ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG

Thứ ba - 03/10/2023 02:44
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong thời đại 4.0 như hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Xác định vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số và tích cực chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, canh tác cho nông dân, chuyển tải kịp thời những chủ trương, đường lối, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhiều mô hình thành công đã được nhân ra diện rộng.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG
         Các mô hình thực hiện chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ cho nông dân trong công tác tổ chức sản xuất mới, giúp nông dân làm giàu chính đáng. Một số mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong các khâu tiêu biểu như: 
           Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình chuyển đổi sản xuất trên chân đất trồng lúa không chủ động nước tưới, năng suất thấp bằng mô hình sản xuất dưa hấu sử dụng bạt phủ nilon đảm bảo vệ sinh ATTP với diện tích 5 ha tại xã Phong Bình, huyện Gio Linh trong vụ Hè Thu 2020 và 7 ha tại xã Vĩnh Giang và xã Hiền Thành huyện Vĩnh Linh trong vụ Hè Thu 2021. Tham gia mô hình các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ giống và vật tư phân bón như: bạt phủ nilong, chế phẩm trichodecma để ủ phân hữu cơ vi sinh, phân bón lá sinh học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, cuối vụ Trung tâm đã hỗ trợ thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mô hình tạo ra sản phẩm dưa hấu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng bằng cách kiển tra tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ dể dàng. Với năng suất đạt 20 tấn/ha, đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí đầu vào kể cả công làm đất, chăm sóc, thu hoạch, mỗi ha lãi khoảng 100 triệu đồng. Đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho bà con nông dân.
         Trong năm 2021 Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ trên nền đệm lót sinh học có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đưa ra thị trường sản phẩm an toàn chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Mô hình được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với 11 hộ tham gia, với tổng 354 con, quy mô nuôi 30 con/MH đối với vùng Miền núi và 42 con/MH đối với vùng Đồng bằng. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ theo quy trình Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ nông dân máy hút chân không, dán nhãn mác, Logo, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp, các cửa hàng nông sản để tiêu thụ. Người tiêu dùng đã dể dàng kiểm tra thông tin về sản phẩm thông qua quét mã QR trên điện thoại thông minh. Nhờ vậy mà tiền lãi thu được từ lợn mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cao hơn 597.000 đồng/con so với không liên kết tiêu thụ sản phẩm và chăn nuôi trên đệm lót sinh học cao hơn nhiều so với nuôi thông thường.
         Các mô hình được dán tem truy suất nguồn gốc góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong hoạt động tiêu thụ nông sản. Cán bộ khuyến nông đã giúp nông dân"số hóa" thông tin sản phẩm của mình một cách đầy đủ, rõ ràng. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR code, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu toàn bộ thông tin của sản phẩm từ cơ sở sản xuất, quá trình sản xuất, chăm sóc, ngày thu hoạch, sơ chế. 
       Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao áp dụng công nghệ số, sử dụng máy bay không người lái phun phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho các cây trồng là bước tiến mới trong hành trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tới gần với người dân. Các mô hình được triển khai thành công không chỉ hỗ trợ người sản xuất hạn chế rủi ro, quản lý tốt sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của ngành nông nghiệp.
         Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực khuyến nông cộng đồng gắn vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững FSC vùng Duyên Hải miền Trung. Đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ cao Hòa Lạc mở 2 lớp tập huấn hướng dẫn, đào tạo mô hình sử dụng máy bay không người lái (UAV) HLD18 phun thuốc BVTV trên cây lúa cho các thành viên 2 tổ khuyến nông cộng đồng. Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia cũng đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp huấn luyện điều khiển máy bay và bàn giao 10 máy bay không người lái HLD 18 cho tổ Khuyến nông cộng đồng tỉnh Quảng Trị. Các tổ khuyến nông cộng đồng sau khi thành lập đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý nhằm mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, làm công tác chuyển đổi số và các công tác xã hội khác.
        Nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác lúa hữu cơ đến người dân sản xuất, nâng cao giá trị hạt lúa, tạo đầu ra ổn định cho nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế lợi nhuận tối ưu, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng lợi ích xã hội. Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm” trên diện tích 17,5 ha tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng trong vụ Đông Xuân 2021-2022 và trên diện tích 14 ha tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh trong vụ Đông Xuân 2022-2023. Trong quá trình triển khai đã sử dụng máy bay drone không người lái để phun chế phẩm thảo mộc như gừng, ớt, tỏi, thuốc lá đã giúp hệ sinh thái đồng ruộng được duy trì, sản phẩm lúa không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng máy bay không người lái đã hạn chế đi lại trên ruộng, giảm sức lao động, lượng chế phẩm phun đồng đều hơn, tập trung hơn. Năng suất lúa tươi đạt 65 tạ/ha, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá 12.000 đ/kg, đã cho nông dân nguồn thu nhập 78 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 31 triệu đồng/ha.
        Nắm bắt xu thế chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông đã có những tiếp cận phù hợp như: ứng dụng chữ ký số trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Trang Nông nghiệp phát ở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và Trang Website của Trung tâm luôn phản ánh nhanh, kịp thời, đầy đủ, hiệu quả về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phổ biến quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao; mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động Khuyến nông đến đông đảo bà con nông dân, lãnh đạo các cấp, ngành để kịp thời tiếp cận ứng dụng vào thực tiễn chỉ đạo và sản xuất tại địa phương. 
         Đặc biệt từ năm 2019 đến năm 2022 trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, khi mà các hoạt động di chuyển đình trệ, hạn chế tập trung đông người, giãn cách xã hội, nhưng các hoạt động như kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, hội thảo vẫn được Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom, bên cạnh đó Trung tâm đã cho thành lập các nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như: nhóm “Chi bộ”, nhóm “Lãnh đạo các phòng, trạm”, nhóm “BCH Công Đoàn” nhóm riêng của các phòng nhằm kết nối, trao đổi nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm, gửi văn bản, hình ảnh, làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời.
          Để nâng cao trình độ và hiểu biết về chuyển đổi số, kinh tế số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh và lĩnh vực khuyến nông. Trung tâm đã phối hợp cùng Trường Đại học Nông lâm Huế mở các lớp tập huấn về chuyển đổi số trong nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên trang thương mại điện tử cho đội ngủ cán bộ khuyến nông.
       Về kết nối tiêu thụ nông sản, đội ngủ cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn cho các HTX, nông dân đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, liên kết với chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông kết nối. Đưa lên sàn giao dịch điện tử để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo vệ thương hiệu, chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho nông dân.
         Ngoài ra Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như: Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn, ba giai đoạn bằng công nghệ Biofloc; mô hình trồng cam theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel… Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân mà quan trọng hơn còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người dân địa phương trong công tác tổ chức sản xuất mới. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch với những giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.   
          Trao đổi với chúng tôi Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị ông Trần Cẩn cho biết: Chuyển mình cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã và đang phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Mỗi cán bộ Khuyến nông đã chủ động nắm bắt công nghệ, đổi mới cách làm phù hợp với tình hình để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ công nghệ 4.0. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện song hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp mà trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị thực hiện đã gặt hái được những kết quả bước đầu quan trọng, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từng bước thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu liên kết chuỗi giá trị, sang các mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ đem lại những hiệu quả rất rõ nét.
        Ông Trần Cẩn cho biết thêm trong thời gian tới đội ngũ cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Chúng tôi chú trọng xây dựng các mô hình có tổ chức liên kết sản xuất để tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho người nông dân và sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ để cho ra các sản phẩm sạch an toàn dịch bệnh, đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Quảng Trị đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đó cũng chính là cơ hội để mỗi cán bộ làm công tác Khuyến nông có thêm sự trải nghiệm mới mẻ, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển chiến lược chuyển đổi số của tỉnh Quảng Trị nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Phan Việt Toàn - Trung tâm KN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây