CHĂN NUÔI TẬP TRUNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO VÀ LIÊN KẾT CHUỖI GIÁ TRỊ, MŨI NHỌN TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH QUẢNG TRỊ

Thứ năm - 18/07/2024 21:28
Phát triển chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đó là định hướng quan trọng đặt ra trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2020-2030.
Trang trại chăn nuôi kết hợp Nông nghiệp công nghệ cao trồng dược liệu của Công ty TNHH Solar Kesap1 tại Hướng Linh- Hướng Hóa
Trang trại chăn nuôi kết hợp Nông nghiệp công nghệ cao trồng dược liệu của Công ty TNHH Solar Kesap1 tại Hướng Linh- Hướng Hóa
      Những năm qua, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết HĐND Tỉnh cùng với những chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự đầu tư, chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương, sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng về số lượng và chất lượng, phương thức chăn nuôi ngày càng đi dần vào hướng tập trung, công nghiệp gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; giá trị kinh tế ngành chăn nuôi trong tổng giá trị ngành nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Một số chỉ tiêu đến cuối năm 2023 đã đạt và vượt so với mục tiêu đến năm 2025. Cụ thể như sau: Tổng đàn lợn 233.590 con (đạt 96,12% mục tiêu đến năm 2025); tổng đàn gia cầm 3,91 triệu con (đạt 111,7% mục tiêu đến năm 2025); tổng đàn trâu 21.247 con; tổng đàn bò 62.523 con, tỷ lệ bò lai Zebu 71%. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 59.083 tấn (đạt 125,79% mục tiêu đến năm 2025).
      Xác định chăn nuôi tập trung liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi cốt lõi trong phát triển chăn nuôi của tỉnh. Những năm qua việc tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi đã được thực hiện quyết liệt, phương thức chăn nuôi chuyển biến mạnh mẽ theo hướng trang trại tập trung công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 697 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (gồm có 23 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 209 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 465 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ). Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 100 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp.
      Để thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi tập trung liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao thì yếu tố tiên quyết đó là sự tham gia của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2020-2022 được tỉnh hết sức quan tâm chú trọng, kết quả trong giai đoạn 2020-2023 đã có nhiều dự án chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân xin chủ trương cấp phép đầu tư vào địa bàn tỉnh, trong đó một số dự án lớn đã đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi như: Dự án trang trại chăn nuôi kết hợp Nông nghiệp công nghệ cao trồng dược liệu của Công ty TNHH Solar Kesap1 tại Hướng Linh- Hướng Hóa (quy mô 12.000 con lợn thịt); Trang trại chăn nuôi Công nghệ cao khép kín Vĩnh Tú (quy mô 24.000 lợn thịt, 5.000 lợn nái), Tổ hợp tác chăn nuôi CNC Vinaga với 02 cơ sở có quy mô 55.000 con gà tại Vĩnh Hoà, Vĩnh Linh; nhiều dự án đang hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng: 02 Dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Công ty Cổ phần trang trại Tuấn Lộc Vĩnh Khê với quy mô 4.800 con lợn nái (02 dự án); Trang trại Chăn nuôi lợn công nghệ cao khép kín Thái Duy -Vĩnh Hà quy mô 5.000 lợn nái, Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Hướng Linh - Hướng Hóa với quy mô 7.500 con lợn nái, 72.000 con lợn thịt, 1.000 con bò và nhiều dự án khác đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
      Cùng với đó việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các thể chế, chính sách về nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng đã góp phần tạo sự đột phá trong phát triển chăn nuôi của tỉnh. Việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị vào sản xuất đã góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm mới, quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất mới; các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh góp phần tích cực trong tái cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chúng. Hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều ứng dụng quy trình công nghệ cao, trang thiết bị tự động, hệ thống giám sát trang trại chăn nuôi (camera) kết nối internet và điện thoại thông minh; công nghệ chuồng trại khép kín với hệ thống điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động. 
      Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được tỉnh quan tâm chú trọng, các giải pháp khoa học công nghệ được áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi như: Hố ủ phân; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, khử mùi hôi, đệm lót sinh học, hầm  Biogas; công nghệ xử lý chất thải bằng hầm phủ bạt HDPE, máy tách ép phân đã phát huy vai trò góp phần hạn chế ô nhiểm môi trường, tận thu khí CH4 phục vụ cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm... góp phần giảm khí thải nhà kính, giảm ô nhiểm môi trường, đảm bảo môi trường sinh thái. 
      Trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được trong phát triển Chăn nuôi theo hướng tập trung liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên các tổ chức, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, tổ chức liên kết các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thành những tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, quản lý được chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong chăn nuôi qua đó, giúp cho ngành chăn nuôi từng bước ổn định và phát triển bền vững hơn, đạt được mục tiêu đến năm 2030 đề ra.
Nguyễn Trung Hậu - Chi cục trưởng CC CNTY

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây