Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trịhttp://khuyennong.quangtri.gov.vn/uploads/baner1.png
Thứ hai - 13/11/2023 21:51
Nhằm giúp người dân cải thiện một phần sinh kế khi tham gia quản lý và bảo vệ rừng, được sự hỗ trợ của dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR), Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh đã triển khai mô hình trồng mướp đắng theo phương thức canh tác tự nhiên tại các xã Hải Dương và Hải Ba, huyện Hải Lăng. Qua đó, góp phần khai thác lợi thế vùng cát cả về kinh tế và môi trường.
Mô hình trồng mướp đắng theo phương thức CTTN được triển khai tại xã Hải Dương và Hải Ba với quy mô 16 ha. Mặc dù đây là vụ đầu tiên sản xuất theo phương thức này nhưng nhờ tuân thủ đúng quy trình và kỹ thuật nên cây mướp đắng vẫn phát triển tốt, năng suất, sản lượng thu hoạch đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Đặc biệt, mướp đắng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên không chỉ bán được giá cao hơn mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Bà Đoàn Thị Sương ở tại Hợp tác xã Đông Dương, xã Hải Dương cho biết, khác với cách trồng thông thường, khi tham gia mô hình trồng mướp đắng theo phương thức canh tác tự nhiên, bà được hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ Compost để bón cho cây, sử dụng chế phẩm dinh dưỡng làm từ đạm cá lên men để phun bổ sung dinh dưỡng. Phòng bệnh bằng chế phẩm thảo mộc như gừng, tỏi, ớt lên men trong suốt quá trình phát triển của mướp đắng. Theo đánh giá của bà Sương, so với các vụ trước giai đoạn từ khi cây con đến thu hoạch bà con thường sử dụng các loại thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh hại thì mùa vụ năm nay khi sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc người dân an tâm hơn trong suốt quá trình chăm sóc, thu hoạch mướp, không còn cảm thấy lo sợ ảnh hưởng của thuốc hóa học. Đồng thời, cây mướp sinh trưởng, phát triển đồng đều, ít sâu bệnh hơn, không còn hiện tượng rụi lá ở phần gốc. “Với 2 sào trồng mướp đắng tôi thu được trên 1,6 tấn mướp đắng, gần tương đương với trước đây. Với giá bán tại ruộng bình quân từ 10.000-12.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi lãi được gần 6-8 triệu đồng/sào. Đặc biệt, do không sử dụng thuốc BVTV hóa học, không bón phân hóa học nên tuyệt đối an toàn đối với người sử dụng, chất lượng tốt, ngon hơn. Những vụ tới tôi sẽ tiếp tiếp tục trồng mướp đắng theo phương pháp CTTN này”, bà Sương vui vẻ nói.
Còn với ông Lê Hữu Vũ ở tại thôn Phương Hải, xã Hải Ba, không chỉ trồng mướp đắng theo phương thức CTTN mà ông và người dân trong vùng còn trồng xen thêm dưa leo, kết hợp trồng bầu quanh bờ bao nhằm tận dụng tối đa diện tích sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Theo ông Vũ, so với canh tác theo lối thông thường thì mướp đắng mô hình khỏe mạnh, bộ lá màu xanh bền, màu xanh vừa phải từ đầu vụ đến cuối vụ. Gốc, ngọn mập, cho quả sai, thịt dày. Đặc biệt, nếu như trước đây khi trồng theo cách thông thường mướp đắng dễ bị các loại sâu bệnh gây hại, phải sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ thì hiện tại vườn mô hình rất ít sâu bệnh. “Trừ chi phí, hiện tại mỗi sào tôi thu được khoảng 12 – 14 triệu đồng, cao gần gấp 2 lần so với trước đây. Nếu trồng gối vụ rau màu liên tục thì ước tính mỗi sào sẽ mang lại thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/năm. Đây là cơ sở để gia đình có thể thoát nghèo một cách bền vững”, ông Vũ khẳng định.
Giám đốc HTX Đông Dương Phan Văn Quang đánh giá, so với sản xuất thông thường thì điểm mới của mô hình trồng mướp đắng theo phương thức CTTN đó là hoàn toàn không sử dụng phân vô cơ, thuốc BVTV hóa học mà sử dụng phân hữu cơ Compost và chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men để cung cấp trong suốt quá trình phát triển của cây mướp. Qua đó, không chỉ giảm chi phí đầu tư, cây mọc khỏe, hạn chế sâu bệnh, quả sai mà còn tuyệt đối an toàn đối với người sản xuất cũng như người sử dụng. Ngoài ra, còn tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của mướp tốt hơn, giúp cho trái chắc, thịt dày. “Mặc dù là vụ đầu tiên sản xuất theo phương thức CTTN nên năng suất có thấp hơn so với thông thường khoảng 5 – 6 tạ/ha nhưng do chi phí đầu tư thấp hơn, giá bán lại cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg nên trừ chi phí lợi nhuận vẫn đạt trên 113 triệu đồng/ha, cao hơn so với thông thường khoảng 20 triệu đồng/ha. Theo kế hoạch, từ 10 ha mô hình này, HTX sẽ tiếp tục mở rộng ra toàn bộ diện tích của HTX”, ông Quang cho hay.
Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Trần Cẩn cho biết, nguyên tắc của phương thức CTTN là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội. Đánh giá bước đầu cho thấy, mặc dù là vụ đầu tiên nhưng mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao khoảng 20 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường. Đặc biệt, tại xã Hải Ba, ngoài mướp đắng người dân còn vận dụng trồng xen thêm dưa leo, bầu bí các loại nhằm sử dụng tối đa diện tích nên lợi nhuận mang lại khá cao, ước tính hơn 260 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 2 lần so với canh tác độc canh mướp đắng. Đồng thời, thông qua mô hình còn góp phần thay đổi lối canh tác truyền thống cũ, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học bằng phương thức canh tác mới an toàn hơn cho con người, môi trường và sinh thái. Sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Qua đó, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Giúp khai thác hiệu quả vùng cát, tạo sinh kế bền vững, cải thiện thu nhập cho người dân. “Nếu sản xuất theo phương thức này qua nhiều vụ canh tác, chất đất sẽ được màu mỡ hơn, năng suất sẽ được tăng lên qua các vụ trồng. Về lâu dài đất đai được cải tạo sẽ màu mỡ hơn, lượng phân bón cho các vụ tiếp theo giảm lại, khi đó lợi nhuận sẽ còn cao hơn”, ông Cẩn nhấn mạnh.