GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM NƯỚC LỢ TẠI TỈNH QUẢNG TRỊ

Thứ hai - 10/04/2023 22:24
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII tiếp tục xác định ngành thủy sản tỉnh Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung khai thác đánh bắt xa bờ, đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường đầu tư tàu thuyền công suất lớn, kết hợp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Phấn đấu sản lượng thủy sản năm 2025 đạt 38 nghìn tấn. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 3.800 - 4.000 ha. Năm 2022, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 35.834 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 26.855 tấn và nuôi trồng thủy sản đạt 8.979 tấn. Tổng diện tích nuôi trồng mặn lợ đạt 1.143 ha, trong đó diện tích nuôi tôm trên toàn tỉnh đạt 1.024 ha (tôm sú là 181ha, tôm thẻ là 843ha). Sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh đạt là 5.146 tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ là 4.899 tấn, tôm sú là 247 tấn.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
         Với sự biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai hay xảy ra, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại cho người nuôi tôm; giá thức ăn và các vật tư thiết yếu khác ngày càng tăng cao (trong năm 2022 tăng từ 7-10% so với 2021) trong khi đó giá tôm tăng chậm và không ổn định làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất; cơ sở sản xuất giống chưa đáp ứng nhu cầu của người nuôi; quy hoạch phát triển vùng nuôi tôm còn gặp nhiều khó khăn, chồng chéo.... Đó là những lý do đang ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Để phát triển nuôi tôm bền vững, đảm bảo năng suất và lợi ích kinh tế có hiệu quả chúng tôi đưa ra một số giải pháp sau:
* Áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng
          Với tình hình nuôi tôm như hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt các giải pháp nuôi tôm thông thường, sử dụng hóa chất, kháng sinh vừa tăng chi phí sản xuất, chưa mang lại hiệu quả ổn định và đặc biệt gây nên tình trạng kháng kháng sinh, dịch bệnh xảy ra tràn lan, ô nhiễm môi trường… Cùng với đó là việc xả thải ra môi trường không qua xử lý gây tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh lây lan khó kiểm soát. Giải pháp nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học và áp dụng khoa học kỹ thuật là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững như ứng dụng các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn; nuôi tôm 2,3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc; nuôi tôm thương phẩm theo hình thức thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm theo hướng VietGAP; nuôi tôm trong nhà lưới, nhà kính... 
        Cần ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình nuôi khép kín, áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong nuôi tôm như VietGAP, GlobalGAP,... trong nuôi tôm để nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
         Chuyển đổi cơ cấu nuôi ở các vùng nuôi chuyên tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Một số vùng nuôi tôm có điều kiện cơ sở hạ tầng không đảm bảo nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh và thâm canh, chuyển đổi sang nuôi tôm sinh thái (áp dụng cho vùng nuôi thấp triều với mật độ 6-8 con/m2), hoặc nuôi hình thức xen ghép (các đối tượng tôm, cua, cá, rong câu).
* Cần có các giải pháp phòng bệnh hữu hiệu trên tôm
        Việc xử lý môi trường nước cho nuôi tôm chưa được bà con chú trọng; việc kiểm soát dịch bệnh trên con tôm còn gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh có thể phát tán từ ao nuôi này sang ao nuôi khác, từ vùng này qua vùng khác gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi tôm. Vì vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, lựa chọn con giống, vật tư có chất lượng tốt giúp người dân nuôi tôm hiệu quả hơn. Các biện pháp phòng bệnh từ xa cần được chú trọng như kiểm dịch và dùng chế phẩm sinh học tăng sức đề kháng, tăng hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt, nhanh lớn và khỏe mạnh; những vùng nuôi tôm thấp triều cần giãn vụ, phơi đáy ao, diệt khuẩn đảm bảo đúng quy trình cải tạo ao tránh dịch bệnh xảy ra. 
* Cần chú trọng giữ gìn môi trường nước
         Với khu vực nuôi giáp sông, biển, đa số các hồ nuôi tôm không có hồ xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị bệnh người dân thường giấu thông tin, không thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng, nếu sự cố nặng thì trực tiếp xả nước ra môi trường mà không xử lý làm môi trường tự nhiên bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển gây rủi ro cho ngành nuôi tôm. Vì vậy cần quy hoạch vùng nuôi, hệ thống ao nuôi có ao xử lý nước thải, đảm bảo bờ đê vững chắc, sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nguồn nước, tạp chất trong môi trường nước ao nuôi trước khi xả thải, gom chất thải, bùn đất đáy ao nuôi đảm bảo đúng nơi quy định. 
         Xây dựng mô hình "Cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm", có quy mô nhóm khoảng 10 hộ nuôi tôm liền kề nhau, sử dụng chung hệ thống cấp, thoát nước để thuận lợi cho việc áp dụng chung quy trình nuôi tôm theo hướng an toàn dịch bệnh. Hình thành các tổ hợp tác, câu lạc bộ những người nuôi tôm trong vùng.
        Khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng nuôi tôm theo quy trình Biofloc, quy trình nuôi ít thay nước, quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi kết hợp với các loại động vật có đặc tính ăn lọc, ăn mùn bả hữu cơ, nuôi theo hướng an toàn sinh học, hướng VietGAP,... nhằm hạn chế xả thải,… Xây dựng các hố Biogas để xử lý chất thải để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
* Thực hiện các giải pháp đồng bộ 
          Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất và cung ứng giống tôm, cung ứng thức ăn vật tư nuôi trồng để đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rỏ ràng, đảm bảo chất lượng, không có mầm bệnh, đảm bảo điều kiện sản xuất.
Tăng cường công tác quan trắc và quản lý môi trường vùng nuôi, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình dịch bệnh, giám sát xử lý để giảm thiểu các nguồn xả thải ảnh hưởng tới môi trường nuôi, tăng cường công tác giám sát, phòng ngừa dịch bệnh, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, phòng ngừa khi có dịch bệnh xảy ra, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 
Xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động nuôi tôm, nhất là vi phạm bảo vệ môi trường nuôi. 
* Hỗ trợ chính sách
         Các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào lĩnh vực nuôi tôm.
Đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi từ cung ứng vật tư sản phẩm đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên ra soát tình hình hoạt động liên kết để kịp thời phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm để nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Nghiên cứu hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn giá cả con giống, thức ăn, hóa chất vật tư để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả.
Thực hiện các chương trình nghiên cứu, mô hình thí điểm về kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm để làm cơ sở nhân rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, giá cả thị trường.
Hỗ trợ và khuyến khích thành lập các tổ hợp tác cộng đồng, HTX nuôi tôm để giúp đỡ nhau về kỹ thuật nuôi và đặc biệt là để thuận lợi trong công tác cải tạo lại hạ tầng nuôi tôm đạt tiêu chuẩn, đồng bộ, theo hướng công nghệ cao.
* Xác định cơ sở hạ tầng, nguồn lực của từng hộ dân
          Với việc nuôi tôm mang lại lợi nhuận lớn, làm giàu nhanh, nuôi tôm siêu thâm canh, mật độ cao thì người dân cần phải có sơ sở vật chất đầy đủ, kỹ thuật tốt,... Tuy nhiên với bà con nông dân hiện nay, việc chạy theo xu thế nhưng lại không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đó dẫn đến nuôi tôm thất bại, càng nuôi càng không mang lại hiệu quả. 
Vì vậy người dân cần xem xét, nhận định đúng nguồn lực của mình để lựa chọn phương pháp nuôi phù hợp, quảng canh, xen ghép, bán thâm canh, thâm canh..., hạn chế sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh để bảo vệ môi trường.
Nhận định đúng khu vực phù hợp, điều kiện tự nhiên, thuận lợi khó khăn của từng khu vực để chọn đối tượng nuôi là tôm thẻ hay tôm sú cho phù hợp./.
Lê Văn Lưu - Trương Thị Quyết - TTKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây