NHỮNG MÔ HÌNH HIỆU QUẢ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐAKRÔNG

Chủ nhật - 05/03/2023 22:21
Với diện tích rừng hơn 79.500 ha, Đakrông là huyện có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất trong tỉnh Quảng Trị. Đây là lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, xuất phát điểm là một huyện miền núi nghèo, trên 90% dân số là người Vân Kiều - Pa Cô, đến nay người dân vẫn duy trì tập quán canh tác nương rẫy lạc hậu, thu nhập của hầu hết người dân vẫn còn ở mức thấp, đời sống phụ thuộc nhiều vào rừng. Do đó, để hài hòa giữa bảo vệ rừng, khai thác hiệu quả kinh tế từ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, các giải pháp phát triển lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững là mục tiêu ưu tiên hàng đầu được huyện chú trọng thực hiện, trong đó có phát triển kinh tế dưới tán rừng.
NHỮNG MÔ HÌNH HIỆU QUẢ TRONG PHÁT TRIỂN  KINH TẾ LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐAKRÔNG
        Những năm gần đây, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, trên địa bàn huyện đã xây dựng một số mô hình trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho người dân: Mô hình trồng cây Ba kích tím, mô hình trồng Mây nước dưới tán rừng...
        Ba kích là loài cây thảo, sống lâu năm, leo bằng thân quấn, có giá trị nhất là phần củ, có tác dụng hỗ trợ và điều trị bệnh cực tốt giúp mạnh gân cốt, bổ thận cường dương. Đây là loài cây thích ứng rộng với các điều kiện sinh thái, tồn tại và phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ từ 22,5-23,10C, chịu được nhiệt độ tối thấp tuyệt đối -2,80C và tối cao tuyệt đối 41,40C; độ ẩm không khí trung bình từ 82-89%; lượng mưa bình quân năm từ 1.420-2.574 mm; ưa đất feralit đỏ vàng, đất feralit giàu mùn trên núi và đất thịt ẩm mát. Nhận thấy loài cây này khá phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn huyện, dự án Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 (dự án BCC) đã hỗ trợ triển khai mô hình cây trồng Ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên với diện tích 189,4 ha trên địa bàn 02 xã Tà Rụt và Hướng Hiệp. Người dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật trồng, hỗ trợ cây giống, công trồng, công chăm sóc cây, mật độ trồng khoảng 500 hố/ha, mỗi hố gồm 3 gốc cây. Sau khi dự án BCC kết thúc, các diện tích trồng cây Ba kích tím được giao cho cộng đồng dân cư thôn A Đăng, xã Tà Rụt và thôn Gia Giã (Kreng cũ) xã Hướng Hiệp tiếp tục chăm sóc, bảo vệ. Hiện tại kích thước củ có đường kính khoảng 1,5 cm (3,5 tuổi), một số người dân thôn bản đã khai thác sử dụng ngâm rượu, dự kiến 5-7 năm sẽ khai thác, bán ra thị trường. Với giá bán hiện nay khoảng 300.000 đồng/kg củ tươi, cây Ba kích hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con nơi đây.
       Ngoài cây dược liệu, đã có nhiều dự án hỗ trợ trồng cây dưới tán rừng được triển khai trên địa bàn huyện Đakrông. Diện tích thực hiện lớn có thể kể đến mô hình trồng cây Mây nước dưới tán rừng với hơn 280ha. Đây là mô hình do dự án BCC hỗ trợ thực hiện năm 2018. Các diện tích trồng mây đều được người dân tiếp nhận quản lý, chăm sóc, dự kiến sẽ cho thu hoạch sau 5-7 năm. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án "Phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ đến năm 2030" trình Chính phủ ban hành, trong đó tổ chức thực hiện phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề mây tre tại Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Đề án được ban hành, triển khai thực hiện sẽ mở ra hướng phát triển ổn định cho mô hình trồng mây dưới tán rừng của các huyện miền núi như Đakrông.
        Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các mô hình kinh tế lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, bất cập xuất phát từ những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Sau thời gian thực hiện đến nay, một số diện tích trồng cây mây có tỷ lệ cây sống đạt thấp hoặc tăng trưởng rất chậm, cây trồng 4 năm nhưng chỉ cao hơn 1m. Nguyên nhân được chỉ ra là do người dân trồng không đúng kỹ thuật; vị trí trồng không phù hợp; Việc trồng và chế biến cây dưới tán rừng còn gặp nhiều khó khăn do chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung. Mức đầu tư khá lớn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; Thị trường đầu ra vẫn còn thiếu ổn định, giá cả bấp bênh, người dân dễ bị thương lái ép giá khi đến kỳ thu hoạch. Công tác vận động, tuyên truyền, việc quản lý của chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức nên người dân còn tâm lý lo ngại, chưa mạnh dạn tham gia.
Để phát huy lợi thế đất đai, nhân lực, nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia….nhằm tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn huyện. Từng bước đưa các sản phẩm cây dược liệu trở thành hàng hóa là sản phẩm OCOP của địa phương. Huyện Đakrông đã xây dựng đề án số 139/ĐA-UBND ngày 24/6/2022, về “phát triển trồng cây dược liệu huyện Đakrông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Để thực hiện có hiệu quả đề án, cần có sự vào cuộc của ngành chức năng địa phương. Mặc dù quá trình thực hiện có nhiều khó khăn nhưng định hướng của huyện về phát triển các mô hình kinh tế lâm nghiệp là đúng đắn, phù hợp, về lâu dài sẽ khai thác được tối đa tiềm năng đất đai dưới tán rừng, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
image 20230303194051 1
 
Người dân sản xuất ống hút thủ công từ LSNG có chứng nhận FSC® - Trương Minh Hậu
Lê Thùy Trang
Hạt kiểm lâm huyện Đakrông

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây