Là một huyện sản xuất nông nghiệp, hoạt động kinh doanh giết mổ của các tư thương trên địa bàn huyện chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ, manh mún, do vậy công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện hiện có 35 hộ đăng ký kinh doanh giết mổ, rải khắp các vùng dân cư của 11 xã, thị trấn, lượng thịt được cung cấp chủ yếu cho các tư thương tại các chợ trên toàn huyện. Riêng Trạm Chăn nuôi và Thú y được giao kiểm soát giết mổ 25 hộ kinh doanh ( gồm 7 hộ kinh doanh giết mổ bò, 18 hộ kinh doanh giết mổ lợn) tại các điểm Chợ Cầu (Thị trấn Gio Linh), chợ Thị trấn Cửa Việt và chợ Nam Đông (xã Gio Sơn). Để đáp ứng nhiệm vụ, Trạm được Chi cục giao 04 biên chế viên chức và 02 lao động hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu kiểm soát giết mổ. Đối với các chợ quy mô nhỏ của các xã thì được giao cho xã quản lý, trong đó, xã Trung Sơn quản lý 05 hộ kinh doanh giết mổ lợn, xã Trung Giang quản lý 02 hộ kinh doanh giết mổ lợn, xã Gio Mai quản lý 03 hộ kinh doanh giết mổ lợn. Nhiệm vụ kiểm soát giết mổ tại các xã được giao cho các Nhân viên thú y xã thực hiện. Để đáp ứng nhiệm vụ được giao, các Nhân viên thú y được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời giao trách nhiệm cho Trạm tiếp tục theo dõi, hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Do đặc điểm hoạt động giết mổ manh mún, nhỏ lẻ, tất cả các điểm giết mổ đều đồng loạt hoạt động vào thời điểm tầm 3-4 giờ sáng nên công tác kiểm soát giết mổ cũng gặp rất nhiều trở ngại, trước hết, đó là việc nhân lực làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ dàn trải trên địa bàn rộng, đồng thời phải kiểm soát trong một thời gian ngắn nên việc giám sát hết sức khó khăn. Để khắc phục khó khăn trên, Trạm đã phân công viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ theo đúng thời gian diễn ra hoạt động giết mổ, tập trung vào các hộ giết mổ số lượng nhiều (làm ngoài giờ) ở các khu vực tập trung đông các hộ giết mổ (Thị trấn Gio Linh, Thị trấn Cửa Việt và địa bàn xã Gio Sơn), sau đó tiếp tục phúc kiểm tại các chợ. Nhờ vậy, công tác kiểm soát giết mổ được thực hiện đảm bảo theo quy định của ngành, số đầu gia súc đưa vào giết mổ được kiểm soát kịp thời và đúng quy định. Trong năm tháng đầu năm 2021, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã kiểm soát được 4.784 con lợn, 637 con bò và 2.740 con gia cầm, chất lượng sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ trên thị trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Song song việc bố trí cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ, Trạm đã trực tiếp kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ của các xã, giúp cán bộ làm công tác giết mổ của các xã thực hiện tốt kiểm soát hoạt động giết mổ trên địa bàn. Đồng thời Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện là thành viên của các đoàn thanh tra, kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Gio Linh. Với tư cách là thành viên các đoàn của Chi cục và huyện, Trạm đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo Chi cục cũng như Ủy ban nhân dân huyện triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước trong công tác phòng trừ dịch bệnh cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân. Trong các tháng đầu năm 2021, Trạm đã tham gia 01 đợt thanh tra định kỳ và nhiều đợt kiểm tra đột xuất hoạt động giết mổ do Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, tham gia đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do huyện tổ chức. Vừa thanh kiểm tra, vừa tuyên truyền vận động nên trong thời gian qua, các hộ hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán thực phẩm nguồn gốc động vật tươi sống cũng nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên không có hộ kinh doanh nào vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, không có trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm soát giết mổ trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, nhất là từ năm 2019 đến nay, dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và chưa có dấu hiệu kết thúc, thêm vào đó, từ tháng 3/2021, dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu bò xảy ra trên diện rộng, đàn gia súc trong nhân dân chưa phục hồi như trước khi có dịch, bên cạnh đó, dịch Covid-19 trên người tác động ảnh hưởng đến giá cả thức ăn chăn nuôi kéo theo giá cả thịt lợn cũng như trâu bò tăng cao làm giảm mức tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật trong nhân dân. Tổng số gia súc đưa vào giết mổ được kiểm soát trong ngày trên toàn huyện từ chỗ đạt 65 con lợn, 3 con bò (năm 2018), nay chỉ còn bình quân 32 con lợn, 04 con bò đưa vào giết mổ và được kiểm soát. Việc dịch bệnh luôn luôn rình rập, nguy cơ gian thương tuồn hàng thịt lợn bệnh, trâu bò bệnh ra thị trường làm tăng thêm áp lực đối với lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, Trạm phải tăng cường chỉ đạo cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ tăng cường công tác kiểm tra sống gia súc trước khi giết mổ, nhằm ngăn chăn tư thương đưa gia súc bệnh vào giết mổ. Lượng giết mổ giảm, cường độ lao động tăng, tạo áp lực lên người lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động hợp đồng làm công tác kiểm soát giết mổ hưởng lương từ nguồn thu, do vậy người lao động chưa yên tâm công tác.
Là người trực tiếp điều hành bộ phận làm công tác giết mổ, trong những năm vừa qua, mặc dù đã được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, song bản thân rất mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn nữa đối với lực lượng lao động làm công tác kiểm soát giết mổ, sớn có các chủ trương nhằm hỗ trợ người lao động, đảm bảo đời sống và yên tâm công tác. Trong kế hoạch dài hơi hơn, các cấp lãnh đạo cần có chính sách đặc thù đối với các lò giết mổ tập trung quy mô nhỏ, vì với các lò giết mổ gia súc quy mô dưới 30 con lợn/ngày là không có lãi, do vậy với chính sách hiện tại không có sức thu hút người dân tham gia đầu tư, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút người dân tham gia đầu tư, và xã hội thu lãi ở việc hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân. Riêng với bài toán cân đối giữa chi phí cho công tác giết mổ và nguồn thu từ hoạt động này, cần có sự điều chỉnh mức thu phí (sửa đổi mức thu phí kiểm soát giết mổ được quy định bởi Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y” của Bộ Tài chính) theo hướng tăng lên đối với các hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ so với các hộ giết mổ tập trung, vừa có tác dụng kích thích các hộ dân tham gia giết mổ tại các lò mổ tập trung thay vì tự giết mổ tại điểm giết mổ tại gia như hiện nay. Bên cạnh đó cần có chính sách để dần loại bỏ loại hình giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư bằng các chính sách ràng buộc về yếu tố môi trường, chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với bộ phận lao động hành nghề giết mổ nhỏ lẻ sang các lĩnh vực khác… Có như vậy, mục tiêu xây dựng lò mổ tập trung theo Quyết định số 3158/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, định hướng đến năm 2040” của Ủy ban nhân dân tỉnh mới có tính khả thi.
Kỹ sư Lê Hữu Thân - Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gio Linh