NHỮNG MÔ HÌNH TIÊN PHONG TRONG QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG

Thứ ba - 08/08/2023 05:20
Sau 3 năm triển khai (từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2023), Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” (gọi tắt là Dự án PROSPER) do Liên minh Châu Âu (EU) và tổ chức MCNV đồng tài trợ và do Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị phối hợp thực hiện đã có những đóng góp tích cực cho công tác phát triển lâm nghiệp của tỉnh Quảng Trị.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
         Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng do dự án PROSPER hỗ trợ. Lần đầu tiên, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) và thôn Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt) biết làm du lịch. Các hoạt động dịch vụ du lịch bao gồm ẩm thực, tham quan thác nước, thăm rừng và thưởng thức những tiết mục văn nghệ truyền thống của người Vân Kiều.
          Mỗi lần có du khách ghé thăm, ông Hồ Văn Lý ở thôn Chênh Vênh giới thiệu các sản phẩm từ tre do người dân thôn mình làm ra, như hộp bút, hộp tăm, ống hút, ống đựng hương, … Sản phẩm làm ra chủ yếu là theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhỏ, số lượng chưa nhiều nhưng hứa hẹn mở ra hướng phát triển sinh kế bền vững cho người dân nơi đây. Ông Lý chia sẻ: “Nấu ăn, biểu diễn văn nghệ, làm các sản phẩm từ tre … việc gì ban đầu cũng rất bỡ ngỡ đối với chúng tôi. Nhưng chúng tôi học dần để quen dần”. 
          Thôn Chênh Vênh có nguồn nguyên liệu tre, nứa dồi dào từ rừng cộng đồng với trữ lượng khai thác khoảng 15.000 tấn/năm. Đây là nguồn lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có thể đem lại thu nhập tốt cho người dân địa phương, đặc biệt là khi rừng cộng đồng nơi đây, với sự hỗ trợ của dự án PROSPER, đã được cấp chứng nhận FSC-FM/CoC cho LSNG (tre, nứa).
          Ngoài việc sản xuất các sản phẩm thủ công từ tre, người dân ở thôn Chênh Vênh còn đang thí điểm sản xuất than tre sinh học để cung ứng cho doanh nghiệp. Công ty Water Solutions South East Asia (viết tắt là WSS) của Đức, chuyên về các giải pháp xử lý nước, có kế hoạch sản xuất và thu mua than tre sinh học với khối lượng khoảng 10.000 tấn/năm. Một trong những yêu cầu của WSS là chỉ sử dụng tre nguyên liệu từ rừng có chứng nhận FSC để sản xuất than sinh học. Đây là cơ hội hết sức thuận lợi cho thôn Chênh Vênh để phát triển sản xuất và kinh doanh ngành hàng này, gắn liền với phát triển nguồn nguyên liệu và khai thác bền vững. Việc sản xuất than tre sinh học không chỉ tạo ra sản phẩm cho các giải pháp xử lý nước, mà còn góp phần giảm phát thải CO2. Được biết, 1 tấn than tre sinh học (tương đương hơn 2 tấn tre nguyên liệu) có khả năng lưu trữ 1,8 - 2 tấn CO2.
          Ông Hồ Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý Rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh chia sẻ: “Sau khi được Nhà nước giao quản lý gần 800 ha rừng tự nhiên, chúng tôi thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Nếu phát hiện có nghi vấn, chúng tôi phải báo ngay với chính quyền địa phương để phối hợp xử lý”. Theo ông Chiến, trước khi dự án PROSPER được triển khai, người dân địa phương khai thác măng và tre tùy tiện, chặt phá cây trẩu khi hạt trẩu có giá thấp, du lịch chỉ mang tính tự phát nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ô nhiễm môi trường.
          Từ cuối năm 2020, BQL Rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh được kết nạp thành chi hội của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR) và tuân thủ các nguyên tắc FSC trong quản lý rừng bền vững. Các thành viên BQL được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để nâng cao năng lực về quản lý và bảo vệ rừng, trồng trẩu và cây bản địa khác trên đất lâm nghiệp giao hộ gia đình, tham gia thực hiện các khảo sát và đánh giá chuyên đề, được trang bị đồ bảo hộ lao động, được tập huấn về khai thác bền vững LSNG và được kết nối với thị trường. 
           Năm 2022, cùng với rừng cộng đồng thôn Cát và thôn Hồ (xã Hướng Sơn), thôn Trăng – Tà Puồng (xã Hướng Việt) và thôn Xa Bai (xã Hướng Linh), rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh trở thành một trong 05 rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận FSC dịch vụ hệ sinh thái (FSC-ES) về hấp thụ và lưu trữ carbon. Theo kết quả đánh giá, 2.145 ha rừng tự nhiên của 05 cộng đồng này đóng góp hấp thụ hằng năm khoảng 7.000 tấn CO2. Hiện tại, MCNV và Hội CCR Quảng Trị đang thương lượng với một số doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận cơ chế chi trả tự nguyện cho 7.000 tấn CO2 này với giá trị 10 euro cho 1 tấn CO2, tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Đây hứa hẹn sẽ là một hướng đi mới trong mục tiêu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và tạo thu nhập cho chủ rừng cộng đồng. Mô hình này cần được nhân rộng đối với các diện tích rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng quản lý còn lại trên địa bàn, góp phần vào quá trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2026.
         Đối với Hội CCR Quảng Trị, ngoài việc mở rộng mạng lưới chi hội đến khu vực miền núi Bắc Hướng Hóa thông qua dự án PROSPER, Hội tiếp tục duy trì hỗ trợ mạng lưới hội viên ở khu vực đồng bằng và trung du duy trì chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC đối với rừng trồng. Với khoảng 2.880 ha rừng trồng gỗ keo đạt chứng nhận FSC, Hội CCR và các chi hội đóng góp vào lượng giảm phát thải hằng năm nhờ những thay đổi về thực hành kỹ thuật lâm sinh của chủ rừng.
           Diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC, bao gồm gỗ keo và các LSNG như tre, măng khô và bồ kết. 
         Hội CCR và MCNV cũng đang kết nối với doanh nghiệp với cộng đồng miền núi ở Bắc Hướng Hóa để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng dầu trẩu. Trước tiềm năng của cây trẩu trong phát triển sinh kế cộng đồng và tăng độ che phủ rừng cho mục đích phòng hộ, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến dầu trẩu trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.
          Mặc dù được thực hiện trong thời gian ngắn (03 năm), Dự án PROSPER đã tạo ra những sáng kiến, mô hình mang tính đột phá và nhiều kết quả nổi bật, trong đó có những mô hình mang tính tiên phong tại Việt Nam, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững. Có thể nói, Dự án PROSPER đã giúp Hội CCR Quảng Trị và các chi hội là đại diện cho chủ rừng nhóm hộ gia đình, cộng đồng tham gia tích cực vào tiến trình giảm phát thải và chi trả dịch vụ môi trường rừng.
        Tỉnh Quảng Trị cần xem xét lồng ghép các mô hình, thực hành hay của dự án PROSPER vào các chương trình, chiến lược phát triển KH-XH trên địa bàn nhằm thúc đẩy công tác quản lý rừng bền vững và các chuỗi giá trị mà dự án mang lại. Theo đó, cần thể chế hóa vai trò của Hội CCR, chi hội rừng trồng hộ gia đình và rừng tự nhiên cộng đồng trong tham gia đóng góp vào giảm phát thải và quản lý rừng bền vững vì hiện tại vai trò tham gia của Hội và chi hội chỉ giới hạn ở mức tham gia lập kế hoạch dự án. Cần thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị đã hình thành bao gồm gỗ keo rừng trồng FSC, dầu trẩu, than tre sinh học, dầu gội thảo dược bồ kết, măng khô, các sản phẩm từ mây tre và du lịch cộng đồng.
        Các chuỗi giá trị này bước đầu đã hình thành và tác động đến phát triển bền vững, do đó tỉnh cần huy động nguồn lực từ các dự án song phương, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các doanh nghiệp để tiếp tục phát huy giá trị mà dự án mang lại.
Nguyễn Đình Đại
 Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây