CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG CẠN TRÊN ĐẤT LÚA TĂNG HIỆU QUẢ SẢN XUẤT

Thứ ba - 11/07/2023 03:59
Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả nhằm bảo vệ đất trồng lúa không bị bỏ hoang. Qua đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG CẠN TRÊN ĐẤT LÚA TĂNG HIỆU QUẢ SẢN XUẤT
        Điển hình trong việc chuyển đổi cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là mô hình trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Ông Hồ Hữu Long, một trong những nông dân tham gia trồng dưa hấu cho biết, do nằm ở vùng cao, thiếu nước tưới nên diện tích lúa hơn 5 sào của gia đình ông chỉ trồng được một vụ lúa bấp bênh. Nhằm không để đất lúa bị bỏ hoang, vụ hè thu năm 2022, ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích sang trồng dưa hấu. Nhờ tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; các luống dưa được phủ bạt tăng khả năng giữ ẩm nên cây dưa hấu phát triển tốt, cho năng suất cao. Trên diện tích 2 sào ông thu được gần 1,5 tấn dưa hấu. Với giá bán từ 8.000 – 12.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu lãi 150 triệu đồng/ha.
         Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết, do nằm ở cuối nguồn của hệ thống thủy lợi nên hàng năm vào vụ hè thu trên địa bàn xã có khoảng 40 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị bỏ hoang do thiếu nước tưới. Để giải quyết tình trạng này, vụ hè thu vừa qua, UBND xã đã vận động nông dân chuyển đổi được 5 ha diện tích đất lúa thiếu nước này sang trồng dưa hấu và bước đầu đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Năng suất bình quân đạt 6 – 7 tạ/sào, sau khi trừ chi phí ước tính mỗi sào trồng dưa hấu cho lợi nhuận khoảng 6 – 7 triệu đồng. “Trên cơ sở này, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng dưa hấu để gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Hướng đến vùng chuyên canh trồng dưa hấu tại địa phương”, ông Quyết cho biết thêm.
         Tương tự, tại huyện Gio Linh, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước, vụ hè thu vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình trồng ngô sinh khối với quy mô 10 ha tại các xã Linh Trường và Phong Bình, huyện Gio Linh. Điểm mới của mô hình đó là toàn bộ sản lượng ngô sinh khối nguyên cây, nguyên bắp khi cây vào giai đoạn chín sáp được Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua toàn bộ ngay tại ruộng với giá 1.000 đồng/kg. Với năng suất từ 50 – 60 tấn/ha, trừ chi phí mô hình cho lợi nhuận 15 – 25 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng chân đất. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho hay, những kết quả bước đầu của mô hình đã tạo bước đột phá mới trong việc thực hiện luân canh cây ngô với cây lúa, góp phần hạn chế nguồn bệnh trong đất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đồng thời, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất trồng lúa trong vụ hè thu, cũng như tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con đồng bào vùng dân tộc thiểu số xã Linh Trường.
          Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, nhằm bảo vệ đất trồng lúa không bị bỏ hoang cũng như nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, năm 2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi được cơ cấu cây trồng trên diện tích 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả. Trong đó, chuyển đổi 170 ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và 30 ha sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Qua đánh giá, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Nhiều mô hình, công thức luân canh cây trồng cạn trên đất lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phá thế độc canh cây lúa, góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái… Tiêu biểu như mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu cho thu nhập bình quân 180 – 220 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho lãi ròng 130 – 150 triệu đồng/ha, cao gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế từ 40 – 60 triệu đồng/ha, cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa.
image 20230711150130 1
Mô hình trồng ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước tại xã Linh Trường cho lợi nhuận 15 – 25 triệu đồng/ha
- Ảnh: L.A
         Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc khẳng định, để thay đổi tập quán sản xuất của nông dân là vấn đề không đơn giản nhưng với hiệu quả vượt trội từ các mô hình chuyển đổi cây trồng trong các năm qua đã khẳng định đây là hướng đi đúng. Là cơ sở để nông dân và các địa phương trên địa bàn tỉnh lựa chọn để chuyển đổi bên cạnh các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc, đậu xanh… Từ đó đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững. Do vậy, chủ trương của ngành trong các năm tiếp theo sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa bấp bênh nguồn nước tưới, kém hiệu quả. Cụ thể, trên cơ sở rà soát, định hướng công tác chuyển đổi của các địa phương, trong năm 2023, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 190 ha, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 30 ha. Tập trung vào các diện tích canh tác bị ảnh hưởng bởi khô hạn, hiệu quả kinh tế thấp. Đồng thời, tập trung kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới cho cây trồng cạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ, chế biến sản phẩm để chuyển đổi bền vững. “Giải pháp đề ra trong thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa là xác định các loại cây trồng cạn phù hợp với từng vùng, từng địa phương; đảm bảo các tiêu chuẩn nông sản sạch; có triển vọng về thị trường…”, ông Quốc cho biết thêm.
Lan Anh – Minh Thắng – TTKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây