THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ KIỂM DỊCH, KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT GÓP PHẦN HẠN CHẾ SỰ LÂY LAN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT, ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG

Thứ năm - 18/07/2024 21:33
Công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong quy trình chăn nuôi. Nó được thực hiện đồng bộ ở các khâu từ dập dịch, tiêm phòng, xử lý môi trường và đặc biệt tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nhằm chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật góp phần làm giảm tổn thất kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của tỉnh.
THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ KIỂM DỊCH, KIỂM SOÁT GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT  GÓP PHẦN HẠN CHẾ SỰ LÂY LAN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT, ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG
      Hoạt động Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Còn Kiểm soát giết mổ là việc kiểm tra trước và sau khi giết mổ động vật để phát hiện, xử lý, ngăn chặn các yếu tố gây bệnh, gây hại cho động vật, sức khỏe con người và môi trường.
      Theo quy định động vật, sản phẩm động vật phải được thực hiện kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi tỉnh, việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung hoặc cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Động vật trước khi đưa vào giết mổ phải được cán bộ thú y kiểm tra và đáp ứng các yêu cầu như: Động vật được nhập về cơ sở giết mổ phải là động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được nhập từ vùng không có dịch bệnh. Đối với động vật được vận chuyển từ ngoài tỉnh đến phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát trong quá trình giết mổ để phát hiện biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm trên động vật và bệnh tích ở nội tạng động vật nhằm kịp thời có biện pháp xử lý trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ làm hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh sang đàn vật nuôi của địa phương và sang người.
      Việc giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, bị mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm động vật không có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng thú y làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi của địa phương thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong việc áp dụng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của địa phương. Mặt khác, thịt động vật trên cạn chiếm tỷ trọng tiêu dùng lớn trong cuộc sống của người dân nước ta. Tình trạng giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, bị mắc bệnh truyền nhiễm và sử dụng bừa bãi chất cấm trong chăn nuôi ở nhiều địa phương trong cả nước hiện vẫn còn diễn ra phổ biến. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm mỗi năm, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật thú y về giết mổ của người dân chưa cao; việc hiểu biết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để đáp ứng các điều kiện giết mổ, để đầu tư phù hợp của chủ cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ còn hạn chế; nhiều cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ giết mổ và bày bán ngay tại nhà, vĩa hè.., không thực hiện đúng, đầy đủ kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật gây nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh động vật và tiềm ẩn rủi ro mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn.
      Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 12 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 133 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, hàng ngày số lượng gia súc, gia cầm giết mổ được cơ quan Thú y kiểm tra, kiểm soát giết mổ từ 520 - 550 con lợn, 55 - 60 con trâu bò, 10 - 15 con dê và 900 – 1.000 con gia cầm; cung cấp ra thị trường gần 45 tấn thịt và các loại sản phẩm động vật cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Với số lượng cơ sở giết mổ động vật và số lượng gia súc, gia cầm giết mổ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh như hiện nay, nếu không có giải pháp hiệu quả thì tình trạng gia tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh động vật sang đàn vật nuôi của địa phương và từ động vật sang người, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng thông qua hoạt động giết mổ là khó tránh khỏi. 
      Vì thịt gia súc, gia cầm bán trên địa bàn không phải toàn bộ là gia súc, gia cầm được nuôi và cung ứng từ nguồn tại chỗ mà được các chủ cơ sở giết mổ mua về từ các địa phương khác trong tỉnh hoặc ngoại tỉnh. Nếu không kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ động vật thì gia súc, gia cầm bị bệnh truyền nhiễm dễ bị tuồn vào tiêu thụ trên địa bàn không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn lây lan mầm bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của địa phương. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật được lực lượng thú y tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ động vật, ngoài ra, để kiểm tra, giám sát lưu thông sản phẩm động vật trên thị trường, lực lượng thú y tổ chức thực hiện kiểm tra việc kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ, các điểm kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Hàng năm, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ đủ điều kiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
      Thông qua hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nhằm kịp thời phát hiện để có biện pháp ngăn chặn, xử lý tránh làm lây lan, phát tán dịch bệnh trên động vật từ hoạt động giết mổ, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người (bệnh cúm A H5N1, bệnh Liên cầu khuẩn ở lợn, ...) đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ là một trong những giải pháp đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất lượng thịt gia súc, gia cầm bị bệnh tuồn vào thị trường gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng. Kiểm dịch, kiểm soát tốt không chỉ góp phần phòng chống dịch bệnh động vật mà còn góp phần quan trọng ổn định được thị trường và thúc đẩy chăn nuôi phát triển; người tiêu dùng cũng yên tâm tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm nguồn thực phẩm chủ yếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình./.
Hồ Minh Cảnh - Chi cục CNTY

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây