NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG, GIẢM RỦI RO TRONG CHĂN NUÔI, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Thứ năm - 18/07/2024 21:51
Trong quá trình toàn cầu hoá, xu hướng mở rộng lưu thông và hội nhập, do đó diễn biến dịch bệnh trên vật nuôi có chiều hướng phức tạp, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên diện rộng ở nhiều địa phương, nhiều loại dịch bệnh mới nổi xâm nhiễm vào Việt Nam như Dịch tả lợn Châu phi, Viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi… Cùng bị ảnh hưởng, tại Quảng Trị, các loại dịch bệnh trên đều đã xảy ra ở nhiều địa phương, nhưng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y luôn nêu cao trách nhiệm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ và đạt được những kết quả nổi bật đó là:
NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG,  GIẢM RỦI RO TRONG CHĂN NUÔI, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
      Để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình sản xuất chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển, Chi cục chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Quyết định phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản theo giai đoạn và hàng năm. Trong những thời điểm khi có nguy cơ, diễn biến dịch bệnh phức tạp đã chủ động tham mưu, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách, quyết liệt để phòng, chống dịch.
      Giải pháp quan trọng nhất và có hiệu quả trong việc phòng và kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm hiện nay là tiêm vắc xin cho vật nuôi. Để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, hàng năm, trước mỗi đợt tiêm phòng cho đàn vật nuôi, Chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện; trong đó, chú trọng đến công tác thống kê đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng; tiêm phòng bổ sung hàng tháng trong năm. Đồng thời trong mỗi đợt tiêm phòng Chi cục thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện đúng tiến độ đề ra. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm phòng được nâng cao dần qua hàng năm. Đến năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt 60-75% tổng đàn. 
      Quy trình kỹ thuật tiêm phòng luôn được quan tâm hàng đầu, Chi cục luôn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng; tổ chức tập huấn, cho người trực tiếp tiêm phòng. Vì vậy, gia súc, gia cầm được tiêm phòng có miễn dịch đáp ứng yêu cầu bảo hộ.
      Chăn nuôi Quảng Trị chủ yếu là nông hộ, nhỏ lẻ (trên 90%), hầu hết không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Mặt khác, việc quản lý vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật còn nhiều bất cập, do vậy, nguy cơ dịch bệnh ở vật nuôi là điều khó tránh khỏi. Tùy theo tình hình và tính chất dịch bệnh tại các địa phương, Chi cục tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, hợp lý: tiêm phòng bao vây ổ dịch, xử lý triệt để gia súc, gia cầm bệnh, điều trị tích cực gia súc bệnh (nếu có), tiêu độc khử trùng, giám sát chặt chẽ ổ dịch ...  giảm thiểu sự lây lan trong ổ dịch và ra bên ngoài; các ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đều được phát hiện, báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu do đó nhanh chóng kiểm soát và dập tắt dịch bệnh. Từ năm 2009, Chi cục tiếp nhận nhiệm vụ thú y thủy sản và đến năm 2019 thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm bệnh thủy sản. Từ đó đến nay Chi cục luôn đồng hành cùng người nuôi, sát cánh với chính quyền các cấp trong phòng chống dịch bệnh thủy sản. Hàng năm, Chi cục đã lấy và xử lý hàng chục mẫu bệnh thủy sản và cấp hỗ trợ hóa chất cho người dân kịp thời xử lý các ổ dịch. 
      Để lựa chọn vắc xin phù hợp với các chủng vi rút gây bệnh trên địa bàn, hàng năm Chi cục tổ chức lấy từ 120-180 mẫu huyết thanh trâu bò, 180-240 mẫu huyết thanh gia cầm để giám sát sau tiêm phòng, xác định tỷ lệ bảo hộ của vắc xin. Đồng thời, triển khai thực hiện 2 đợt/năm tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, các ổ dịch cũ và ổ dịch mới xuất hiện; ngăn chặn sự phát tán của mầm bệnh ra môi trường.
Chi cục thường xuyên chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố thị xã thực hiện giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán chính xác; thông tin kịp thời về các ca bệnh và tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo cơ sở thực hiện các biện pháp ứng phó nhanh như tiêm phòng bao vậy, tiêu huỷ, kiểm soát vận chuyển, phun tiêu độc khử trùng... nhanh chóng bao vây, dập tắt dịch ngay trên diện hẹp, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. 
      Đến nay, có thể nói công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc đầy đủ theo quy định. Với hệ thống thú y đã được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở và không ngừng nâng cao năng lực, quy trình kỹ thuật ngày càng hoàn thiện đầy đủ, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí của chính quyền các cấp nên công tác phòng, chống dịch bệnh ở vật nuôi đã được tổ chức thực hiện thường xuyên, ngày càng chủ động, tích cực và hiệu quả. Tạo lòng tin cho người dân yên tâm đầu tư, phát triển chăn nuôi.
Nguyễn Thị Thúy Hằng - Chi cục CNTY

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây