I. Nguyên nhân gây bệnh
Do thời tiết thay đổi, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng kém, một số loại vi khuẩn, virus có mặt trong đường hô hấp hoặc từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể phát triển và gây bệnh. Về mùa lạnh, thức ăn, nước uống không được cung cấp đầy đủ theo nhu cầu; Chuồng trại không được vệ sinh định kỳ, ẩm ướt, mật độ nuôi nhốt cao sẽ làm sức đề kháng của cơ thể vật nuôi yếu hơn. Bên cạnh đó, một số vi khuẩn gây bệnh luôn cư trú trong đường hô hấp của bê, nghé như: vi khuẩn liên cầu khuẩn, vi khuẩn phế viêm, vi khuẩn tụ cầu. Khi sức đề kháng của bê, nghé giảm, các vi khuẩn này sẽ tấn công vào phổi và gây bệnh.
Vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại và phát triển trong cơ thể bê, nghé bệnh và bên ngoài môi trường vì thế khả năng lây lan rất lớn. Các con đường gây bệnh có thể gặp như lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa con khỏe và con ốm, dùng chung máng ăn, máng uống, hít thở không khí có chứa vi khuẩn gây bệnh.
Khi bị viêm phổi mà không được chữa trị bê, nghé có thể chết vì vậy bà con cần nắm được các triệu chứng của bệnh và thường xuyên quan sát phát hiện bệnh để có hướng điều trị kịp thời.
II. Triệu chứng của bệnh
Khi mắc bệnh, bê, nghé sốt cao 40 - 410C kéo dài, kém ăn, mệt mỏi, hay nằm, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở, ho khạc từng cơn, nhất là vào ban đêm hoặc sáng sớm. Nhiều trường hợp bê, nghé bị tiêu chảy kế phát, ăn kém hoặc bỏ ăn, niêm mạc mắt đỏ sẫm, chảy nước mắt, nước mũi. Khi sốt cao bê, nghé thường có biểu hiện run rẩy, co giật, đi xiêu vẹo hoặc nằm liệt một chỗ.
Vật nuôi khó thở, biểu hiện ho tăng dần, khi ho chảy nhiều bọt khí, chảy dãi. Trường hợp nặng hơn có dịch mủ chảy ra từ miệng, mũi. Một số vật nuôi bị bệnh có biến chứng viêm ruột, ỉa chảy do nuốt đờm dãi có chứa vi khuẩn vào đường tiêu hóa. Nếu không chữa trị kịp thời thì bê, nghé có thể bị chết.
III. Biện pháp phòng bệnh
Bê, ghé mới sinh ra cần phải cho bú sữa đầu vì trong sữa đầu có nhiều loại khoáng thể cần thiết giúp cho bê, nghé tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, không để chuồng trại bị ẩm ướt.
- Tiêm phòng đầy đủ hàng năm các loại bệnh truyền nhiễm có thể gây hại cho bê, nghé và đàn gia súc.
- Tẩy ký sinh trùng đường tiêu hóa cho bê, nghé.
Ngoài tất cả các biện pháp trên ra bà con cần lưu ý khi xuất nhập trâu, bò cần phải kiểm dịch nghiêm ngặt, bổ sung đầy đủ khoáng, vitamin giúp cân đối dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại từ 1 - 2 lần/tháng. Phòng và trị bệnh đúng cách sẽ giúp bà con bảo vệ bê, nghé của gia đình mình khỏi căn bệnh viêm phổi.
IV. Cách chữa trị bệnh
Bệnh viêm phổi do vi khuẩn gây nên vì vậy biện pháp chữa trị hiệu quả nhất là sử dụng kháng sinh, bà con có thể sử dụng một trong các kháng sinh có hoạt chất như:Kanamycin 10%, BIO Ganta-Tylosin, Tiamulin 10%. Ngoài thuốc điều trị bà con cần trợ sức, trợ lực cho bê, nghé.
Sau từ 2 - 3 ngày điều trị mà bệnh không giảm thì ngoài việc sử dụng kháng sinh bà con cần tiến hành tẩy ký sinh trùng cho bê, nghé. Thông thường sau từ 3 - 5 ngày điều trị bê, nghé sẽ khỏi bệnh. Bên cạnh đó bà con cần chăm sóc tốt, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho bê, nghé.
Nguyễn Ngọc Chiến - Trạm KN Đakrông