CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG, MỘT NĂM NHÌN LẠI

Thứ sáu - 05/02/2021 04:32
Sau 1 năm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đạt được những kết quả phấn khởi. Ngay từ đầu năm Trung tâm đã xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm; ký cam kết của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí trong ban lãnh đạo của đơn vị đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các Phòng chuyên môn, các Trạm Khuyến nông huyện, thị, thành phố, các tổ chức đoàn thể trong đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của cơ quan trên tất cả các lĩnh vực. Cho đến nay 100% các nhiệm vụ đã được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Mô hình lúa ở huyện Hải Lăng
Mô hình lúa ở huyện Hải Lăng
         Trung tâm đã tập trung thực hiện tốt các chương trình truyền thông, thông tin. Đã thực hiện được 26 nội dung Trang Nông nghiệp phát sóng trên Đài PTTH tỉnh. Biên soạn và xuất bản 12 số Bản tin Nông nghiệp với 14.040 cuốn cấp phát cho các xã, KNV, thú y viên, HTX trong tỉnh. Đã tổ chức 100 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thu hút gần 3.000 lượt nông dân tham gia; 12 lớp nâng cao nghiệp vụ và kỹ thuật chuyên ngành cho 360 cán bộ khuyến nông, KNV, CTV khuyến nông cơ sở và nông dân chủ chốt; 2 lớp về thâm canh cây hồ tiêu và cây rau màu cho 40 học viên là cán bộ cơ sở ở các địa phương triển khai dự án WB7; 51 lớp tập huấn kỹ thuật CSA, ICM trên các mô hình nhân rộng về cây lúa, rau màu và hồ tiêu được 51 lớp cho 3.679 nông dân; 17 lớp tập huấn, đào tạo về FFS trên cây lúa, rau, hồ tiêu cho 510 lượt nông dân; 1 lớp về phương pháp, kỹ năng viết tin bài có 30 học viên.Tổ chức 9 hội nghị đầu bờ đánh giá và chuyển giao các mô hình khuyến nông đạt kết quả cho hơn 400 nông dân đến tham quan học tập; 
         Song song với công tác thông tin tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua xây dựng mô hình trình diễn.Về trồng trọt, năm 2020, trung tâm thực hiện các mô hình như: Thâm canh giống cà phê mới tại Hướng Tân, Hướng Phùng 2,5 ha; thâm canh cam, bưởi da xanh áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm tại Vĩnh Thủy, Cam Nghĩa, Cam Thanh 6 ha; trồng thâm canh cam, bưởi đảm bảo ATVSTP, 7 ha; tái canh cây cà phê (thuộc dự án KNTW) quy mô 6 ha thực hiện tại thôn Bụt Việt và thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Hiện cây tại các mô hình chăm sóc sinh trưởng phát triển tốt, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, chăm sóc trong thời gian tới, đặc biệt chú ý công tác phòng trừ sâu bệnh cho cây.
         Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ đông xuân 2019 - 2020, thực hiện tại xã Vĩnh Thủy 8 ha giống lúa HN6 đạt năng suất 56 - 60 tạ/ha và xã Gio Quang 8 ha giống lúa bắc thơm đạt 52 - 54 tạ/ha, với giá bán khá cao 9.000đ/kg lúa, cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình thành công giúp nâng cao nhận thức, thay đổi thương thức canh tác của người dân trong việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bền vững đảm bảo sản phẩm an toàn, môi trường đất, nước không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, hạn chế sử dụng phân vô cơ nhất là phân đạm trong sản xuất lúa.
         Với mục đích chuyển đổi sản xuất trên đất lúa thiếu nước vụ hè thu, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, Trung tâm đã triển khai mô hình trồng dưa hấu phủ bạt nilon đảm bảo ATVSTP với quy mô 5 ha giống Trang Nông 755tại thôn Lễ Môn, xã Phong Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt 20 tấn/ha, thu nhập trên 150 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. 
         Về chăn nuôi, trung tâm đã thực hiện Chương trình cải tạo đàn bò tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ mang lại hiệu quả khá, đã phối được trên 9.000 con bò. Thông qua chương trình, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao, bê lai sinh ra ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển nhanh, trọng lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3-1,5 lần so với bò vàng địa phương. Giá bán bò lai cao hơn bò nội từ 3- 5 triệu đồng/con. Ước tính mỗi năm có trên 6.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò với nguồn thu khoảng 75 tỷ đồng/năm. Đối với chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt cho thấy nhu cầu chăn nuôi bò chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Bê lai 2/3 máu ngoại có ưu thế lai vượt trội, sinh trưởng phát triển nhanh, trọng lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5-2,0 lần so với bò lai zebu. Giá bán bò chuyên thịt cao hơn bòlai zebu từ 7 đến 8 triệu đồng/con. Ước tính mỗi năm có trên 2.700 bê lai 2/3 máu ngoại ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò với nguồn thu khoảng 54 tỷ đồng/năm.
         Ngoài ra,trung tâm còn thực hiện các mô hình như: Chăn nuôi gà bản địa sinh sản ở xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông; nuôi vịt biển sinh sản; nuôi vịt thịt Đại Xuyên, nuôi gà thịt theo hướng VietGAHP. Các mô hình triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, được chính quyền và nông dân hưởng ứng tích cực.
         Đối với chương trình khuyến lâm, các mô hình được trung tâm tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn khuyến công quốc gia như: Mô hình nông lâm kết hợp; chuyển hóa rừng keo lai, keo tai tượng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lai mô và keo tai tượng tại một số tỉnh miền Trung”; trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng, cây ba kích...
Năm 2020, các mô hình thủy sản tập trung vào áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, các đối tượng nuôi mới đã góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế như: Nuôi tôm kết hợp cá đối và cua 0,8 ha, thu lợi nhuận được trên 240 triệu. Mô hình đem lại “lợi ích kép” vì vừa mang lại giá trị kinh tế vừa tác động rất tích cực đến môi trường nuôi. Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro vì dịch bệnh; tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản.
         Mô hình nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn có kết quả khả quan, giai đoạn ương tôm có tỷ lệ sống cao, đạt 72%, tôm nuôi nhanh lớn, sản lượng 2.160kg, lợi nhuận thu được trên 300 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc 0,2 ha đạt tỷ lệ sống 75%, sản lượng thu được 6 tấn, thu lợi nhuận trên 1tỷ đồng. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm; tôm có tỷ lệ sống đạt 75%, sản lượng đạt trên 10 tấn/ha, lợi nhuận thu được 200 triệu đồng/ha.Trung tâm cũng thực hiện thành công và mang lại hiệu quả cao các mô hình như: Nuôi cá leo trong ao thu lợi nhuận thu được hơn 220 triệu đồng/ha; chế biến cá hấp đảm bảo vệ sinh ATTP tại 2 hộ ở Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, lợi nhuận thu được hơn 274 triệu đồng. Mô hình được chính quyền và người dân đánh giá cao.
          Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với dự án WB7 thực hiện nhân rộng các mô hình CSA trên cây lúa vụ với diện tích 335 ha, có 1.429 hộ tham gia tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Các mô hình được triển khai đồng bộ theo quy trình CSA: Cơ cấu giống lúa mới đạt 100%, sử dụng phân đơn đạt trên 90%, tỷ lệ sạ hàng trên 95%, lượng giống gieo từ 3,5-4 kg/sào, sử dụng chế phẩm Chichoderma và điều tiết mực nước, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đảm bảo quy trình đề ra. Năng suất lúa đạt từ 56 - 66 tạ/ha đối với các giống lúa Bắc thơm 7, HN6, Thiên ưu 8, NA2, TBR1; 75 tạ/ha đối với giống lúa BG1.
          Năm 2020 đã xảy ra lũ lịch sử lớn chưa từng có gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Nhằm hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả của các đợt lũ lụt và sớm khôi phục sản xuất ổn định đời sống, Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật tăng cường về cơ sở nắm bắt thông tin, hướng dẫn chỉ đạo giúp người dân các biện pháp khắc phục thiên tai phục hồi sản xuất, đồng thời hỗ trợ một số mô hình như: Mô hình nuôi vịt biển Đại Xuyên tại 3 xã Vĩnh Long, Gio Mai và Triệu Độ với 5.000 con, tổ chức 5 lớp tập huấn có 225 người cho KNV và các HTX trên địa bàn tỉnh về tư vấn hỗ trợ khắc phục bão lụt, phục hồi sản xuất trên cây tiêu, Gia súc gia cầm, thủy sản...; tổ chức đối thoại phục hồi và phát triển cây hồ tiêu sau bão lụt có 150 đại biểu tham gia.
         Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2021, trung tâm tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng phát triển của ngành và địa phương để đề xuất và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ khuyến nông phù hợp, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hữu cơ, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo; tăng cường áp dụng Việt GAP trong sản xuất nông, lâm, thủy sản chủ lực, tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trên từng lĩnh vực,gắn với chế biến, liên kết thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; tích cực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
         Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường; tiếp tục chương trình cải tạo đàn bò nhằm nâng cao tầm vóc và chất lượng thịt. Chú trọng tái đàn lợn do bị ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, tăng cường liên kết để giải quyết đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi.
         Đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng theo hướng gỗ lớn; trồng cây dược liệu; triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp. Tăng cường các hoạt động tập huấn gắn với mô hình để tuyên truyền, phổ biến giúp người dân thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn công tác trồng rừng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân làm giàu bằng nghề trồng rừng.
         Tiếp tục đẩy mạnh các mô hình nuôi mới, nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản, nuôi theo quy trình GAP, chú trọng nuôi tôm công nghệ biofloc, công nghệ cao, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn môi trường nuôi thuỷ sản, tăng cường các mô hình chế biến, khai thác, đánh bắt xa bờ phục vụ mục tiêu xuất khẩu.
       Tăng cường sự phối hợp giữa khuyến nông với các ban, ngành, hội đoàn thể, chính quyền địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp chủ trì dự án.
Vận động, tuyên truyền đội ngũ trí thức trẻ tiếp tục đề xuất, đăng ký một số đề tài, dự án cấp sở, cấp tỉnh, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để thực hiện tốt việc nghiên cứu khoa học công nghệ trong toàn đơn vị.
          Nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền thông qua các chuyên mục khuyến nông như: Bản tin Nông nghiệp, Trang Nông nghiệp trên Đài PTTH tỉnh, các cuộc hội thảo,  tăng cường thông tin tuyên truyền trên trang Web Khuyến nông Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm KN Quốc gia….Tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân, từng bước tháo gỡ “nút thắt” trong sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hoá tránh tình trạng “được mùa thì mất giá”. Chú trọng việc huấn luyện đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân cũng như các THT, HTX nông nghiệp, nhất là các đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Phối hợp các đoàn thể đào tạo huấn luyện các hội viên cơ sở. Cải tiến phương pháp tập huấn cho phù hợp với từng địa phương, tập trung tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề có sự tham gia của nông dân (TOT).
Trần Cẩn - Trung tâm KN

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây