HÀNH TRÌNH LÀM GIÀU TỪ NGHỀ NUÔI CÁ LEO

Chủ nhật - 19/05/2024 23:37
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá leo trong ao đất của anh Trần Đức Tuấn vào một chiều tháng tư với cái nắng như đổ lửa, lúc này anh đang cùng với con trai tập trung kéo những mẻ cá cuối cùng để chuẩn bị thả giống lứa cá mới. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là một người nông dân chất phác với nụ cười hiền hậu.
HÀNH TRÌNH LÀM GIÀU TỪ NGHỀ NUÔI CÁ LEO
       Tận mắt chứng kiến cơ ngơi vườn tược cùng ao cá rộng và được nghe kể về hành trình phát triển kinh tế, chúng tôi càng thêm khâm khâm phục ý chí vượt khó, làm giàu của người nông dân chân chất này.
       Anh Trần Đức Tuấn (1980) sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Trung, Gio Châu, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bắt đầu thử nghiệm nuôi cá leo từ một chương trình chuyển giao, xây dựng các mô hình điểm nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị vào năm 2019, anh Tuấn bén duyên với loài cá này cho tới tận hôm nay.
       Nói chuyện với chúng tôi, anh cho biết so với các đối tượng nuôi truyền thống như các loại cá trắm, mè, chép, rô phi… thì cá leo là một đối tượng nuôi đầy triển vọng cho người nông dân do đặc tính loài cá này khá dễ nuôi, tốn không nhiều thời gian chăm sóc, chất lượng thịt cá thơm ngon hơn hẳn. 
       Từ quy mô nuôi 1 hồ cá leo với diện tích ban đầu 3.000m², giờ đây anh Tuấn đã mở rộng lên thành 4 hồ với tổng diện tích nuôi hơn 10.000m², nhân lực chỉ có hai vợ chồng trông nom nên khá vất vả song không vì thế mà vợ chồng anh chùn bước. Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó, áp dụng đúng kỹ thuật đã mang lại kết quả cao, mức thu nhập hàng năm của gia đình tăng lên rõ rệt.
       Anh Trần Đức Tuấn cho biết thêm: "Thời gian đầu nuôi cá, gia đình tôi đã gặp rất nhiều khó khăn vì mọi thứ quá mởi mẻ, tuy nhiên nhờ được cán bộ Khuyến nông hướng dẫn tận tình và qua một thời gian tích lũy kinh nghiệm nên hiện tại chúng tôi rất thành công với mô hình này. Nhờ nuôi cá theo hướng an toàn sinh học, chất lượng cá đạt tiêu chuẩn nên đơn đặt hàng rất nhiều, thời gian này gia đình tôi thu hoạch cá liên tục để cung cấp cho các nhà hàng thủy sản và các thương lái, nhà buôn trong và ngoài tỉnh”.
Được biết anh nuôi phân bố thả mỗi hồ từ 5.000 – 6.000 con chứ không nuôi tập trung vào một hồ, mỗi lần thả cách nhau một khoảng thời gian nhất định nhờ thế mà gia đình anh có cá thương phẩm để xuất bán quanh năm.
       Theo anh Tuấn, để nuôi hiệu quả, người nuôi phải làm tốt quá trình xử lý môi trường ao nuôi và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, khi cá phát triển, cặn bã thức ăn thải ra nhiều thì thay nước liên tục. Sau mỗi chu kỳ nuôi, người nuôi phải tiến hành phơi đáy, khử trùng bằng vôi bột và xử lý nước để đảm bảo môi trường nước ở lứa cá tiếp theo, tránh mầm bệnh gây hại. Do cá leo là đối tượng tương đối mẫn cảm với thời tiết, do vậy trong những tháng nắng nóng như hiện tại cần chủ động nguồn nước cấp để thay nước khi cần thiết. Trong quá trình nuôi phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá, tránh hiện tượng cá ăn lẫn nhau do cá leo là loại ăn tạp.
       Sau một khoảng thời gian nuôi, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường mà gia đình anh sẽ tiến hành thu hoạch. Anh cho biết trước khi thu hoạch 1-2 ngày cho cá giảm ăn rồi dừng ăn hẳn để tránh gây sốc trong khi thu hoạch, vận chuyển và bảo quản. Có thể thu hoạch cá thịt bằng cách đánh tỉa những con lớn hoặc thu hoạch một lần khi cá đã đạt kích thước tương đối đồng đều. Lứa cá hiện tại của anh sau một thời gian thả nuôi, tỷ lệ nuôi sống ước đạt hơn 70%, trọng lượng bình quân đạt 1.5 – 2kg/con.
        Ngoài nuôi cá gia đình anh còn tăng thêm thu nhập từ việc trồng rừng, trồng cây ăn quả và nuôi thêm gia cầm,buôn bán,...Mô hình nuôi cá leo của anh Trần Ngọc Tuấn đã cho thấy rõ hiệu quả từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Từ đó giúp cho bà con nông dân mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề nuôi cá, góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi cá tại địa phương. Mặt khác tạo nên sự đa dạng về đối tượng nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
       Với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm qua, mô hình của anh là địa chỉ tin cậy để các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã và các xã khác trong huyện đến tham quan học tập. Anh cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản trong và ngoài xã. Bằng sự quyết tâm, nghị lực, cần cù, sáng tạo trong sản xuất, mô hình nuôi cá leo của gia đình anh Tuấn đã được nhiều người đến học hỏi và làm theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, những thành quả gặt hái được sẽ trở thành động lực, niềm tin để họ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Trần Thị Trang - TTKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây