CAM LỘ: HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ LIÊN KẾT TIÊU THỤ SẢN PHẨM

Thứ tư - 29/05/2024 04:40
Sản xuất nông nghiệp những năm qua, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đã làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng và tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt trong sản xuất lúa gạo nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng lúa không ngừng được tăng lên, sản lượng  năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo được an ninh lương thực, đồng thời là nguồn xuất khẩu đáng kể.
CAM LỘ: HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH SẢN XUẤT LÚA HỮU CƠ LIÊN KẾT TIÊU THỤ SẢN PHẨM
      Tuy nhiên hiện nay ở nhiều địa phương việc đầu tư  thâm canh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vẫn chưa cao, chưa đồng đều, đặc biệt là bón phân không cân đối và hợp lý đã làm nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là một trong những phương pháp canh tác tiên tiến và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng do không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất độc hại. Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, bởi những đòi hỏi của thị trường, người tiêu dùng khiến nông dân phải sản xuất ra những sản phẩm chất lượng hơn, và sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương án tối ưu. Việc thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích như duy trì và bảo vệ toàn bộ độ phì nhiêu của đất; ít gây ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng với sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, loại bỏ dần các chất hóa học trong canh tác, tạo ra sản phẩm gạo sạch, chất lượng cho người tiêu dùng, giảm công lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. 
      Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hợp tác cùng Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ Đông Xuân2023-2024”tại HTX Hiếu Bắc, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác hữu cơ đến người dân sản xuất, đồng thời đánh giá hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và lợi ích xã hội của việc sản xuất lúa hữu cơ.
      Qua quá trình triển khai mô hình cho thấy, khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh làm cho đất tơi xốp, có nhiều mùn, cây lúa đẻ nhánh khoẻ, thân cây cứng, bộ rễ ăn sâu, trắng và dài, khả năng chống chịu được các loại sâu bệnh cao nên không cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất vẫn đảm bảo; mặt khác giá bán lúa gạo sản xuất hữu cơ luôn cao hơn giá thị trường nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Cho lợi nhuận 35 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả toàn diện về năng suất, chất lượng lúa, được bà con nông dân hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, để phát triển mạnh chương trình này, trước hết cần tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng để có thể nhân rộng. 
      Bên cạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh được nhiều bà con tin dùng thì mô hình đã sử dụng thêm các chế phẩm sinh học, có nguồn gốc động, thực vật hữu cơ (không có hợp chất vô cơ), thân thiện với môi trường để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Đây là hướng đi phù hợp cho nền nông nghiệp trong tương lai và là vấn đề bà con quan tâm để có thể ứng dụng cho các vụ sản xuất tiếp theo. Việc sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun các chế phẩm sinh học cũng như thuốc thảo mộc đã cho thấy việc ứng dụng các máy móc kỹ thuật cao đã giúp cho người dân giảm sức lao động, vừa đảm bảo sức khỏe vừa từng bước tiến tới cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. 
      Ông Nguyễn Duy Thự – Giám đốc HTX Hiếu Bắc cho hay: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu iêu sản phẩm, sử dụng giống lúa ST25 không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học nên làm giảm ô nhiễm môi trường sinh thái; bảo vệ được sức khoẻ cho người sản xuất và tiêu dùng. Việc ứng dụng quy trình bón phân hữu cơ vào sản xuất lúa gạo hữu cơ là rất thiết thực, đã đạt được những kết quả ban đầu hết sức khả quan. Mặc dù mô hình mới được đưa vào thực hiện tại địa phương, thế nhưng đây có thể coi là một bước ngoặc quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh có tác dụng bổ sung vi lượng và dưỡng chất. Mặt khác, phân hữu cơ vi sinh còn có tác dụng thau chua, rữa phèn cải tạo đất rất tốt. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ hướng đến tiêu chí sản xuất an toàn, quan tâm đến chất lượng sức khỏe con người, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường sinh thái là hướng phát triển an toàn bền vững trong sản xuất, đồng thời cuối vụ, công ty thu mua 100% sản lượng lúa với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm. Để tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người trồng lúa, thiết nghĩ, sản xuất vùng nguyên liệu gạo hữu cơ là chiến lược phát triển bền vững, mở ra hướng đi mới, cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất lúa. Với những ưu điểm đó nên HTX Hiếu Bắc, xã Cam Hiếu chủ trương sẽ khuyến khích, vận động nông dân tiếp tục thực hiện mô hình trong những vụ tiếp theo, góp phần mang lại thu nhập cho bà con nông dân. Ông - Nguyễn Duy Thự - nhấn mạnh;
      Tại buổi hội nghị đầu bờ mô hình tại huyện Cam Lộ, Ông Trần Cẩn – Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông tỉnh đánh giá: Mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm” đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của người nông dân từ chỗ sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc BVTV làm ảnh hưởng đến môi trường sinh tháí đồng ruộng, cây lúa bị nhiễm sậu bệnh nhiều, năng suất thấp, chất lượng giảm…sang sản xuất lúa hữu cơ, sử dụng giống lúa ST25 chất lượng cao, tăng năng suất, bón phân hữu cơ, chế phẩm dinh dưỡng sinh học cân đối và hợp lý theo quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Qua thực tế cho thấy, đây là mô hình có cơ sở lý luận khoa học và có tính thực tiễn thuyết phục cao. Thực tế đã kiểm chứng cho thấy mô hình đem lại hiệu quả cả về kinh tế, môi trường và xã hội . Về kinh tế,Năng suất ruộng mô hình đạt 65 tạ/ha, với phương thức mua bán có sự ký kết thỏa thuận theo hợp đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm, Công Ty cổ phần Tổng công thương Mại Quảng Trị mua thốc tươi tại ruộng với giá 13,000đ/kg nên thu nhập cao hơn hẳn so với cách thức sản xuất lúa truyền thống, thu mua lúa tươi tại dồng ruộng, tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con trong việc chủ động sản xuất vụ Hè Thu 2024 đúng thời vụ.. Về xã hội là đẩy nhanh tiến độ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đặc biệt là sau thu hoạch, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong thu hoạch lúa, tiến tới hợp tác sản xuất hàng hoá cung ứng cho thị trường. Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt được mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch. Đây là hướng sản xuất lúa an toàn, giảm thiểu dùng thuốc hóa học có ý nghĩa tích cực bảo vệ môi trường đất và môi trường tự nhiên nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường xung quanh.
      Ông Trần Cẩn cho biết thêm, Mô hình mang lại niền tin lớn cho nông dân trong việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra hướng sản xuất bền vững, nâng cao chuổi giá trị, tăng thua nhập cho nông dân. Trung Tâm Khuyến nông tiếp tục phối kết hơp với các địa phương nhân rộng mô hình trong thời gian tới, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 có 1.000 ha lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên theo Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đề ra../.
Dương Hồng Phong - Trạm KNCL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây