Huyện Hải Lăng ban hành Kế hoạch hỗ trợ kinh phí phát triển một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025

Thứ ba - 22/03/2022 22:39
Với mục tiêu tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất một số cây trồng, vật nuôi; từng bước chuyển từ phát triển sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đảm bảo lợi ích hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường, gắn kết với mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng xuất, chất lượng, hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cao
Thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-HĐND, ngày 12 tháng 8 năm 2021 của HĐND huyện về hỗ trợ kinh phí phát triển một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, Ngày 21/10/2021UBND huyện ban hành kế hoạch số 1466/KH-UBND với các nội dung như sau:
Theo Kế hoạch quy định, UBND huyện sẽ hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình tham gia phát triển các mô hình kinh tế mới trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: cây ăn quả có múi trồng tập trung, cây làm nguyên liệu chế biến dược liệu; chăn nuôi lợn, gia cầm trang trại, trồng cỏ nuôi bò; nuôi cá nước ngọt, khai thác hải sản. Chính sách không áp dụng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn huyện. Kinh phí được hỗ trợ để thực hiện cụ thể như sau:
Cây ăn quả có múi trồng tập trung:
- Hỗ trợ với định mức 15.000 đồng/giống cây cam, quýt và 25.000 đồng/giống cây bưởi cho các hộ trồng mới; mật độ trồng không quá 500 cây/ha, diện tích từ 0,5 ha/hộ. Mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/mô hình. Mỗi năm hỗ trợ không quá 20 ha. Ưu tiên phát triển giao thông, điện để xây dựng vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật đối với các đơn vị áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, sản phẩm sạch.
Cây làm nguyên liệu chế biến dược liệu:
- Hỗ trợ 1.000 đồng/m2 đối với mô hình trồng cây làm nguyên liệu chế biến dược liệu (chè vằng, cà gai leo...) với diện tích tập trung đạt quy mô từ 1.000m2 trở lên đảm bảo quy trình kỹ thuật, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/mô hình. Mỗi năm hỗ trợ không quá 03 ha. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, ứng dụng KHKT đối với các đơn vị có nhu cầu.
Chăn nuôi lợn trang trại: Khuyến khích xây mới trang trại chăn nuôi lợn tập trung theo quy hoạch. Cụ thể như sau:
- Đối với mô hình quy mô từ 5 con lợn nái ngoại, nái lai trở lên và trên 50 con lợn thịt; trọng lượng bình quân trên 70kg/con lợn nái, trên 30kg/con lợn thịt tại thời điểm huyện nghiệm thu hỗ trợ mô hình; chuồng trại đảm bảo vệ sinh, diện tích đảm bảo tối thiểu 1m2/lợn thịt; 4m2/lợn nái. Hỗ trợ với định mức 1,5 triệu đồng/con lợn nái và 200 nghìn đồng/con lợn thịt. Định mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/ mô hình. Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 03 mô hình.
- Đối với mô hình chăn nuôi trên 100 con lợn thịt và trên 10 con lợn nái lai, nái ngoại, trọng lượng bình quân trên 70kg/con lợn nái, trên 30 kg/con lợn thịt tại thời điểm huyện nghiệm thu; diện tích đảm bảo 1m2/lợn thịt, có chuồng bầu cho lợn nái; ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, điều hòa không khí, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi hoặc chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… được chứng nhận: Hỗ trợ 20 triệu đồng/mô hình. Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 02 mô hình.
 Hỗ trợ trồng cỏ nuôi bò:
Hỗ trợ trồng cỏ nuôi bò với định mức hỗ trợ 2.600đồng/m2, quy mô từ 500m2 nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ. Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 03ha.
Mô hình chăn nuôi gia cầm trang trại công nghệ cao, theo hướng hữu cơ.
- Đối với các mô hình nuôi gia cầm có quy mô từ 1.000 con trở lên, chuồng trại được đầu tư để thực hiện chăn nuôi lâu dài, đảm bảo vệ sinh môi trường, mật độ nuôi không quá -12 con/m2. Hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình. Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 05 mô hình.
- Đối với các mô hình nuôi gia cầm có quy từ 1.000 con trở lên; mật độ nuôi không quá -12 con/m2, ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, điều hòa không khí, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi; hoặc chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… được chứng nhận: Hỗ trợ 15 triệu đồng/mô hình. Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 02 mô hình.
Hỗ trợ ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi:
Hỗ trợ 3,5 triệu đồng/công trình/hộ đối với các hộ làm hầm khí biogas bằng chất liệu composite hoặc hầm xây, thể tích từ 8m3 trở lên. Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 50 hầm.
Mô hình nuôi cá chình lồng trên sông, hồ
- Khuyến khích làm lồng mới để nuôi cá: Hỗ trợ 03 triệu đồng/lồng đối với lồng bằng kim loại không rỉ (nhôm, inox…) thể tích 08m3 trở lên để ương, nuôi cá chình lồng. Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 10 lồng.
Mô hình chuyển đổi, nhân rộng mô hình lưới nghề
Đối với các hộ làm mới mô hình lưới nghề (Lưới rê bay-rê nổi, rê tầng đáy, lưới 3 màn cải tiến) với chiều dài lưới từ 1.000m trở lên để khai thác hải sản trên biển. Hỗ trợ 05 triệu đồng/mô hình.  Mỗi năm hỗ trợ tối đa không quá 10 mô hình.
Để thực hiện chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tốt, UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Cụ thể giao UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi chính sách cho mọi người dân trên địa bàn biết, tiếp cận và tham gia thực hiện, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tại địa phương; tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của người chăn nuôi và lập hồ sơ gửi huyện đề nghị nghiệm thu; theo dõi, giám sát chặt chẻ không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Giao Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn chi tiết về trình tự, hồ sơ, thủ tục liên quan để thực hiện chính sách; chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức thẩm định và lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo theo yêu cầu của Chính sách. Giao Phòng Tài chính-kế hoạch phối hợp với phòng Nông nghiệp &PTNT xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu kế hoạch phù hợp, đồng bộ với định hướng chung của huyện; cân đối đề xuất bố trí nguồn vốn hỗ trợ khuyến khích các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, các nội dung đầu tư theo chính sách tái cơ cấu Nông nghiệp. Giao Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hướng dẫn bà con các kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan; bảo đảm các nguồn vaccine để cung ứng đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng, bố trí các nguồn lực giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chủ động phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 
          Với sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với sự nổ lực của toàn thể người dân, phấn đấu đến cuối năm 2025 thực hiện đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra
Văn Thị Hằng-Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hải Lăng

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây