THU NHẬP KHÁ TỪ NUÔI GÀ GIA CÔNG

Thứ ba - 12/03/2024 03:33
Năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Đăng ở tại thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng đã bước đầu thành công với mô hình nuôi gà gia công, liên kết quy mô lớn. Mang lại lợi nhuận từ 450 - 500 triệu đồng/năm.
THU NHẬP KHÁ TỪ NUÔI GÀ GIA CÔNG
       Anh Đăng cho biết, trước đây đã có nhiều năm chăn nuôi gà nhưng với số lượng ít, chủ yếu là nuôi thả vườn theo hình thức hộ gia đình. Sản phẩm làm ra gia đình phải tự lo về đầu ra, bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế không cao. Chưa kể do còn thiếu kinh nghiệm nên thường bị hao hụt do dịch bệnh. Từ năm 2021, sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và tham quan, học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi gà gia công. Nhận thấy đây là mô hình nuôi gà công nghiệp dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đồng đều. Đặc biệt là không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm khi chăn nuôi với số lượng lớn. Anh quyết định đầu tư gần 1,6 tỉ đồng liên kết với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam để nuôi gà gia công.
       Theo đó, trên diện tích đất 5.000 m2 của gia đình, anh Đăng xây dựng 2 chuồng nuôi khép kín với quy mô 750 m2/chuồng cùng những trang thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, điện chiếu sáng, hệ thống xử lý chất thải… Khi anh Đăng có chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công ty mà anh liên kết cung cấp 16.000 con gà giống một ngày tuổi, thức ăn, thuốc thú y và cử cán bộ kỹ thuật giúp anh chăn nuôi. Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi từ trước nên việc liên kết với công ty được anh thực hiện suôn sẻ. Đàn gà phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Bình quân mỗi lứa sau khoảng 3 tháng chăm sóc, khi gà có trọng lượng từ 1,5 – 2 kg/con sẽ xuất bán toàn bộ cho công ty. Trừ chi phí anh thu lãi từ 150 – 170 triệu đồng. Cứ thế, mỗi năm anh thả nuôi 3 lứa gà, mang lại lợi nhuận từ 450 – 500 triệu đồng.
       Theo anh Đăng, nuôi gà gia công khó nhất là vốn đầu tư ban đầu lớn. Nhưng bù lại là thu nhập cao, đặc biệt là được công ty liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên không phải lo đầu ra. Cụ thể, người nuôi phải đầu tư toàn bộ từ quỹ đất, chuồng trại theo đúng yêu cầu kỹ thuật, công chăm sóc, vệ sinh phòng dịch và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; phía công ty liên kết đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh và có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà. Cùng với đó, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, khu vực chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế người ra vào; tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo định kỳ; thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nhất là thời điểm xuất bán và nhập nuôi lứa mới. Định kỳ 2 lần/tuần phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Bổ sung vitamin vào nước uống để gà tăng sức đề kháng cho gà khỏe mạnh, lớn nhanh. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, chuồng trại thường xuyên được rải một lượng vỏ trấu vừa đảm bảo độ ẩm, hút mùi. Đây cũng là chất phụ gia để cùng với phân gà làm phân bón hữu cơ rất hiệu quả. Thế nên dù nuôi với tổng đàn lớn nhưng trại gà của anh Đăng vẫn sạch sẽ, không có mùi khó chịu. Nguồn phân do gà thải ra được anh thu gom, xử lý bằng vôi bột, men vi sinh và ủ hoai để bán cho các hộ trồng ném tại địa phương. “Mặc dù nuôi theo hình thức công nghiệp nhưng do tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên gà có chất lượng thịt thơm, ngon. Trước khi xuất bán, cán bộ của công ty đều đến lấy mẫu để xét nghiệm các tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu đạt tiêu chuẩn mới được công ty bao tiêu toàn bộ”, anh Đăng cho hay.
       Ông Văn Ngọc Tiến Đức,Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “ trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học khép kín theo hình thức liên kết với doanh nghiệp là mô hình tối ưu cho người chăn nuôi khi vừa giải quyết được khâu vốn, kỹ thuật lại vừa hạn chế được rủi ro bởi dịch bệnh, rớt giá. Giúp người chăn nuôi còn được tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm”.  Bên cạnh đó, do phải đáp ứng những quy trình nghiêm ngặt của công ty liên kết, vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương cũng từng bước được giải quyết. Từ những ưu điểm trên, huyện Hải Lăng đang khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi, ngoài lợi ích kinh tế thì cần tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để phát triển chăn nuôi bền vững. “Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong chăn nuôi, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên lựa chọn các công ty, doanh nghiệp có uy tín để việc liên kết được bền vững, hiệu quả”, ông Đức cho biết thêm.
                                     Nguyễn Khắc Mạnh – Trạm Khuyến nông Triệu Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây