KỸ THUẬT LÀM ĐỆM LÓT SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI LỢN

Thứ hai - 06/09/2021 21:06
Chăn nuôi lợn bằng đệm lót sinh học là giải pháp tiên tiến mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi. Với nhiều ưu điểm như giúp phân hủy chất thải cụ thể là phân, nước tiểu; tiêu diệt một số vi khuẩn có hại tồn tại trong chuồng nuôi; giảm chi phí nhân công, điện, nước, thời gian và công sức để vệ sinh chuồng trại,… Đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường, mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi bền vững.
KỸ THUẬT LÀM ĐỆM LÓT SINH HỌC TRONG CHĂN NUÔI LỢN
1. Diện tích và chuồng trại chăn nuôi
- Chuồng hở, mái kép, chiều rộng 4-5m, chiều dài dựa vào tổng đàn lợn cần nuôi, chiều cao từ mái hiên xuống mặt nền ít nhất 2,5m, từ đỉnh xuống nền từ 3-3,5m. Diện tích chuồng 20 m2 nuôi khoảng 10 -14 heo thịt là hợp lý nhất. 
 - Khi xây mới, nền chuồng đất nện chặt, không láng xi măng. Nếu là chuồng cũ cải tạo thì có thể làm đệm lót nổi trên mặt đất, nền xi măng giữ nguyên nhưng phải đục lỗ (các lỗ có đường kính 4cm, cứ cách 30cm đục 1 lỗ) hoặc phá nền cũ để cải tạo nền chuồng mới.
 - Thiết kế hệ thống phun nước trên mái giúp làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi.
 - Máng ăn và vòi uống nước tự động đặt ở 2 phía đối nhau để tăng sự vận động của vật nuôi, giúp đảo trộn chất độn, điều này có lợi cho sự lên men.
 - Máng ăn phải cao hơn bề mặt đệm lót từ 15 - 20cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn.
 - Xây máng hứng nước dưới vòi tự động để tránh nước chảy vào đệm lót (vòi uống nước đảm bảo 10con/vòi, độ cao của núm uống tự động phải phù hợp cho từng độ tuổi của lợn thịt).
image 20210907081023 1

 2. Thiết kế đệm lót lên men
 a. Các loại đệm lót lên men
 Đệm lót lên men gồm 3 loại:
- Loại đệm lót dưới mặt đất: Đào sâu xuống dưới đất đạt độ sâu bằng độ dày của đệm lót.
- Loại đệm lót nổi trên mặt đất: Xây tường bao cao hơn một chút so với độ dày của đệm lót.
- Loại đệm lót nửa dưới mặt đất: Đào xuống dưới đất chỉ cần độ sâu bằng một nửa của độ dày đệm lót.
Chú ý: Tùy thuộc vào địa thế đất cao hay thấp so với mực nước ở bên ngoài lúc cao nhất để chọn lựa loại đệm lót cho thích hợp. Phải đảm bảo đệm lót luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng.
 b. Độ dày đệm lót chuồng
 Độ dày đệm lót chuồng khoảng 60-80cm
 Chú ý: Độ dày của đệm lót thường giảm thấp do bị nén khi lên men nên khi làm mới nên tăng độ dày thêm 20%. Ví dụ: nếu cần độ dày đệm lót là 60cm thì khi làm phải tăng độ dày thêm 12cm nữa. Cần bổ sung đệm lót trong quá trình nuôi nếu bị sụt giảm độ cao.
 c. Nguyên liệu làm đệm lót
 Các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng, không dễ bị mềm nhũn, không độc, không gây kích thích. Tốt nhất là mùn cưa, vỏ bào, trấu (có thể thay thế bằng các nguyên liệu khác như: vỏ lạc, cùi ngô, thân cây ngô nghiền, xơ dừa, bả mía,… nên sử dụng những loại có kích thước nhỏ hoặc được nghiền nhỏ qua sàng 1-5 mm).
 d. Phương pháp làm
 Để làm 20mchuồng có đệm lót dày 60 - 80cm
 - Nguyên liệu: Trấu, mùn cưa, vỏ bào hoặc các nguyên liệu trên (số lượng đảm bảo rải đủ độ dày 60-80cm) + Bột ngô: 15kg + Chế phẩm sinh học: 2kg + Rỉ mật đường: 3kg.
 - Công việc chuẩn bị
+ Cách pha chế 200 lít dịch men: Cho 1 kg men gốc + 3kg mật rỉ đường và 10kg bột ngô vào thùng, sau đó cho thêm 200 lít nước sạch khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm trong thời gian trên 24 giờ là có thể dùng được. Chế dịch men phải làm trước 1-2 ngày.
+ Cách xử lý bột ngô (trước khi bắt đầu làm đệm lót 5-7 giờ thì xử lý): Lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5kg bột ngô, xoa cho ẩm đều, sau đó để ở chỗ ấm.
 - Cách làm đệm lót:
+ Bước 1: Rải lớp trấu dày 30cm ra nền chuồng.
+ Bước 2: Dùng vòi phun nước sạch (phun mưa) lên lớp trấu cho đến khi đạt độ ẩm 40% (bốc một nắm trấu trên tay, quan sát thấy trấu thấm nước, bóp chặt không thấy nước làm ướt tay là được). Chú ý khi phun nước phải dùng cào đảo để trấu ẩm đều và làm phẳng mặt.
+ Bước 3: Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã ngô có trong dịch lên men trên mặt lớp trấu.
+ Bước 4: Tiếp tục rải lớp mùn cưa dày 30cm lên trên lớp trấu, vừa rải vừa phun nước sạch đều lên trên.
+ Bước 5: Phun nước sạch đều lên trên mặt đến khi đạt độ ẩm khoảng 20-30%. Chú ý: Khi phun nước phải dùng cào đảo để cho mùn cưa ẩm đều. Thử bằng cách quan sát thấy mùn cưa thấm nước trở nên sẫm màu, sau đó lấy một nắm mùn cưa bóp mạnh có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay, mùn cưa vẫn tơi, rời là được.
+ Bước 6: Rải đều 5kg bột ngô đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa.
+ Bước 7: Tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa, sau đó rắc đều hết phần bã ngô còn lại lên mặt lớp mùn cưa.
+ Bước 8: Lấy tay xoa đều lên toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa.
+ Bước 9: Đậy kín toàn bộ bề mặt bằng bạt hoặc nilon.
+ Bước 10: Để lên men 2 - 3 ngày. Bới sâu xuống 30cm thấy ấm nóng, không có mùi nguyên liệu là đạt yêu cầu.
e. Sử dụng đệm lót
+ Mùa mưa: Sau khi làm xong đệm lót có thể thả lợn vào ngay vì trời lạnh, sự lên men chậm, do vậy tận dụng nhiệt độ cơ thể vật nuôi để làm tăng sự lên men.
+ Mùa khô: Trong 1-2 ngày đầu đã lên men mạnh đạt nhiệt độ trên 400C, dưới độ sâu 30cm có thể đạt nhiệt độ 700C nhưng duy trì trong thời gian ngắn.
+ Sau vài ngày nhiệt độ hạ dần, bới sâu xuống 30cm, nhiệt độ khoảng 400C, không có mùi nguyên liệu, có mùi thơm rượu nhẹ đặc trưng là có thể dùng được.
+ Sau khi lên men kết thúc, bỏ bạt phủ, cào lớp bề mặt (sâu khoảng 20cm) cho tơi, để thông khí 1 ngày mới thả lợn.
f. Bảo dưỡng đệm lót sinh học
- Trong quá trình sử dụng cần đảm bảo tầng trên cùng phải luôn giữ được độ ẩm khoảng 20% nhằm tạo môi trường thuận lợi cho men tiêu hủy phân tốt. Hơn thế nữa ở mức độ ẩm này lợn sống thoải mái, không cảm thấy khó chịu và da được bảo vệ.
- Chuồng nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để tránh tình trạng chuồng bị hắt nước mưa và nước từ vòi uống cho lợn chảy xuống làm ướt đệm lót.
- Tầng đệm lót trên cùng phải đảm bảm độ tơi xốp và khô thoáng.
- Định kỳ phải xới xáo đệm lót để phân tiêu hủy nhanh tránh hiện tượng kết tảng.
- Trong trường hợp, nếu phát hiện thấy phân nhiều ở một chỗ cần phải nhanh chóng rải đều và vùi lấp. Nếu lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết, có thể hót bớt phân đi. Vì vậy, cần có biện pháp để lợn không ỉa đái tập trung một chỗ. Trong trường hợp cá biệt, lợn bị bệnh ỉa chảy nặng thì cần cách ly, chỗ phân lợn bệnh cần rắc vôi hoặc phun chế phẩm men, sau đó vùi sâu xuống 30cm.
- Căn cứ vào mùi đệm lót sinh học để xác định nó hoạt động tốt hay không, bằng cách khi ngửi thấy có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối là đệm lót hoạt động tốt. Nếu còn phân và có mùi thối là lên men không tốt, cần phải bảo dưỡng như sau: Xới tung đệm lót lên để cho tơi xốp trong trường hợp có kết tảng và độ ẩm cao, sau đó bổ sung thêm dịch men.
Lê Tùng – Hoàng Hương, TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây