Một là: Sau thu hoạch lúa Đông Xuân cần khẩn trương xử lý, vệ sinh đồng ruộng thật tốt để hạn chế thấp nhất các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại, nhất là hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ do thân lúa, gốc rạ chưa kịp phân hủy bằng các phương pháp sau:
- Đối với chân ruộng ngập sâu nhiều ngày (8-10 ngày) thân lúa đã thối, phân hủy: Cần rút cạn nước, bón 20-25 kg vôi/sào, sau 5-7 ngày bón, phun các chế phẩm xử lý gốc rạ như Trichoderma, Tricho – Pseu… , sau đó cày lật gốc rạ và đưa nước vào ngập xăm xắp. Việc xử lý này cần thực hiện tối thiểu trước khi gieo sạ 7-10 ngày.
- Đối với chân ruộng thân lúa còn xanh, cứng: Cần sử dụng nhân lực hoặc hoặc cơ giới để cắt toàn bộ thân cây lúa trên đồng ruộng, đưa về để ủ phân (dùng các chế phẩm như Trichoderma…để ủ) hoặc sử dụng để che tủ cho các loại cây trồng khác. Sau đó tiến hành bón vôi, phun chế phẩm xử lý gốc rạ với liều lượng như trên và tiến hành cày lật gốc rạ, kịp thời tổ chức sản xuất vụ Hè Thu đảm bảo thời vụ.
Hai là: Tập trung sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, những giống đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo phù hợp vào sản xuất, các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, tối đa 90 ngày, ít nhiễm các đối tượng sâu bệnh gây hại, có năng suất, chất lượng tốt, được thị trường tiêu thụ, có hiệu quả kinh tế cao như: HN6, Khang Dân 18, Bắc thơm số 7, ĐD2, Dự Hương 8, An Sinh 1399...
Mỗi HTX nên bố trí từ 03 đến 04 loại giống lúa phù hợp trong bộ giống lúa nêu trên để tập trung thâm canh. Sử dụng giống nguyên chủng hoặc xác nhận để gieo cấy, không sử dụng thóc thịt làm giống. Đối với những vùng đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trong các vụ trước, vùng ổ dịch tuyệt đối không cơ cấu các giống nhiễm rầy như HC95 vào sản xuất.
Ba là: Căn cứ lịch thời vụ Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện, thành phố đã ban hành với phương châm gặt đến đâu vệ sinh, xử lý đồng ruộng, làm đất đến đó để kịp thời triển khai gieo cấy vụ Hè Thu đảm bảo thu hoạch trước 30/8/2022, riêng huyện Hải Lăng và một số xã vũng thấp của huyện Triệu Phong phải thu hoạch trước 25/8/2022 để tránh ngập lụt vào cuối vụ.
Bốn là: Bón phân cân đối, hạn chế bón phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng truyền thống đã được ủ hoai hoặc các loại phân bón hữu cơ bán trên thị trường được cơ quan chức năng khuyến cáo), tiến đến bón hoàn toàn phân hữu cơ, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc Bảo vệ thực vật hóa học để nâng cao chất lượng lúa gạo, giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái đồng ruộng.
Cần lưu ý tập trung bón phân lót nặng và thúc sớm để giúp cây lúa để nhánh khỏe, sớm và tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng; điều tiết nước tưới tiết kiệm, khoa học, phù hợp theo các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa (giai đoạn sau sạ từ 10 -25 ngày cần để nước xăm xắp 1-2cm để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh thuận lợi...); tăng cường phun bổ sung phân bón qua lá vào các giai đoạn phù hợp (Sau gieo 10-15 ngày, trước trổ 1 tuần, giai đoạn ngậm sữa vào chắc) nhằm giúp cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, rút ngắn thời gian sinh trưởng, cho năng suất và chất lượng cao.
Năm là: Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoạn như nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa lớn.... để có các giải pháp canh tác phù hợp, thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại, tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa để có biện pháp quản lý kịp thời, hiệu quả. Khi cây lúa bị bệnh ngộ độc hữu cơ (lá vàng, xuất hiện nhiều chấm nâu, rễ đen, thối, có mùi hôi tanh, ít đẻ nhánh, phát triển chậm...) cần kịp thời rút cạn nước trên ruộng, sử dụng 10 kg vôi để bón, kết hợp bón phân chuồng hoai mục, chế phẩm siêu lân hoặc dùng Geno super để xử lý nhằm giải phóng các khí độc trong đất, kích thích lúa ra rễ mới và chống ngộ độc cho cây.
Tăng cường áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM, ICM, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng...) trong sản xuất để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, giảm chi phí, tạo ra nông sản an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.
Sáu là: Mạnh dạn nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả cao vào sản xuất như mô hình sản xuất lúa tập trung theo cánh đồng lớn (cánh đồng 01 giống, một quy trình, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ); liên kết sản xuất Lúa hữu cơ, canh tác lúa tự nhiên, các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, đậu xanh, ngô, lạc...; Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất dưa lưới, rau cao cấp các loại...
Bảy là: Tăng cường mở rộng sản xuất diện tích lúa ở vùng đảm bảo điều kiện tưới, đặc biệt là các vùng đất lúa thường bỏ hoang ở các vụ Hè thu khác để tăng thêm sản lượng lương thực, bù đắp một phần thiệt hại trong vụ Đông Xuân do mưa lũ trái vụ (mực nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh vụ Hè Thu năm nay cao hơn 30% so với mực nước trước khi vào vụ Hè Thu mọi năm); đồng thời đẩy mạnh sản xuất ngô vụ Hè Thu, Thu Đông từ nguồn giống ngô hỗ trợ của Chính phủ để tăng thêm thu nhập.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý trong sản xuất vụ Hè Thu 2022, đề nghị các địa phương và bà con nông dân quan tâm áp dụng nhằm mang lại một vụ mùa thắng lợi./.
Nguyễn Hữu Tâm
- Phó chi cục trưởng, Chi cục Trồng Trọt và BVTV Quảng Trị