GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỤ TINH NHÂN TẠO TRONG CHĂN NUÔI TRÂU TẠI NÔNG HỘ

Thứ hai - 04/10/2021 05:12
Tỉnh Quảng Trị có tổng đàn trâu khoảng 22.000 con, chủ yếu là giống trâu địa phương, trong đó trâu sinh sản chiếm khoảng 40%. Những năm qua, chăn nuôi gia súc được xác định là một trong những thế mạnh của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, với tiến trình hội nhập hiện nay công tác lai tạo giống vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, quy mô và hiệu quả còn hạn chế. Để giúp nâng cao hiệu quả của phương pháp Thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu trong nông hộ, giúp cho chăn nuôi trâu mang lại hiệu quả cao hơn, từng bước khắc phục hiện tượng cận huyết, cải thiện tầm vóc của đàn trâu, bà con cần quan tâm một số giải pháp như sau:
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỤ TINH NHÂN TẠO TRONG CHĂN NUÔI TRÂU TẠI NÔNG HỘ
1. Quản lý trâu cái qua các giai đoạn chờ phối
Đối với trâu cái phải được quản lý và theo dõi thường xuyên nhằm phát hiện động dục kịp thời. Trâu cái có tuổi động dục lần đầu lúc khoảng 3 năm tuổi, lúc đó khối lượng cơ thế  đạt 70-75% khối lượng lúc trưởng thành. Tuổi đẻ lứa đầu của trâu là khoảng 4 năm tuổi, khối lượng cơ thể đạt 80-85% khối lượng lúc trưởng thành. Chu kỳ động dục của trâu dao động khá lớn, từ 15-35 ngày, thời gian kéo dài động dục là 15-20 giờ và phần lớn trâu cái có biểu hiện động dục không rõ ràng (thường gọi động dục ngầm).
Thời gian mang thai của trâu nội là 320 - 325 ngày. Thời gian động dục lại sau khi đẻ 6 tháng, dẫn đến nhịp đẻ thường 3 năm 2 nghé hoặc 2 năm 1 nghé. Trâu là động vật đơn thai vì vậy rất ít trường hợp sinh đôi (chỉ dưới 1%). Sự sinh sản của trâu cũng mang tính mùa vụ khá rõ rệt, trâu động dục tập trung vào mùa thu đông (từ tháng 8 đến tháng 2 dương lịch năm sau), còn mùa hè nóng nực thì tỷ lệ động dục thấp hơn.
Tuyệt đối không để những trâu đực có quan hệ huyết thống hoặc tầm vóc bé nhảy trực tiếp cho trâu cái.
Với trâu cái được phối giống 1- 2 lần mà không mang thai thì cần kiểm tra xác định nguyên nhân để có biện pháp can thiệp phù hợp.
2. Xác định được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với trâu sinh sản.
Nếu trâu cái được ăn khẩu phần đầy đủ dinh dưỡng sẽ động dục đều đặn theo đúng chu kỳ tính, sau 3 tháng đẻ nuôi con có trên 85% số cá thể động dục trở lại với chu kỳ 21 - 23 ngày/lần, đồng thời biểu hiện rõ các đặc trưng về tính.
Nhu cầu dinh dưỡng của trâu cái chờ phối và chửa trong nông hộ: Từ 30 - 35 kg cỏ tươi, 2 - 3 kg thức ăn ủ chua, cỏ khô, 1,0 -1,5 kg thức ăn tinh/ngày, bổ sung tảng đá liếm khoáng treo đầu chuồng liên tục để bổ sung vi lượng. Đối với trâu cái nuôi con ở giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi  cần bổ sung thêm 1,5 - 2 kg thức ăn tinh.
(Lưu ý: nếu  nuôi nhốt trâu cái phải bổ sung khoáng vi lượng. Nếu thiếu khoáng vi lượng trâu sẽ khó động dục trở lại).
Với khẩu phần dinh dưỡng cân đối đủ năng lượng, đạm, khoáng đa - vi lượng trâu sẽ động dục theo đúng chu kỳ sinh sản.
3. Phát hiện trâu cái động dục và xác định thời điểm thích hợp để phối giống.
Việc phát hiện trâu cái động dục và xác định được thời điểm phối giống thích hợp là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ phối chửa, khoảng cách lứa đẻ và năng suất sinh sản. Để việc phát hiện trâu cái động dục chính xác và hiệu quả, bà con  cần có sổ sách ghi chép các số liệu sinh sản như lứa tuổi trâu, lứa đẻ, ngày trâu đẻ, khối lượng nghé sơ sinh, thời gian nuôi con.
Trâu cái động dục sẽ có các quá trình biểu hiện khác thường như thỉnh thoảng kêu rống, thích gần trâu khác có khi nhảy trâu cái khác hoặc đứng cho trâu cái khác nhảy, đi tiểu ít nhưng nhiều lần, âm hộ sưng mọng hơn, niêm mạc hồng, niêm dịch ra nhiều (rất dễ phát hiện khi soi ban đêm và sáng sớm lúc trâu cái nằm nghỉ hoặc nhai lại)
Khi thấy một trong những biểu hiện trên,  cần nhốt trâu lại theo dõi, lúc nào trâu ở trạng thái mề ì, dịch không chảy ra nữa thì liên lạc với Dẫn tinh viên để họ kiểm tra kỹ l­ưỡng hơn và phối giống kịp thời.
Theo kinh nghiệm: Phối giống tốt nhất vào cuối ngày thứ nhất - đầu ngày thứ hai sau khi con vật có dấu hiệu động dục.
 Sau khi phối giống để trâu cái ổn định, ng­ười chăn dắt phải tách riêng với những con đực khác từ 1-2 ngày đồng thời ghi vào sổ theo dõi, nếu quá 40 ngày mà trâu không có biểu hiện động dục trở lại thì có khả năng là trâu đã đậu thai.
4. Biện pháp kỹ thuật của dẫn tinh viên.
- Dẫn tinh viên phải nắm vững quy trình bảo quản tinh, tinh phải liên tục ngập sâu trong ni tơ lỏng, khi lấy ra sử dụng phải giải đông ở 380 C trong vòng 15 giây và sử dụng ngay không để quá 15 phút bên ngoài.
- Dẫn tinh viên phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề. Nếu dẫn tinh viên có trình độ tay nghề cao thì khi kiểm tra bộ phận sinh dục bò cái xem độ cứng, mềm cổ tử cung có thể xác định được thời điểm phối giống thích hợp nhất.
- Phải vô trùng dụng cụ khi phối giống để tránh gây viêm nhiễm bộ phận ở sinh dục trâu cái.  
Nếu áp dụng đồng bộ các biện pháp trên sẽ nâng cao hiệu quả của công tác thụ tinh nhân tạo cho trâu trong nông hộ, nhanh chóng lai tạo và cải tạo đàn trâu địa phương có năng suất chất lượng cao hơn, có khả năng đáp ứng và theo kịp tiến trình hội nhập hiện nay./.
Hình ảnh: Trâu nghé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo
Bài và ảnh: Hoàng Hương - TTKNQT

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây