Năm 2020 ngành nông nghiệp và PTNT đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giống, xử lý môi trường nuôi, tích cực chỉ đạo hướng dẫn nuôi trồng thuỷ sản theo khung lịch thời vụ của tỉnh, nhất là triển khai các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nuôi hai giai đoạn nhằm giám sát bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh và nâng cao năng suất sản lượng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2020 ước đạt 3.421,4 ha, sản lượng ước đạt 7.881 tấn.
Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi thủy sản mới trong năm với niềm tin thắng lợi. Có mặt tại các ao nuôi tôm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh vào thời điểm này, chúng ta dễ dàng bắt gặp không khí lao động tấp nập trên những ao, hồ nuôi tôm để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới. Trao đổi với chúng tôi khi đang hướng dẫn nhân công thực hiện các hoạt động cải tạo ao, anh Trần Văn Chung ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết: Ở thời điểm hiện tại, thời tiết nắng ấm, thuận lợi cho việc gia đình tu sữa, cải tạo ao hồ để chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm mới. Cải tạo ao là khâu đầu tiên và cơ bản nhất trong quy trình nuôi, việc cải tạo ao nuôi tốt ngay từ ban đầu nhằm tạo môi trường ổn định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển, tăng trưởng nhanh, hạn chế được sự phát sinh của dịch bệnh.
Anh Trần Hữu Phương, Kỷ sư nuôi trồng thủy sản Trạm Khuyến nông Vĩnh Linh cho biết sau một vụ nuôi toàn bộ lượng chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh... đều tích tụ ở đáy ao, nếu quá trình cải tạo ao không tốt, đáy ao bị suy thoái, lượng bùn tích tụ nhiều sẽ là nguyên nhân khiến tôm chậm phát triển và xảy ra một số bệnh. Vì vậy để xử lý đáy ao nuôi, bà con cần lưu ý. Đối với ao nuôi củ: Tháo cạn nước, phơi khô ao sau đó dùng máy (máy múc, máy ủi) hoặc thủ công để nạo vét lớp bùn đáy ao nhằm loại bỏ các dịch hại có trong ao từ vụ nuôi trước còn sót lại, San phẳng đáy ao dóc về cống thoát, đầm nén kỹ bờ ao, cống cấp thoát nước hoặc lót bạt để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài vào; Đối với những ao không phơi được: bơm cạn nước, dùng máy hoặc thủ công cào chất thải về cuối góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thả. Sau khi làm xong phần đáy ao, tiến hành bón vôi (CaO, CaCO3) với liều lượng 70-100 kg/1.000m2. Với những ao chua phèn, không phơi khô được thì tăng liều lượng lên 100-150 kg/1.000m2; Bón vôi, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn đáy ao và trung hòa pH; Đối với ao lót bạt đáy chỉ cần vệ sinh khử trùng ao nuôi, sau đó phơi đáy ao khoảng 5-7 ngày thì tiến hành cấp nước.
Đối với ao nuôi mới: Cho nước vào, nước ra 2-3 lần để rữa ao rồi tiến hành xã cạn, sau đó cải tạo như đối với ao củ. Lưu ý: Sau mỗi vụ nuôi, phải phơi khô cứng nền đáy ao lắng, ao nuôi khoảng 1-2 tháng để ngắt vụ, tiêu diệt các mầm bệnh, khoáng hóa và phục hồi môi trường nền đáy. Không dùng thuốc bảo vệ thực vật, những hóa chất cấm theo quy định để cải tạo ao, làm tồn lưu trong đáy ao ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Văn Huân cho biết để hoạt động NTTS năm 2021 đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình cải tạo ao, diện tích nuôi, lượng giống thả, đôn đốc các địa phương hướng dẫn nông, ngư dân thực hiện nghiêm quy trình nuôi, trước mắt làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có hướng dẫn về khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2020. Theo đó, tại các vùng nuôi ven sông, với đối tượng nuôi là tôm sú chỉ nên nuôi một vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 và kết thúc trước ngày 30/6. Với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng có thể nuôi từ 1 – 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 đến 30/6 đối với vùng có bờ ao thấp, dễ bị ngập lụt; đối với vùng không bị ngập lụt, có nguồn nước ngọt dự trữ thời gian thả giống kéo dài từ 15/4 đến trước ngày 31/10; tuyệt đối không được thả nuôi vào thời gian từ ngày 1/11 năm trước đến trước ngày 15/4 năm sau để tránh thời tiết rét kéo dài làm tôm nuôi chậm lớn và dễ phát sinh dịch bệnh. Tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có thể nuôi 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ sau ngày 15/3 đến kết thúc trước ngày 31/10. Đối với các cơ sở nuôi có mái che, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.
Ông Huân cũng yêu cầu các địa phương cần tuân thủ khung lịch thời vụ; quản lý chất lượng con giống; quản lý hệ thống nước cấp, nước thải; quản lý các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra các cơ sở nuôi cần liên kết với các Hiệp hội tôm giống/cơ sở sản xuất giống có uy tín để có con giống chất lượng tốt phục vụ sản xuất; nên ương dưỡng 2-3 giai đoạn và thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm và áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt để có một vụ nuôi thắng lợi.
Phan Việt Toàn - TTKN