NHỮNG LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI CHĂN NUÔI KHI XÂY DỰNG CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Thứ hai - 10/07/2023 23:47
Ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023. Năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị đã hướng dẫn xây dựng và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho 05 trang trại chăn nuôi tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong và Cam Lộ bao gồm: An toàn đối với bệnh cúm gia cầm cho 03 trang trại chăn nuôi gia cầm và an toàn đối với bệnh lở mồm long móng cho 02 trang trại chăn nuôi lợn. Để tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới, chúng tôi xin giới thiệu với bà con về những quyền lợi được hưởng khi trang trại khi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và trình tự các bước đăng ký xây dựng để tham gia, cụ thể như sau:
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI CHĂN NUÔI KHI XÂY DỰNG CƠ SỞ AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
1. Những quyền lợi được hưởng khi trang trại được cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
a) Quyền lợi theo quy định pháp luật hiện hành:
- Được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 của Luật Thú y.
- Động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được ưu tiên cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại Khoản 2, Điều 39 của Luật Thú y; được phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng dịch, đây là lợi thế rất lớn khi mà diễn biến dịch bệnh động vật hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp ở các địa phương.
b) Được miễn lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh được công nhận an toàn trong quá trình thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; được sử dụng kết quả xét nghiệm tại Điểm a và Điểm b Khoản 6, Điều 7 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm thủ tục kiểm dịch vận chuyển động vật phục vụ xuất khẩu theo các quy định hiện hành.
c) Được xem xét cấp chứng nhận đạt quy phạm thực hành chăn nuôi tốt Việt Nam (VietGahp); được ưu tiên hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xuất bán sản phẩm, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật.
d) Được hỗ trợ tham gia các chương trình giám sát dịch bệnh động vật của Nhà nước đối với các bệnh chưa được công nhận an toàn; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
e) Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật còn giúp trang trại giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh đối với tất cả các loại bệnh khác do trang trại chủ động thực hiện tốt kế hoạch về an toàn sinh học, kế hoạch về giám sát dịch bệnh và kế hoạch về ứng phó dịch bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn và hỗ trợ; cải tiến và nâng cao chất lượng trong việc quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực xây dựng và củng cố thương hiệu của cơ sở.
2. Về trình tự đăng ký xây dựng Cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
Bước 1: Chủ cơ sở làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông qua Trạm Chăn nuôi và Thú y tại địa phương để đăng ký bệnh an toàn và được hướng dẫn xây dựng các kế hoạch về an toàn sinh học, kế hoạch về giám sát dịch bệnh và kế hoạch về ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cơ sở của mình để triển khai thực hiện.
Bước 2: Sau thời gian tối thiểu là 12 tháng tổ chức thực hiện các kế hoạch đề ra, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về an toàn dịch và có kết quả xét nghiệm đối với bệnh đăng ký đạt yêu cầu, chủ cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ và phí thẩm định tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị (Địa chỉ: Số 22, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà), theo một trong các hình thức: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.
* Hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật gồm:
- Đơn đăng ký theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bản mô tả thông tin về cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh động vật theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Phí thẩm định đối với cơ sở an toàn dịch bệnh động vật: 300.000 đồng/lần theo quy định tại Khoản 2 Mục II Biểu phí, lệ phí trong công tác thú y ban hành kèm theo Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y.
* Chi phí xét nghiệm mẫu: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2, Biểu khung giá dịch vụ chẩn đoán thú y ban hành kèm theo Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật.
image 20230711104906 1
Ảnh: Tiêm vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gà của ông Trương Quang Dũng – thôn Tân Phước, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (trang trại đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm năm 2023)
3. Về cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ thông báo cho chủ cơ sở về kế hoạch đánh giá thực tế tại cơ sở.
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kết thúc việc đánh giá tại cơ sở hoặc kể từ ngày nhận kết quả xét nghiệm bệnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho cơ sở đạt yêu cầu; trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, Chi cục sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do và hướng dẫn cơ sở khắc phục các nội dung chưa đạt yêu cầu.
* Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật là: 05 (năm) năm kể từ ngày cấp.
Đào Văn An
                                            Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây