Vùng đồng bằng mưa thường tập trung từ tháng 9 đến tháng 12 chiếm gần 70% lượng mưa cả năm, gây ngập lụt ảnh hưởng đến sản xuất; Miền núi Hướng Hóa mưa tập trung tháng 5 đến tháng 10, chiếm 85-90% lượng mưa cả năm. Nguồn nước khá dồi dào do có hệ thống sông suối, hồ đập nhiều và phân bố khá đều trên địa bàn như mạng lưới sông Ô Lâu, sông Thạch Hãn, sông Hiếu, Sông Bến Hải… Thổ nhưỡng đa dạng về nhóm đất: đất cát biển, đất phù sa, đất feralit đỏ vàng, đất đỏ bazan… Nhìn chung, tỉnh Quảng Trị là vùng đất có nhiều tiềm năng cho phát triển nông lâm nghiệp và áp dụng canh tác nông lâm kết hợp (NLKH). Trong những năm qua, một số hộ dân đã canh tác theo dạng NLKH, nhưng chủ yếu là những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa đúng với yêu cầu quy hoạch; nhiều mô hình chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng tiểu vùng sinh thái nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Qua khảo sát cho thấy, việc canh tác của nông dân ở vùng gò đồi, trung du huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh các năm qua chưa phù hợp với điều kiện lập địa, chưa mang lại hiệu quả kinh tế bền vững gắn kinh tế và bảo vệ tài nguyên đất đai. Đây là các vùng đất nằm ở vùng chuyển tiếp giữa khu vực đồi cao và đồng bằng, độ dốc sườn dưới 200, độ cao tuyệt đối từ 10 - 200m nên địa hình khá bằng phẳng.Thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất thuộc nhóm đất đỏ vàng thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây cao su, hồ tiêu, cây ăn quả và cây lâm nghiệp như keo lai các loại. Đất phân bố liền dải, rộng, tầng đất dày nên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế hàng hóa, tạo khối lượng nông, lâm sản hàng hóa cho các huyện. Tuy nhiên, các biện pháp sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp truyền thống này làm cho đất cực kỳ nhạy cảm với xói mòn và thoái hóa đất; Biện pháp canh tác nông lâm truyền thống thường là đốt vườn rừng, cày xới đất không bền vững và lạm dụng phân hóa học. Điều này dẫn đến đất canh tác bị giảm khả năng sản xuất do xói mòn, rửa trôi lớp màu mở, kết cấu đất xấu và hàm lượng các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ bị suy giảm, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích mang lại chưa nhiều.
Từ năm 2019 đến nay Trung tâm KN tỉnh đã xây dựng các Mô hình nông lâm kết hợp ở vùng gò đồi trên cơ sở điều kiện đất đai từng lô đất mà bố trí loài cây trồng cho phù hợp với sinh thái; đối với lô đất có địa hình dốc cây lâm nghiệp (Keo lai hom, Lát hoa, Giổi xanh) được trồng bao quanh mô hình và tập trung vào hướng gió hại chính khi mùa mưa bão; cây ăn quả được bố trí trồng tại khu vực có độ dốc thấp của sườn đồi, chia ra các vùng trong lô thiết kế để tạo ra sản phẩm đa dạng, tạo nguồn thu quanh năm; Cây dưa hấu, chè vằng...phủ bạt nylong, trồng xen với cây cam bưởi, nhằm tận dụng không gian dinh dưỡng dưới tán cây ăn quả Cam, Bưởi trong 3 năm đầu và hạn chế xói mòn, cỏ dại, tăng độ che phủ đất; nuôi gà thả vườn nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình, gà khi thả vườn có thể ăn sâu bọ làm giảm sâu hại cho cây trồng.
Thế mạnh của mô hình này có thể phát triển sản xuất hàng hóa, cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế lớn. Trung bình mỗi ha cây cây cam đến 5 tuổi năng suất thu hoạch đạt hơn 6 tấn/ha, với giá bán hiện tại 20.000 - 25.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được hơn 90 triệu đồng/ha, với chu kỳ kinh doanh cây Cam 15 năm, lợi nhuận thu được 150 triệu đồng/ha/năm. Cây Bưởi đến 5 tuổi cây đã cho thu hoạch 100 quả/cây/năm với giá bán 25.000 đồng/kg, với chu kỳ kinh doanh cây Bưởi 15 năm, lợi nhuận thu được 125 triệu đồng/ha/năm.
Việc trồng xen dưa hấu, chè vằng, nuôi gà trước khi rừng khép tán, kết hợp nuôi trồng một số sản phẩm trong vườn nhà là giải pháp tối ưu nhằm tận dụng quĩ đất, tạo thu nhập trong thời kỳ kiến thiết cơ bản chưa có nguồn thu từ cây cây ăn quả, có như vậy người dân mới mạnh dạn đầu tư vào mô hình này. Vườn cây ăn quả có chu kỳ kinh doanh dài, thu hoạch trên 15 năm, cây có tán lá xanh có tác dụng phòng hộ như một số cây trồng khác nhằm bảo vệ đất, bảo vệ môi trường vùng gò đồi.
Mô hình NLKH chi phí giống cây, phân bón trong giai đoạn kiến thiết cơ bản 3 năm đầu không lớn, còn sau khi cây đã lớn chỉ tốn công làm cỏ, phân bón và tưới nước định kỳ, phòng trừ sâu bệnh hại, chi phí đầu tư chỉ tập trung vào năm đầu (kiến thiết cơ bản), giảm dần vào các năm về sau. Riêng lẽ từng loài cây đã khẳng định hiệu quả trên địa bàn tỉnh, như Bưởi da xanh đã thành công tại Vĩnh Thủy đưa lại thu nhập cao từ năm thứ 5 trở đi, Đối với mô hình trồng cây cam tại xã Gio Bình huyện Gio Linh thu nhập bình quân khoảng 200 - 300 triệu đồng /ha từ năm thứ 5, cao hơn so với sản xuất truyền thống; cây Ổi, Dưa hấu, con gà đã khẳng định khả năng thành công trên địa bàn.
Trên cơ sở khẳng định những đối tượng cây trồng, con nuôi đã thành công trên địa bàn, bố trí cơ cấu đa dạng cây trồng con nuôi trong mô hình đưa lại giá trị thu nhập quanh năm cho hộ gia đình. Với cây Cam V2 sẻ cho thu hoạch trong tháng 1 - tháng 2; Cam xã Đoài cho thu hoạch trong tháng 9 - tháng 10; Bưởi cho thu hoạch trong tháng 8 - tháng 9; Ổi cho thu hoạch rãi rác quanh năm; Dưa hấu trồng xen sẻ trồng 2 vụ là: vụ Xuân vào tháng 1, sẻ cho thu hoạch vào tháng 3, vụ Hè Thu trồng tháng 5 cho thu hoạch vào tháng 7; chè vằng trồng xen có thu nhập rãi rác quanh năm; con gà sẻ nuôi được quanh năm. Với việc bố trí đa dạng cây trồng con nuôi sẻ tạo sự gắn bó của hộ dân với vườn của mình quanh năm và đưa lại thu nhập đều quanh năm không bị gián đoạn.
Để khai thác tiềm năng lợi thế vùng gò đồi của tỉnh theo hướng phát triển bền vững thời gian đến cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi sinh trong sản xuất của nông dân, gắn sản xuất với bảo vệ hệ sinh thái tổng hợp theo yêu cầu sinh lý cây trồng và vật nuôi. Rà soát qui hoạch lại các mô hình NLKH của người dân theo hướng bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những diện tích cây trồng không thích hợp sang những cây trồng khác phù hợp và có hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường. Đẩy mạnh tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình trước khi đưa vào sản xuất để trang bị khoa học kỹ thuật trong sản xuất (giống mới, hình thức canh tác mới…), đồng thời xây dựng thương hiệu, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp theo yêu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm của từng mô hình NLKH, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các công ty, tổ chức trong và ngoài nước theo chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Huy động mọi nguồn vốn từ chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, vốn ODA, thuế tài nguyên để bổ sung phát triển rừng thông qua các mô hình NLKH. Khuyến khích đầu tư xây dựng các vùng kinh tế hàng hóa, kết hợp kinh doanh tổng hợp với nhiều hình thức tổ chức đa dạng: kinh tế quốc doanh, tập thể, kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân nhằm huy động mọi nguồn lực về vốn, lao động, máy móc thiết bị,...khai phá những vùng đất mới giàu tiềm năng…
Đặng Thị Mến - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị