HƯỚNG DẪN Sử dụng vắc xin Lumpyvac phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò

Thứ năm - 13/05/2021 05:36
Van ban phap luat la gi
Van ban phap luat la gi
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT QUẢNG TRỊ                       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 
      CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y                                             Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
          Số: 280 /HD-CNTY-QLDB                                                    Quảng Trị, ngày 11 tháng 5 năm 2021
HƯỚNG DẪN
Sử dụng vắc xin Lumpyvac phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò

 
Thực hiện Kế hoạch số 844/SNN-KHTC ngày 10/5/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; Công văn số 1076/BNN-TY ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC ở trâu bò; Văn bản số 60.03.21/Amavet ngày 25/3/2021 của Công ty Cổ phần kinh doanh thuốc thú y Amavet về một số nội dung kỹ thuật và khuyến cáo khi sử dụng vắc xin Lumpyvac, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn sử dụng vắc xin Lympyvac phòng bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) cho trâu bò như sau:
1. Vắc xin sử dụng (Lumpyvac)
- Nguồn gốc: Vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ do Công ty Cổ phần kinh doanh thuốc thú y Amavet nhập khẩu, phân phối cho các địa phương.
- Đặc điểm của vắc xin: Vắc xin nhược độc đông khô pha với nước muối sinh lý hoặc dung dịch pha vô trùng chuyên biệt dung pha vắc xin đã được làm lạnh để phòng bệnh VDNC trên trâu, bò.
- Thành phần vắc xin: 
+ Thành phần hoạt động: Mỗi liều 2ml chứa ít nhất 103.5TCID50 vi rút chủng Neethling đã làm giảm độc lực, đông khô với chất ổn định để tạo miễn dịch cho trâu, bò chống lại bệnh VDNC. 
+ Thành phần phụ: Lactoalbumine hydrolysate: 0.25mg; Sucrose: 0.5mg. 
- Vắc xin sau khi tiêm 28-35 ngày mới có đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả và thời gian miễn dịch kéo dài 12 tháng. Không cần tiêm liều tăng cường.
2. Quy trình kỹ thuật sử dụng vắc xin
a) Bảo quản vắc xin:

Vắc xin bảo quản ở nhiệt độ từ 2OC-8OC, không bảo quản đông lạnh; tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Trong quá trình vận chuyển phải luôn giữ trong thùng xốp có đá lạnh hoặc đá khô, tránh tiếp xúc trực tiếp lọ vắc xin với nước đá (có thể để cách 1 lớp giấy báo, bìa cactông...).
b) Chỉ định: 
- Vắc xin tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 02 tháng tuổi trở lên. Không tiêm cho trâu, bò, bê, nghé đã có triệu chứng của bệnh VDNC hoặc mắc các bệnh khác.
- Không sử dụng đồng thời vắc xin Lumpyvac với các loại vắc xin khác, hoặc với thuốc ức chế miễn dịch và corticosteroid (ít nhất một tuần trước và một tuần sau ngày tiêm phòng vắc xin Lumpyvac)
c) Kỹ thuật pha vắc xin: 
- Lọ vắc xin 25 liều pha với lọ nước 50 ml. 
+ Lấy 2-3ml nước pha chuyển vào lọ vắc xin và lắc đều cho đến khi tan hết, lấy hết vắc xin đã pha chuyển vào lọ nước pha. Tiếp tục lấy 2-3ml nước pha chuyển vào lọ vắc xin để tráng vắc xin, lấy hết vắc xin vừa được tráng chuyển vào lọ nước pha. 
+ Trộn dung dịch vắc xin đã pha thật kỹ bằng cách đảo ngược chai thuốc khoảng 15-20 lần trước khi sử dụng. Tránh tạo bọt khí, có thể gây phản ứng cục bộ. 
- Vắc xin sau khi pha, dùng trong 02 giờ. 
Lưu ý: Phải đưa nước pha về nhiệt độ phòng trước 30 phút. Sau đó mới pha nước pha vào vắc xin và lắc đều; Mỗi lần lấy vắc xin đã pha vào bơm tiêm phải lắc đều lại một lần nữa.
d) Vị trí tiêm và liều tiêm: Tiêm dưới da cổ ngay trước vai trâu, bò với liều 02 ml/con. Không kể tuổi và trọng lượng gia súc.
e) Kỹ thuật tiêm vắc xin:
- Lắc kĩ chai vắc xin đã pha, lấy 02 ml dung dịch vắc xin vào bơm tiêm.
- Đứng phía sau mắt con vật hoặc khuất tầm nhìn con vật.
- Sát trùng phần da cổ nơi định tiêm bằng cồn Iot hoặc dung dịch sát trùng.
- Beo da phần cổ con vật lên, cắm kim tiêm vào chéo 1 góc 45-600 nếu con vật nhỏ hơn 6 tháng và chéo 1 góc 60-900 nếu con vật lớn hơn 6 tháng (nên sử dụng kim có độ dài 1cm để tiêm).
- Beo lại da chỗ đã cắm kim tiêm và bơm nhẹ nhàng vắc xin vào. Tránh để con vật giãy giụa mạnh để chệch kim tiêm và vắc xin bị trào ra ngoài. Day nhẹ chỗ tiêm sau khi rút kim tiêm ra cho dung dịch vắc xin tản đều và không trào ngược ra ngoài.
3. Giám sát sau tiêm phòng
a) Giám sát lâm sàng:

- Tổ tiêm phòng của xã, phường, thị trấn và chủ hộ theo dõi tình hình đàn trâu bò sau khi tiêm; báo cáo ngay cho UBND xã, phường, thị trấn, Nhân viên thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y khi có dấu hiệu bệnh để kiểm tra, kịp thời xử lý.
- Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp giải quyết.
b) Phân công giám sát:
- Các hộ chăn nuôi phải theo dõi đàn trâu bò sau khi tiêm phòng, số phản ứng … và báo cáo ngay những biểu hiện bất thường cho tổ tiêm phòng của địa phương.
- UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo tổ tiêm phòng, nhân viên thú y theo dõi đàn trâu bò sau khi tiêm. 
- Trạm Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ quản lý địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình sau tiêm phòng. Theo dõi và hướng dẫn điều trị số gia súc phản ứng. Ghi chép rõ các trường hợp có hiện tượng phản ứng, gia súc phát bệnh sau tiêm phòng.
4. Quy định về tiêm phòng
- Không được sử dụng lọ vắc xin bị vỡ hoặc không đạt về chỉ tiêu vật lý.
- Vắc xin tiêm dưới da. Do đó cần cố định gia súc thật chắc chắn để đảm bảo tiêm đủ liều và đúng vị trí vào dưới da nhằm hạn chế các tai biến và phản ứng sau tiêm phòng. Tốt nhất nên làm gióng cố định gia súc để tiêm phòng.
- Vắc xin sau khi pha, dùng trong 02 giờ. Do đó các đơn vị cần xây dựng phương án tiêm phòng cho các tổ tiêm nhằm đảm bảo vắc xin được tiêm nhanh nhất sau khi pha để tránh lãng phí vắc xin, vào cuối buổi tiêm có thể cân đối chia số liều vắc xin cho tổ tiêm khác.
- Gia súc sau tiêm phòng phải ghi chép ngay vào biểu mẫu theo quy định, có chữ ký xác nhận của chủ gia súc. Ngoài ra, cần lưu ý lập danh sách số gia súc của những hộ còn lại không được tiêm kỳ này (vì lý do hợp lý nào đó) để có kế hoạch tiêm bổ sung và số gia súc của một số hộ trong địa phương đã tiêm vắc xin loại khác trước đó.
- Trạm Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ phụ trách địa bàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức tiêm phòng của các địa phương, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình kỹ thuật và không để thừa vắc xin trong chai, kịp thời cân đối và điều chuyển vắc xin tránh để thừa, lãng phí. Cán bộ phụ trách địa bàn, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng về việc sử dụng vắc xin không đúng đối tượng và phạm vi tiêm phòng theo kế hoạch. 
5. Một số điều lưu ý khi tiêm phòng
- Theo khuyến cáo của nhà sản xuất: Vắc xin đã được kiểm chứng là an toàn cao, rất hiếm khi xảy ra trường hợp quá mẫn tại nơi tiêm hoặc toàn thân; Sốt tạm thời sau khi tiêm phòng và sưng cứng hoặc mềm ở vùng tiêm vắc xin được coi là bình thường. Ở một số trường hợp có thể xảy ra phản ứng sốc phản vệ, có thể dùng thuốc kháng histamin hoặc dùng Adrenalin, Cafein để can thiệp.
- Vắc xin sau khi tiêm 28-35 ngày mới có đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả. Trong khi hiện nay dịch bệnh đã lây lan rộng, mầm bệnh lưu hành tại nhiều địa phương, thời gian ủ bệnh dài (từ 4-14 ngày), trâu bò có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh lâm sàng, nên sau khi được tiêm vắc xin, trâu bò có thể phát bệnh, chết do mang trùng hoặc chưa đủ thời gian miễn dịch, cần được xử lý theo quy định.
- Thường xuyên lắc nhẹ lọ vắc xin đã pha để vắc xin được trộn đều.
- Sử dụng bơm, kim tiêm vô trùng. Không sát trùng bơm, kim tiêm bằng hóa chất hoặc cồn.
- Sau mỗi lần tiêm cho trâu, bò phải thay kim; kim đã thay không để lẫn với kim đã được vô trùng. Do vậy, phải chuẩn bị đầy đủ số lượng kim tiêm hoặc dụng cụ để tiệt trùng kim trước và trong quá trình tiêm phòng. Không được dùng chung kim tiêm cho nhiều gia súc. 
- Không dùng kim lấy vắc xin để sử dụng tiêm vắc xin cho trâu bò. 
- Trong trường hợp tiêm tại hộ chăn nuôi: Người trực tiếp tiêm phòng, tổ tiêm phòng phải khử trùng mỗi lần từ hộ chăn nuôi này đến hộ chăn nuôi khác. Sử dụng bình phun tay có hóa chất sát trùng để sát trùng ủng, giày dép trước và sau khi ra vào hộ chăn nuôi.
Căn cứ hướng dẫn này đề nghị Trạm Chăn nuôi và Thú y tham mưu cho UBND huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cho UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện, nếu có gì vướng mắc báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y qua đ/c Nguyễn Thị Thúy Hằng-TP Quản lý dịch bệnh để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Chi cục giải quyết./.

 
Nơi nhận:                       
- Sở Nông nghiệp và PTNT (để biết);
- Lãnh đạo Chi cục;
- Phòng NN và PTNT, Phòng KTế các huyện TP,TX;
- Các Phòng, Trạm thuộc Chi cục (để thực hiện);
- Lưu: VT, HSCV, QLDB.      
KT.CHI CỤC TRƯỞNG
PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG

(Đã ký)


Đào Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây