VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG TRONG BẢO VỆ RỪNG

Thứ ba - 01/10/2024 23:17
Sa Mù là quần thể những dãy núi có độ cao trên 1500 mét so với mực nước biển, là một phần quan trọng thuộc khu BTTN Bắc Hướng Hóa, nơi đây có rất nhiều loại động, thực vật quý hiếm…Trước năm 1993, khi chưa có nhánh tây đường HCM vắt qua đỉnh Sa Mù, nơi đây hầu như biệt lập với xung quanh. Sau khi có tuyến đường HCM, giao thông đi lại của đồng bào 4 xã phía Bắc Hướng Hóa, bao gồm Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn được thuận lợi hơn, nhiều bản làng không còn bị cô lập như trước đây.
VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG TRONG BẢO VỆ RỪNG
      Giao thông thuận lợi, cũng đồng nghĩa công tác quản lý bảo vệ rừng đối với Khu BTTN Bắc Hướng Hóa sẽ thêm khó khăn, vì đối tượng xấu dễ dàng tiếp cận rừng để săn bắt đồng vật hoang dã và khai thác lâm sản trái phép. Trước tình hình trên, việc bảo vệ tốt diện tích rừng các khu vực vùng đệm xung quanh các khu bảo tồn có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần ngăn chặn kẻ xấu có thể xâm hại đối với khu vực rừng của khu bảo tồn. 
      Xác định người dân sống gần rừng có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng xâm hại nguồn lợi trái phép từ rừng, trong những năm qua ngành Kiểm Lâm Quảng Trị đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiến hành bàn giao nhiều diện tích rừng cho cộng đồng quản lý và bảo vệ và đã mang lại những kết quả tích cực đáng nghi nhận. 
      Thôn Chênh vênh, xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa là 1/112 cộng đồng được giao rừng. Rừng của thôn tiếp giáp với vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Tại đây, các thành viên của tổ bảo vệ rừng đang thay phiên nhau tuần tra, giữ cho khu rừng luôn mãi xanh.  
      Với vai trò là Trưởng ban QLBV rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, ông Hồ Văn Chiến là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác điều hành, kịp thời nắm bắt tình hình về diễn biến rừng. Đặc biệt qua mỗi chuyến tuần tra còn là dịp để ông trao truyền những kiến thức bản địa về lâm nghiệp, giới thiệu về đặc tính một số loài thực vật, cây gỗ có gái trị, chia sẻ về kinh nghiệm đi rừng và sinh tồn trong môi trường hoang dã từ đó vun đắp thêm tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ rừng đối với thế hệ trẻ. 
      Cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm và niềm tự hào của bà con Vân kiều ở Chênh Vênh. Vì những cánh rừng xanh tốt cũng đồng nghĩa sẽ mang lại cho con người không gian sống an toàn, mang lại nguồn nước và nhiều loài đặc sản như măng rừng, bắp chuối, đọt mây, lá đắng...cùng nhiều vị thuốc quý để chữa bệnh…
      Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng nhằm phát huy sức mạnh của toàn xã hội, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, kết hợp giữa bảo vệ rừng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. 
      Từ năm 2005 đến 2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình là: 19.227,3 ha rừng tự nhiên cho 112 cộng đồng và 868 hộ gia đình. Thành lập 87 BQL rừng cộng đồng, trong đó 23 cộng đồng được lập kế hoạch quản lý rừng 5 năm và hàng năm. Hơn 1.000 ha rừng tự nhiên được Áp dụng kỹ thuật lâm sinh để làm giàu rừng như phát luổng dây leo trồng bổ lâm sản ngoài gỗ và cây bản địa. Qua gần 20 năm thực hiện giao rừng, mới chỉ có một số cộng đồng được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, nhưng việc hưởng lợi này chỉ được xem như là một nguồn động viên, chưa được xem là nguồn sinh kế cho các hộ nhận rừng. Tuy nhiên, đến này toàn bộ diện tích đã được hộ gia đình và cộng đồng quản lý chặt chẽ.
      Thông qua tuần tra, bảo vệ nhiều hộ gia đình đã kịp thời phát hiện người dân nơi khác đến khai thác trộm gỗ trong khu rừng đã giao và báo cho chính quyền địa phương và Trạm Kiểm lâm khu vực bắt giữ xữ lý 5 vụ vi phạm hành chính. Có nơi người dân xâm lấn rừng tự nhiên đã giao được người dân phát hiện và báo cho kiểm lâm bắt giữ lập hồ sơ và chuyển giao cho ngành Công an điều tra khởi tố 2 vụ án, 3 bị can về hành vi phá rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình. 
      Từ sự nổ lực của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, đến nay đã có nhiều nhiều tổ chức xã hội giúp đỡ, hỗ trợ. Đặc biệt là hỗ trợ cây giống để cộng đồng trồng bổ sung, phục hồi rừng, phục hồi những điểm sạt lở,…qua đó có thêm điều kiện và nguồn lực để bảo vệ rừng.
      Trên cả những kết quả trong đấu tranh, bảo vệ rừng đã đạt được, đó là nhận thức của đồng bào khu vực miền núi đã thay đổi. Cộng đồng đã nhận thức được việc bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống, sinh kế của chính họ, đồng thời tạo hành lang an toàn cho vùng lõi của các khu bảo tồn thiên nhiên, góp phần hạn chế sạt lở, chống xói mòn và đây cũng là bảo vệ những giá trị về văn hóa, thiên nhiên và con người trên dãy Trường Sơn./.
Nguyễn Ngọc Tuấn - Chi cục Kiểm lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây