MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI CÂY TRỒNG CUỐI VỤ ĐÔNG XUÂN 2020-2021

Thứ ba - 27/04/2021 04:35
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, thời gian tới là thời điểm giao mùa, nguy cơ xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn như nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa giông, kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh làm đỗ ngã lúa đang giai đoạn trổ bông, vào chắc, chín. Đồng thời, mưa nắng xen kẻ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng như bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy các loại, sâu cuốn lá, nhện gié… nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ rất cao nếu không chủ động các giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật tác động nhằm áp dụng trong phòng chống thiên tai và phòng trừ sâu bệnh hại trên một số nhóm đối tượng cây trồng như sau:
1. Đối với cây lúa:
- Những chân ruộng gieo dày, thường xuyên bị ngập úng, hay bị đỗ ngã, trước khi trổ bông từ 7-10 ngày cần bón bổ sung 10kg vôi/sào để giúp cây lúa phát triển hệ rễ, cứng cây, chắc hạt, tăng sức chống chịu với thời tiết bất lợi và các đối tượng sâu bệnh gây hại; đồng thời hạn chế mầm bệnh lây lan cho vụ sau.
- Trước khi lúa trổ hoặc sau trổ 7 ngày cần tăng cường sử dụng các loại phân bón lá giàu Kali như: Tora 1.1SL, Kali Humat, Siêu kali... để kết hợp phun lên lá vào lúc trời mát, không mưa nhằm giúp cây lúa trổ tập trung, trỗ thoát bông, tăng tỷ lệ hat chắc/bông. 
-  Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 380C, nhất là giai đoạn lúa trổ bông, phơi mao, ở những chân ruộng có điều kiện, cần đưa nước vào ruộng từ 10-15 cm, nhằm làm mát cây, hạn chế hiện tượng thoái hóa đầu bông và tỷ lệ hạt lép trên bông lúa.
- Rút nước phơi ruộng trước khi thu hoạch 7-10 ngày để mặt ruộng khô ráo, chống đổ ngã và thuận tiện cho việc thu hoạch.
-  Khi ruộng lúa bị đỗ ngã do gió lớn ở giai đoạn lúa chín sữa-chín sáp, cần tiến hành thoát nước nhanh trên ruộng, dựng lúa bị đổ rạp bằng cách buộc túm lúa lại với nhau, tạo điều kiện cho lúa quang hợp, tiếp tục nuôi hạt đến khi thu hoạch.
- Tăng cường theo dõi và phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 5-7 ngày bằng các loại thuốc như: Beam, Fillia, Map Famy, Fu-amy, Fuji-one... theo liều lượng khuyến cáo trên toa nhãn. Phun lần 2 sau khi lúa trổ 5-7 ngày trên những chân ruộng có nguy cơ nhiễm bệnh nặng (Những vùng bị nhiễm đạo ôn lá chưa được phòng trừ, hoặc phòng trừ chưa tốt, vùng ổ dịch, những vùng gieo trồng giống nhiễm như HC95, IR38, VN10, Bắc thơm 7..., trên ruộng bón phân không cân đối, vùng có áp lực bệnh cao...). 
-  Kiểm tra và phòng trừ bệnh khô vằn để hạn chế lây lan ra diện rộng bằng các loại thuốc như: Valydan 3DD, Vivadamy 3SL, Anvil 5SC... Có thể sử dụng các loại thuốc phổ rộng như Newtec, Amistar Top, Tilt supe... để phòng trừ tổng hợp nhóm bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn. 
- Sau những trận mưa giông và trước khi lúa trỗ 07 ngày, cần phun phòng bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn bằng các loại thuốc như Diboxylin, Bonny, Xantoxin... 
-  Thường xuyên kiểm tra mật độ rầy và sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng để phun trừ kịp thời. 
+ Đối với rầy cần tiến hành phun thuốc ngay ở những nơi có mật độ từ 700-1.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc như: Chess 50WG, Actara 25WG, Bassa 50EC,...; để phun thuốc có hiệu quả cần đi chậm, rẽ lúa thành từng băng và phun vào gốc lúa nơi rầy tập trung, đồng thời phải đảm bảo lượng nước thuốc 30 lít/sào trở lên; đối với những ruộng có mật độ rầy quá cao thì sau 3 ngày kiểm tra lại nếu mật độ vẫn cao tiến hành phun lần 2. 
+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun thuốc trừ sâu ở những nơi có mật độ khoảng 10-20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1-2. Chú ý thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo an toàn cho nông sản.
2. Đối với hoa màu các loại: 
Tăng cường chăm sóc, vun gốc, lên luống, đào rãnh, bón đầy đủ và cân đối giữa Đạm, Lân và Ka-li để tăng năng suất, chất lượng, hạn chế đỗ ngã khi thiên tai xảy ra. Tăng cường điều tra phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại cuối vụ như: Bệnh gĩ sắt, bệnh đốm nâu, bệnh thối gốc trên cây lạc; sâu keo mùa thu gây hại trên diện tích ngô gieo muộn, ... để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Tiến hành rà soát kỹ các diện tích trồng sắn nhằm phát hiện, tiêu hủy bệnh khảm lá sắn kịp thời.    
3. Đối với cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, hồ tiêu)
- Cắt tỉa để cây được thông thoáng: Tiến hành cắt bớt phần ngọn, cành quá sum sê để hạn chế chiều cao của thân chính và cành ngang, giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đỗ. Buộc các dây tiêu bị tuột vào cây choái, kịp thời thoát nước trong vườn và chăm sóc, xử lý các loại thuốc BVTV theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nấm bệnh gây ra.
- Chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã (chú ý nên dùng ruột hay vỏ xe quấn xung quanh trước khi buộc dây để tránh gây hư hại vỏ thân cây hoặc cành; mở các dây kẽm ngay sau mưa bão);
- Đối với cây ăn quả đang mang trái nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm khi có những cảnh báo của cơ quan khí tượng, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái;
- Chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh phấn trắng hại lá trên cây cao su. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi các đối tượng dịch hại khác như: Bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu; bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành hại cà phê,.. để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Lê Văn Tùng – Chi cục TT-BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây