VAI TRÒ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2017-2020

Chủ nhật - 13/02/2022 22:51
Giai đoạn 2017-2020, bên cạnh tác động của các giải pháp như: thông tin tuyên truyền, quy hoạch sản xuất, các chính sách đặc thù... thì Khoa học và Công nghệ đã tác động tích cực vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, góp phần đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong xu thế hội nhập của nền kinh tế.
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Xác định khoa học công nghệ là khâu đột phá góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ngành đã tập trung đổi mới, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, có lợi thế của địa phương để bổ sung vào sản xuất như: giống lúa (RVT, ST24, ST25, Dự hương 8, TBR279, HN6, Đài Thơm 8…), giống ngô (HN88, HN68, CP888, CP333), giống sắn mới (KM140, SM937-26…) Giống chuối Úc, giống Chanh leo, giống Cam, Bưới da xanh, Bưởi diễn, Bưởi tiến vua, Giống ổi (Đài loan, không hạt…), Bơ 034, Sầu riêng...; Giống bò Droughmaster, BBB; Giống lợn Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain, các giống lai nhiều máu ngoại Pidu, PiLandu, Landu; giống vịt SuperMeat, vịt biển, gà ai cập, gà 3F...
Bên cạnh công tác giống, Ngành đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất và đời sống góp phần giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, như: thâm canh lạc cải tiến mật độ dày 45 cây/m2  có che phủ nilon và hệ thống tưới phun mưa áp lực thấp; “1 phải 5 giảm” trên lúa, IPM trên lúa, cây trồng cạn và cây công nghiệp dài ngày; sản xuất rau, hoa, củ, quả (quy mô hơn 50 ha); canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP (5 ha), Canh tác tự nhiên (Lúa 45 ha/vụ, rau 5 ha/vụ)... canh tác theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, canh tác an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, hữu cơ... Ngoài ra, với sự đầu tư hỗ trợ của Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng thành công các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên các loại cây trồng cạn như: lúa, ngô, lạc, dưa hấu. Tổng diện tích đã thực hiện từ năm 2016- 2020 hơn 5.500 ha…
Ngoài ra, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất đã có bước phát triển mới, với các giải pháp như: nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm, công nghệ thủy canh, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, giống lâm nghiệp nuôi cấy mô đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Công tác ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 trong nông nghiệp được triển khai thực hiện có hiệu quả. Các mô hình sản xuất thử nghiệm tập trung vào các loại hoa cao cấp, có giá trị cao như: Hoa Tulip, Hoa Lily, Hoa Lan Hồ Điệp...; các loại rau quả cao cấp như: Dâu tây, Cà chua siêu ngọt... góp phần tạo sự đa dạng trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn.
Đến nay, nhiều nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng nhận OCOP, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ... có 53 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; có 12 mã số vùng trồng được chứng nhận; gần 140 ha cây trồng được chứng nhận hữu cơ (Lúa, Hồ tiêu, Cây ăn quả); chứng nhận VietGAP cho 02 HTX trồng trọt, 02 cơ sở chăn nuôi; 11 sản phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; hơn 30 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả, an toàn, chất lượng cao; hơn 500 ha cây trồng sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; hơn 50 ha nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (biofloc, semi-biofloc); Có 54 trang trại chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, một số mô hình rừng sản xuất bằng giống nuôi cấy mô; nhiều Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (Drone) để phòng trừ sâu bệnh trên lúa; đầu tư hệ thống sấy, bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ nhân giống nuôi cấy mô tế bào... góp phần tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế cao, trong đó nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi các nước trên thế giới, làm nền tảng thúc đẩy ứng dụng Khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong xu hướng hội nhập và phát triển triển cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Sản xuất Nông nghiệp tiếp tục đối mặt với yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu dùng thế giới, sự thu hẹp về diện tích đất sản xuất, biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, dịch bệnh, môi trường..., đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần có sự thay đổi toàn diện theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đồng thời kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh. Do đó, Ngành cần tiếp tục tăng cường nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các vấn đề cốt lỗi trong chuỗi sản xuất, nhất sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Phát triển mạnh các phương thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ, sản xuất có chứng nhận,... áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Xây dựng chính sách khuyến khích nghiên cứu, xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển thị trường khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp... để nông nghiệp tiếp tục là một trong ba trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà.
Nguyễn Ngọc Thạch - Sở NN & PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây