lên 3 lần/năm; năm thứ 4, thứ 5 từ 1 lần lên 2 lần/năm; ngoài ra từ năm thứ 6 đến năm thứ 10 (thuộc giai đoạn quản lý, bảo vệ) tùy theo điều kiện, khả năng sinh trưởng của cây cần tiếp tục được chăm sóc, phát dây leo. Đề ra giải pháp tháo gỡ phần diện tích rừng do các chủ đầu tư hợp đồng trực tiếp với các Ban quản lý rừng thực hiện trước đây nhưng hiện nay bị bỏ hoang, không được chăm sóc, bảo vệ do hết kinh phí, tránh lãng phí, thất thoát rừng.
Chú trọng khâu lựa cho cây giống, đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng, chăm sóc rừng cho người lao động, hạn chế tình trạng người lao động thiếu cẩn thận, không nhận biết loại cây trồng dẫn đến phát nhầm cây rừng, xử lý thực bì, cỏ dại, dây leo qua loa, chưa đảm bảo kỹ thuật. Có giải pháp căn cơ, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nhằm kịp thời ngăn chặn việc phá hoại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển rừng trồng.
Thực hiện việc tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí đảm bảo theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ dự án, đơn vị thi công chủ động tạm ứng kinh phí, thanh quyết toán các hạng mục công trình đã hoàn thành theo đúng tiến độ, xác lập hồ sơ đầy đủ đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc lập dự án thiết kế - dự toán khảo sát hiện trường và thuyết minh dự án của các đơn vị tư vấn thiết kế, khi phát hiện sai phạm cần kịp thời xử lý theo quy định./.
Lê Văn Quý – Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông