Cá nuôi trong ao bị trúng độc thường không theo mùa, thời tiết, ban ngày hay ban đêm mà luôn có thể xảy ra, còn cá nổi đầu phần lớn xảy ra vào mùa hè, và thu khi nhiệt độ cao, đặc biệt là áp thấp kéo dài, oi bức, mưa lâu và mưa giông hay các ngày cho cá ăn nhiều. Thời gian xảy ra thường từ 12 đêm đến 5h sáng.
1. Triệu chứng phát sinh
Khi cá trong ao bị trúng độc, hiện tượng nổi đầu thường không rõ, biểu hiện triệu chứng cũng khác nhau vì sự khác nhau của chất độc, có loại biểu hiện bơi trốn, nhảy giãy giụa cho đến khi hôn mê, có loại biểu hiện hành động lờ đờ, bơi lội không định hướng , khi cá bị nặng thì toàn thân chuyển màu thâm đen, tăng độ nhớt, mất năng lực hoạt động và chết hàng loạt, thậm chí chết cả ao nuôi nếu không có những biện pháp tiến hành chữa trị kịp thời.
Còn nổi đầu là hiện tượng thiếu oxy: Nếu thiếu oxy hòa tan nhẹ: Cá nổi đầu mờ sáng, chỉ nổi giữa ao, khi có bóng người hoặc tiếng động mạnh, cá quẫy mạnh rồi chìm ngay khi mặt trời lên thì hết nổi đầu, Cá phân tán ở các nơi trong ao, miệng cá vừa há vừa đớp, trực tiếp hớp lấy oxy trong không khí trên mặt nước một cách bình tĩnh.Nếu thiếu oxy hòa tan nặng: Cá nổi đầu ngay cả đêm và nổi cả ở vùng ven bờ ao, khi có tiếng động cá không quẫy cũng không chìm; khi mặt trời lên cá vẫn không lặn Khi bị nặng cá dần dần nổi lật ngửa bụng lên, giãy giụa để giữ thăng bằng, sau mấy lần như thế, bụng sẽ hướng lên phía trên và chết.
Cá trong ao bị trúng độc chết thường không phụ thuộc vào loài, kích cỡ, ngay cả khi ở tầng đáy như các chép, cá diếc, thậm chí cá chạch cũng có thể chết, nghiêm trọng thì toàn bộ cá trong ao chết hết. Cá chết do nổi đầu thường gặp là cá vền,cá mè, cá trắm.
Nguyên nhân phát sinh
Các loại cá nuôi trong ao bị trúng độc phần nhiều liên quan đến khí thải nhà máy với các độc tố kim loại mạnh thường khiến cá gặp nguy hiểm và chết một cách nhanh chóng, hoặc khi phòng trị bệnh dùng thuốc quá liều lượng hoặc không đúng cách gây trúng độc cho cá. Cũng có thể do trong ao nuôi, sau khi tảo giáp chết sinh độc tố hoặc sự bùng nổ số lượng lớn tảo vàng làm tê liệt thần kinh của cá, hô hấp khó dẫn đến cá bị chết.
Nguyên nhân nổi đầu là do các vi sinh vật hiếu khí có hại hoạt động mạnh, làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước hoặc có thể do mật độ thả nuôi quá dày nên khiến cho ban đêm tảo hô hấp hoặc khi tảo tàn phân hủy mạnh dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cho cá. Đặc biệt vào thời điểm nữa đêm về sáng, cá thường thiếu ôxy nghiêm trọng, cộng với thể chất của cá kém nên sinh ra hiện tượng nổi đầu. Ôxy trong ao được hình thành từ sự khuếch tán không khí và trong tầng nước nhờ quá trình quang hợp của tảo, thiết bị sục khí, máy quạt nước. Ôxy bị mất đi chủ yếu do quá trình hô hấp của cá, tảo, vi khuẩn và phân hủy các chất lắng tụ ở đáy ao. Ôxy hòa tan có vai trò thiết yếu cho sinh vật thủy sinh phát triển, là điều kiện không thể thiếu trong quá trình phân hủy hiếu khí của vi sinh vật. Khi nước bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ dễ bị phân hủy bởi vi sinh vật thì lượng oxy hòa tan trong nước sẽ bị tiêu thụ bớt.
2. Biện pháp phòng trị
Khi phát hiện cá bị trúng độc trong ao nuôi mà nguồn nước không bị ô nhiễm, phải lập tức cấp nổ sung một lượng lớn nước mới, tháo nước cũ trong ao, vừa tháo, vừa cấp cho đến khi cá trong ao trở lại bình thường. Trường hợp cá bị nhiễm khí độc từ đáy ao nuôi cần hạn chế sử dụng các loại phân cho ao nuôi, cùng với đó tiến hành sục khí đáy ao bằng máy sục khí và ngăn chặn việc hô hấp yếm khí. Bên cạnh đó, người nuôi cần xác định đúng nguyên nhân làm cá trúng độc, loại khí độc để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng các chế phẩm sinh học cũng như men xử lý các khí độc như H2S, NH3.
Biện pháp cấp cứu tình trạng cá nổi đầu do thiếu oxy cần kiểm soát lượng oxy hòa tan trong ao nuôi hiệu quả đặc biệt vào lúc về đêm và sáng. Bố trí các máy sục nhằm tạo oxy, quạt nước hay có thể thay nước hoặc bơm nước thêm từ 30 – 50cm nước vào trong ao và tùy tình hình cá nổi đầu do thiếu ôxy nặng hay nhẹ, mà có thể quyết định cho cá dừng ăn trong 1 – 2 ngày.
Khi gặp hiện tượng cá nổi đầu do thiếu oxy không nên tiến hành bón phân hữu cơ hay các loại phân chuồng vào trong môi trường ao nuôi. Trong khoảng thời gian này, lượng hữu cơ tồn đọng trong đáy ao nuôi thường rất nhiều. Cùng với đó sẽ có rất nhiều vi sinh vật khác khó kiểm soát được trong ao, nên cần tiến hành sử dụng vi sinh xử lý đáy ao cứ 15 – 20 ngày (lưu ý: Tạt men vi sinh vào buối sáng và buổi tối, không tạt vào buổi trưa). Bên cạnh đó, luôn kiểm soát tốt các loại tảo độc trong ao như tảo lam, tảo đỏ, tảo mắt bằng thuốc diệt tảo,vi sinh đáy tránh hiện tượng tảo tàn gây thiếu oxy hòa tan vào sáng sớm.
Ngoài những biện pháp trên, khi nuôi cá cần chú ý thả nuôi với mật độ vừa phải. Nếu là nuôi lồng bè, cần chọn vị trí cho phù hợp, tránh nuôi ở những vùng nước gần nhà máy, khu công nghiệp hoặc khu đông dân cư.
Trong quá trình nuôi, cần kiểm soát tốt lượng thức ăn, tránh để thức ăn dư thùa trong ao gây ô nhiễm nước và thức ăn thừa phân hủy sẽ phát sinh khí độc, không sử dụng phân tươi từ vật nuôi gà lợn vịt…làm thức ăn cho cá.
Định kỳ dùng các loại chế phẩm sinh học có tác dụng phân hủy, làm sạch đáy ao, giảm và loại trừ các khí độc phát sinh trong ao.
Tăng cường dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe và đề kháng cho cá nuôi cũng góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại khi có sự cố xảy ra trong ao nuôi.
Định kỳ bón vôi với liều lượng 2kg/ 100m3 nước. Tùy theo mức độ thâm canh, màu sắc nước ao nuôi đậm hay nhạt, bón vôi lúc sáng sớm và chiều mát. Vôi bôi có tác dụng khử các chất độc trong nước, hạn chế vi sinh vật hiếm khí gây bệnh cho cá.
Để tránh cho cá nổi đầu, trong quá trình nuôi cần kiểm tra ao 2 lần/ ngày vào sang sớm và chiều tối, quan trọng nhất là lúc gần sáng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên đây là cách phân biệt hiện tượng cá trúng độc và nổi đầu của cá trong ao nuôi cũng như một số điều lưu ý để giúp người nuôi chủ động ngăn chặn hiện tượng trúng độc và nổi đầu của động vật thủy sản nuôi tránh những rủi ro trong quá trình nuôi trồng thủy sản.
Hồ Thị Nữ - Trạm KN Đakrông