BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI LÚA VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Thứ ba - 08/08/2023 05:27
Bệnh Lùn sọc đen (LSĐ) là đối tượng dịch hại rất nguy hiểm trên cây lúa do virus Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV gây ra, môi giới lây truyền là Rầy lưng trắng, đến nay vẫn chưa có thuốc phòng trừ. Bệnh đã từng phát sinh và gây hại nặng trên địa bàn tỉnh trong các vụ Hè thu năm 2010 và 2017 với tổng diện tích nhiễm lên tới gần 3.300 ha, làm mất trắng 1.279 ha, gây thiệt hại lớn đến năng suất và sản lượng.
BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI LÚA VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
Hiện nay, bước vào vụ Hè thu 2023, rầy lưng trắng vẫn còn tồn tại trên lúa chét cỏ dại nhất là trên những diện tích chưa làm đất. Mặt khác, dự báo vụ Hè Thu 2023 sẽ có nắng nóng, đây là điều kiện thuận lợi cho rầy lưng trắng và bệnh LSĐ phát sinh, phát triển và lây lan trên diện rộng,có khả năng gây hại nghiêm trọng lúa vụ Hè Thu 2023 và các vụ tiếp theo nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời, triệt để.
Để phòng trừ bệnh LSĐ hiệu quả và giảm thiệt hại tới mức thấp nhất do bệnh gây ra trong vụ Hè Thu 2023 và các vụ tiếp theo, xin giới thiệu cho bà con nông dân cách phát hiện và phòng trừ bệnh như sau:
1. Triệu chứng bệnh:
Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. 
 Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. 
Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh sớm, cây lúa sẽ bị tàn lụi dần và chết, bị bệnh muộn lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen, lép lửng. 
Ngoài cây lúa, bệnh lùn sọc đen còn gây hại trên ngô, cỏ lồng vực, cỏ chát, cỏ đuôi phụng,… vì các cây này cũng là ký chủ của rầy lưng trắng và cũng là nguồn chứa virus để rầy lưng trắng truyền sang cây lúa. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó.
Virus gây bệnh tồn tại trong cơ thể của rầy lưng trắng sống qua đông hoặc di chuyển rất xa theo gió và bão để gây bệnh cho lúa và một số loài cây khác ở các vùng khác hoặc vụ tiếp theo.
image 20230808162909 1
Ảnh: Triệu chứng cây lúa bị bệnh LSĐ
2. Biện pháp phòng bệnh:
* Chọn giống: giống có phẩm cấp (không lấy lúa thịt làm giống), tuyệt đối không sử dụng giống dài ngày, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, nhất là các vùng đã bị rầy gây hại nặng cuối vụ Đông Xuân 2022-2023, nên chọn các giống ít nhiễm rầy để gieo trồng đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý hạt giống bằng các loại thuốc BVTV như Cruiser plus 312,5 FS; Map silo 40SC… để bảo vệ cây giai đoạn mạ và tăng sức đề kháng của cây lúa đối với rầy.  
* Vệ sinh đồng ruộng:
- Vào đầu vụ trước khi gieo tiến hành vệ sinh đồng ruộng: Bón vôi, cày vùi gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh,... Dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, thu dọn tàn dư thực vật, nhằm hạn chế nơi trú ẩn và cắt nguồn thức ăn của rầy; 
- Việc vệ sinh đồng ruộng cần tiến hành càng sớm càng tốt, sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân tiến hành cày lật gốc rạ ngay;
- Làm đất phải thuần thục, ruộng phải bằng phẳng; 
- Phun thuốc trừ rầy trú ẩn ở ký chủ phụ, hạn chế nguồn bệnh ngay đầu vụ.
* Thời vụ, kỹ thuật gieo và bón phân:
- Gieo đúng lịch thời vụ của cơ quan chức năng ban hành, không kéo dài thời gian gieo sạ, hạn chế nhiều trà lúa trên một khu đồng;
- Lượng giống gieo khoảng từ 3,5 – 4kg/sào (500m2), đẩy mạnh công cụ sạ hàng.
- Nước tưới đảm bảo theo giai đoạn sinh trưởng; Quản lý cỏ dại; Bón phân cân đối, không bón thừa đạm, phun bổ sung phân qua lá chuyên dùng vào các giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng,…để nâng cao sức đề kháng của cây.
* Phòng ngừa rầy môi giới:
- Thăm đồng thường xuyên để phát hiện, diệt trừ rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen sớm (chú ý sau gieo 7-30 ngày đầu là thời kỳ mẫn cảm của cây lúa với bệnh lùn sọc đen).
- Duy trì mực nước hợp lý trên ruộng để hạn chế gây hại của rầy;
- Áp dụng chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp - IPM” để tăng tính chống chịu của lúa đối với ngoại cảnh và sâu bệnh;
    - Khi phát hiện các triệu chứng như cây lúa thấp lùn, phiến lá nhăn nheo, màu xanh đậm cần nhổ ngay cây lúa có triệu chứng nghi ngờ đưa đến Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để cán bộ kỹ thuật xác định bệnh hoặc gửi mẫu đi phân tích.
3. Các biện pháp trừ bệnh 
- Nhổ, vùi ngay những cây lúa nghi ngờ bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng,  cấy hoặc dặm lại cây lúa khỏe khi còn thời vụ;
- Kiểm tra thấy có rầy phải tiến hành phun thuốc ngay ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, đồng thời phải phun cả trên bờ ruộng, mương dẫn nước... Cần sử dụng thuốc BVTV đúng chủng loại theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.
- Sau khi thu hoạch lúa ở ruộng bị bệnh tiến hành bón vôi tiêu độc và cày vùi ngay gốc rạ của ruộng đó.
- Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất. Trước khi tiêu hủy phải phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc; Tiêu hủy ruộng bị bệnh, tiến hành gieo cấy lại nếu còn thời vụ. Nếu hết thời vụ có thể trồng cây khác (ngoại trừ ngô) thay lúa trong điều kiện cho phép.
Trên đây là các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Bà con cần chủ động phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, đồng thời đề nghị bà con chấp hành nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan chức năng và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương./.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Trạm Trồng trọt và BVTV thành phố Đông Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây