CÔNG TÁC TIÊM PHÒNG CHO ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN GIO LINH

Thứ hai - 04/10/2021 04:44
Tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm là hoạt động được tổ chức thường xuyên, định kỳ. Hàng năm, công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm được tổ chức thành 02 đợt chính trong năm gồm: Vụ Xuân - Hè (tháng 3-6), vụ Thu - Đông (tháng 8-12). Đây là hoạt động nhằm kiểm soát sự phát sinh, lây lan của một số loại bệnh phổ biến, nguy hiểm trên đàn vật nuôi, là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực, chủ động và hiệu quả cho đàn vật nuôi.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
           Huyện Gio Linh là một trong những huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của tỉnh Quảng Trị, số liệu thống kê tổng đàn 6 tháng đầu năm 2021 của huyện Gio Linh là 11.173 con trâu bò; 17.090 con lợn; 5.189 chó và 293.317 con gia cầm. Trong năm 2021, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục trâu bò đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của bà con chăn nuôi. Xác định được tầm quan trọng của công tác tiêm phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm 2021, UBND huyện Gio Linh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 01/02/2021 về việc tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2021; Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng đã có các Kế hoạch tiêm phòng chi tiết cho từng vụ tiêm. Theo đó, đặt ra kế hoạch thực hiện cho từng loại vắc xin tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, đối với trâu, bò: tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng đạt miễn dịch bảo hộ trên 80% tổng đàn; đối với đàn lợn: tiêm phòng vắc xin Tụ huyết trùng, Phó thương hàn và Dịch tả lợn đạt tỷ lệ trên 75% tổng đàn; đối với gia cầm tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1 đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm tại các xã, thị trấn; riêng tiêm phòng dại động vật phải đạt tỷ lệ 100% tổng đàn.
         Kết quả tiêm phòng vụ Xuân-Hè tính đến ngày 30/6/2021, toàn huyện Gio Linh đã tổ chức tiêm phòng được 4.200 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, đạt 40,9% kế hoạch; 9.800 liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn trâu bò, đạt 98% kế hoạch; 5.620 liều vắc xin phó thương hàn, tụ huyết trùng và dịch tả cho đàn lợn, đạt 43,8% kế hoạch; 3.278 liều vắc xin cho đàn chó, đạt 61,1% kế hoạch và 50.100 con gia cầm được tiêm vắc xin H5N1, đạt 55,8% kế hoạch. Vụ Thu – Đông, Tính đến ngày 30/8/2021, toàn huyện Gio Linh đã tổ chức tiêm phòng vụ Thu Đông được 1.510 liều vắc xin Kép lợn, 1.510 liều vắc xin Dịch tả lợn, tiêm bổ sung được 370 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu bò, 40.400 con gia cầm. Hiện tại một số xã trên địa bàn huyện đang tiêm phòng bổ sung vắc xin Viêm da nổi cục bổ sung cho đàn trâu bò trong diện tiêm đã đến độ tuổi hoặc bị bỏ sót trong đợt tiêm chính, đến nay đã tiêm phòng được 6.100 con/7500 con kế hoạch, đạt 81,3%.
          Nhìn chung công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Gio Linh đã có nhiều chuyển biến tốt, đạt tỷ lệ khá ở các mũi tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu bò và các mũi vắc xin chương trình được nhà nước hỗ trợ. Hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai đúng thời gian tuy nhiên bên cạnh đó các mũi tiêm cho đàn lợn và đàn chó nuôi còn đạt thấp. Nguyên nhân chính là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo chưa quyết liệt trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; Người dân còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, còn có ý thức trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai tiêm phòng; Quy mô chăn nuôi trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, chăn nuôi theo hướng tận dụng là chủ yếu nên khi rủi ro dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhỏ đến kinh tế cũng như  đời sống của hộ gia đình nên người dân chưa quan tâm đến công tác tiêm phòng; Việc thiếu nhân lực đi tiêm phòng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của nhiều địa phương do mỗi xã chỉ có 01 nhân viên thú y và 02 cộng tác viên thú y trong khi địa bàn rộng, quá trình tiêm phòng chủ yếu là đi bộ, đến từng ngõ, gõ từng nhà để vừa phổ biến, vận động vừa triển khai. Ngoài ra chế độ phụ cấp cho lực lượng thú y cơ sở còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu đặc thù công viêc, trong khi đây là lực lượng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở; Riêng với công tác quản lý tiêm phòng cho đàn lợn chưa chặt chẽ, chưa nắm được số liệu người dân tự tiêm nên số liệu báo cáo chưa phản ánh đúng thực tế. 
           Để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả cần tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Dưới đây là một số giải pháp chính để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn huyện Gio Linh, góp phần hiệu của vào công tác phòng, chống dịch bệnh:
Trước hết là phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tiêm phòng. Thực tế cho thấy nơi nào các cấp chính quyền có sự quan tâm, sâu sát thì nơi đó tỷ lệ tiêm phòng cao, đạt kế hoạch. Chính quyền các địa phương cần chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở, khuyến nông cơ sở định kỳ mỗi đợt tiêm phòng cần rà soát, thống kê tổng đàn, chủng loại, độ tuổi của các đối tượng con nuôi nhằm bảo đảm không bỏ sót gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Cần hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện việc kê khai chăn nuôi theo quý trung thực, chính xác. Cần tăng cường giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện trong quá trình triển khai tiêm phòng. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm phòng theo quy định của nhà nước. 
           Thứ hai cần huy động thêm nguồn nhân lực cùng lực lượng thú y tham gia trong các đợt triển khai tiêm phòng. Đặc biệt là cần sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể cấp xã trong việc vận động, tuyên truyền các hộ chăn nuôi nuôi có ý thức tự giác tham gia tiêm phòng đầy đủ. Có thể sử dụng hệ thống loa phát thanh tại các thôn, bản, khu phố hoặc xe tuyên truyền lưu động để tuyên truyền trước mỗi đợt tiêm phòng.
           Thứ ba cần điều chỉnh lại chế độ phụ cấp phù hợp cho lực lượng thú y cơ sở, để họ yên tâm gắn bó với nghề. Thường xuyên tập huấn nâng cao tay nghề cho thú y cơ sở.
Thứ tư cần tăng cường quản lý công tác tiêm phòng, cần có sự giám sát của cơ quan chuyên môn hoặc lực lượng thú y cơ sở đối với những trang trại, gia trại tự tiêm phòng, đặc biệt là đối với việc tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn. Thời gian gần đây, các đại lý, công ty thức ăn chăn nuôi thường hỗ trợ cho người chăn nuôi vắc xin tiêm phòng mà chưa có sự quản lý, giám sát về chất lượng và hiệu quả. 
          Ngoài ra để việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao, về mặt kỹ thuật cần khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc, theo dõi đàn vật nuôi sau tiêm phòng để hạn chế các trường hợp phản ứng sau tiêm và nâng cao khả năng đáp ứng miễn dịch. Báo cáo ngay cho cán bộ thú y đối với các trường hợp phản ứng nặng gây nguy hiểm cho vật nuôi để kịp thời can thiệp.
        Việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm là một khâu vô cùng quan trong để phòng bệnh trong chăn nuôi hiện nay. Tăng cường hiệu quả công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi là đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho con người.
Bùi Thị Trang Nhung- Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gio Linh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây