KỸ THUẬT NUÔI TÔM SÚ KẾT HỢP CÁ ĐỐI MỤC VÀ CUA TRONG AO

Thứ hai - 02/08/2021 05:36
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho nghề nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Đối với nuôi tôm trong các ao nuôi vùng thấp triều thì diện tích bị bỏ hoang ngày càng nhiều do đặc điểm vùng nuôi dễ bị ô nhiễm, tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
          Trước thực trạng này, việc áp dụng các hình thức nuôi mới và đa dạng đối tượng nuôi là các giải pháp cần thiết để ổn định nghề nuôi cũng như giảm ô nhiễm môi trường nuôi. Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua và cá là hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm tận dụng những đặc điểm sinh học của các đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, phục hồi môi trường các vùng nuôi bỏ hoang hoặc kém hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Trong hình thức nuôi xen ghép, việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững và nếu xuất bán đúng thời điểm sẽ có giá thành cao, tránh “được mùa, mất giá”. Hình thức nuôi kết hợp này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, tạo hướng đi mới cho nghề NTTS,  tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong mô hình nuôi xen ghép, ngoài cua và tôm (có thể thả tôm thẻ hoặc tôm sú), bà con có thể thả nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá dìa, nâu, kình, cá đối mục. Tuy nhiên Cá đối mục được xem là đối tượng phù hợp vì đã có con giống nhân tạo trong khi cá dìa, nâu, kình… phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, không chủ động nguồn giống. Cá đối mục còn có khả năng làm sạch môi trường ao hồ, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, giảm chi phí đầu tư. Thức ăn chính của loài cá này là rong tảo tự nhiên ở đầm phá, phiêu sinh vật, tảo tàn và mùn bã hữu cơ. Đây cũng là đối tượng có tốc độ sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, khả năng thích nghi với môi trường rất tốt nên hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú  kết hợp cá đối mục và cua trong ao.
1. Lựa chọn ao nuôi:
- Ao nuôi gần nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm do chất thải nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt , ao nuôi ở xa khu dân cư  và thuận tiện giao thông;
- Có diện tích từ 3.000 – 5.000m2; Có cống cấp và thoát nước riêng biệt, bờ đê chắc chắn  không bị rò rỉ;
- Ao phải đảm bảo độ sâu mực nước từ  1,2 – 1,5 m
2. Cải tạo ao nuôi:
-  Tháo cạn nước ao nuôi, vét bùn đáy ao và tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước.
- Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài và tránh thất thoát cua trong ao nuôi bò ra ngoài.
- Bón vôi với liều lượng 7 – 10kg/100 m2 và bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giảm bớt các chất khí độc tồn tại trong đất và trung hòa pH.
-  Phơi đáy ao khoảng 7 - 10 ngày trong thời tiết nắng nóng là tốt nhất.
- Lấy nước vào ao qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp với mức nước lên 1,2 – 1,4 m.
- Gây màu nước bằng phân NPK với liều lượng 2g/m3. Sau 3 ngày thấy màu nước có màu xanh lá chuối non thì tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi đảm bảo thích hợp như: Độ mặn: 10 - 30‰; Nhiệt độ: 26 – 320C; Hàm lượng oxy hòa tan trên 4mg/l;  pH: 7,5 – 8,5 thì tiến hành thả giống
Lưu ý: Nếu có điều kiện có nhiều ao nuôi, bà con nên chuẩn bị một ao làm ao chứa lắng để cấp nước vào ao nuôi trong suốt quá trình nuôi nhằm ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài.
3. Chọn và thả giống
*  Chọn con giống:
- Đối với cá Đối mục: Nên chọn giống khỏe mạnh đều kích cỡ, không bị xây xát, hoạt động nhanh, nhìn bên ngoài màu sắc tươi sáng, không bị dị hình, dị tật.
- Đối với cua giống (còn gọi là Cua khay): Chọn cua đồng đều kích cỡ, màu sắc sáng bóng, cua hoạt động tốt không có dấu hiệu bệnh, cua đầy đủ que càng không bị tổn thương, mất mát các phần phụ.
- Đối với tôm sú giống: Có màu nâu xám tự nhiên, hoạt động nhanh nhẹn, cỡ tôm đồng đều và đạt từ 1,2 – 1,3 cm (P15), các bộ phận phụ đầy đủ không bị dị tật dị hình. Chọn tôm giống đã qua kiểm dịch không nhiễm bệnh đốm trắng, tỉ lệ MBV thấp < 10%.
*  Mật độ nuôi xen ghép tôm sú, cá đối nục và cua
- Cá đối mục: 0,2 – 0,5 con/m2, kích cỡ 3 – 5 cm/con.
- Tôm sú: 3 – 5 con/m2, Tôm P15 kích cỡ 1,2 – 1,3cm/con,
- Cua: 0,2 – 0,5 con/m2, cua khay cỡ c3, nếu sử dụng cua giống lớn từ tự nhiên mật độ giảm đi một nửa.
*  Phương pháp thả giống:
- Nên thả giống vào lúc sáng sớm khoảng 6 đến 9 giờ sáng  hay chiều mát 16 giờ đến 17 giờ, không nên thả giống khi trời mưa hoặc gió mùa đông bắc.
- Trước khi thả đối với tôm, cá đối mục nên ngâm các bao giống trong ao  10 – 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó mở túi cho nước vào từ từ rồi thả giống ra ao nuôi, thả giống đầu hướng gió để tạo điều kiện cho tôm cá phân bố đều khắp ao.
- Đối với cua khay nên thả đều khắp ao và thả vào những điểm nền đáy ao sạch cát nhiều.
4 Chăm sóc quản lý
* Thức ăn: Loại thức ăn tùy thuộc vào khả năng đầu tư của bà con, có thể là thức ăn công nghiệp, chế biến, thức ăn tươi hoặc kết hợp các loại đó với nhau.
- Đối với cá đối: Sử dụng thức ăn viên nổi công nghiệp dành cho cá (thức ăn có độ đạm 22 – 30%),
- Tôm sú: Sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho tôm.
- Cua: Sử dụng thức ăn tươi như cá tạp, hến; giai đoạn đầu khi mới thả nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp của tôm để cho cua ăn.
* Cách cho ăn:
Thức ăn được rải đều trong ao, ngày có thể cho ăn 2 lần sáng 7 - 8 giờ và chiều 5 - 6 giờ, có thể cho ăn bổ sung vào ban đêm đối với tôm. Thức ăn của tôm được cho ăn vào buổi chiều tối nhiều hơn cho ăn vào buổi sáng; đối với cá thì cho ăn  vào buổi sáng nhiều hơn buổi chiều.
Trong một bữa ăn, để đảm bảo cho tôm, cua nuôi ăn đầy đủ thức ăn thì phải cho cá đối mục ăn trước sau đó đến cho tôm cua ăn. Vì cá đối mục rất háu ăn, nếu ăn cùng 1 lần cá dành thức ăn của tôm.
* Liều lượng thức ăn cho ăn như sau:
- Giai đoạn đầu: Lượng thức ăn công nghiệp hàng ngày 5 – 10% trọng lượng tổng đàn nuôi.
- Sau tháng nuôi thứ 3 trở lên lượng thức ăn trong ngày 3 – 5% trọng lượng đàn trong ao.
* Một số điểm cần chú ý khi cho ăn:
- Thức ăn phải đảm bảo chất lượng và số lượng
- Kiểm tra sức ăn của tôm bằng sàng ăn (vó) lượng thức ăn cho vào sàng ăn bằng  1 - 2% tổng thức ăn tôm/ 1 bữa ăn, sau thời gian cho ăn 1,5 – 2 tiếng nếu thấy lượng thức ăn đưa vào được tôm ăn hết nhanh thì bữa sau tăng thêm, nếu thấy lượng thức ăn còn dư thừa thì bữa sau cần giảm lượng thức ăn.
- Kiểm tra sức ăn của cá bằng quan sát trên mặt ao, sau khi rải thức ăn 1,5 – 2 tiếng nếu thấy lượng thức ăn đưa vào được cá ăn hết nhanh thì bữa sau tăng thêm thức ăn hoặc thấy lượng thức ăn còn dư thừa bữa sau nên giảm lượng thức ăn.
5.  Quản lý ao nuôi
Định kỳ hàng tuần tiến hành đo các yếu tố môi trường  như pH, độ kiềm, DO, độ mặn…. để đảm bảo các thông số này nằm trong ngưỡng thích hợp cho các đối tượng nuôi sinh trưởng phát triển tốt.
Định kỳ 7 – 10 ngày phải cấp hoặc thay nước cho ao nuôi, mức nước trong ao nuôi phải đạt >1,2m để ổn định nhiệt độ. Đối với ao nuôi ghép mật độ thấp chỉ cần thêm nước để bù vào lượng nước đã bị bốc hơi và rò rỉ ra bên ngoài. Việc thay nước chỉ nên tiến hành ở những ao có sự cố và có thể lấy nước ra vào một cách tự nhiên hoặc  dùng máy bơm
- Định kỳ hàng tuần bón vôi với liều lượng 3 – 4kg/100m2 để ổn định môi trường nước nuôi.
- Thường xuyên kiểm tra hoạt động của tôm, cua, cá nuôi trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời, mặt khác cũng để kiểm tra tốc độ sinh trưởng nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Trong quá trình nuôi để tăng sức đề kháng cho các đối tượng nuôi, bà con cần trộn thêm vitamin C vào thức ăn với liều lượng 2 - 5g/1kg thức ăn.
- Đối với cá đối mục: Sau 3 tháng nuôi khi cá đã lớn bà con lưu ý có thể cá sẽ bị nổi đầu vào sáng sớm. Nếu hiện tượng nổi đầu nghiêm trọng bà con có thể xử lý bằng cách bật máy quạt khí, cấp thêm nước và dùng Zeolite để bón cho ao với liều lượng 2 – 3kg/1.000m2.
6. Thu hoạch
Đối với hình thức nuôi xen ghép nên áp dụng hình thức thu tỉa bớt sản phẩm rồi mới tiến hành thu toàn bộ.
Sau thời điểm 3 - 4 tháng nuôi, có thể tiến hành thu tỉa đối với tôm cua đạt kích  cỡ thương phẩm để giảm dần mật độ. Thu bằng cách sử dụng lừ để bắt những con đạt tiêu chuẩn. Riêng cá Đối Mục sau khi nuôi từ 5 – 6 tháng có thể  tiến hành thu tỉa dần cá đạt trọng lượng từ 0,3 - 0,4 kg/con.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây