NÔNG NGHIỆP QUẢNG TRỊ ĐẨY MẠNH TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI TRONG SẢN XUẤT

Thứ năm - 05/10/2023 04:35
Việt Nam nằm trong nhóm 6 quốc gia phát thải lớn nhất tại ASEAN. Thực tế, nước ta đã quan tâm tới chính sách giảm phát thải từ khá sớm cùng nhiều biện pháp hành động quyết liệt, với việc ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25.9.2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, định hướng đến năm 2030 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 – 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 – 30% so với phương án phát triển bình thường.
NÔNG NGHIỆP QUẢNG TRỊ ĐẨY MẠNH TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI TRONG SẢN XUẤT
        Đặc biệt, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Và Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Chính phủ đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…
         Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, vấn đề sản xuất gắn với giảm phát thải đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các Tổ chức, các Sở, Ngành, địa phương. Điển hình như Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động nghiên cứu, đánh giá về kiểm kê khí nhà kính, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện Chương trình 1 tỷ cây xanh, Chương trình Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ… Bên cạnh đó, với mục tiêu thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường… tỉnh đang hoàn thiện để triển khai dự án “Thành phố xanh, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị”.
        Trong sản xuất Nông nghiệp, thời gian vừa qua bên cạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền Ngành Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai nhiều chính sách, dự án, hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với giảm phát thải như các dự án chuỗi sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học, canh tác tự nhiên, các Đề án về quản lý dịch bệnh tổng hợp (ICM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)… Ngành đã phối hợp với các Tổ chức (WWF, MCNV, World Vision, GIZ…) về thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, phát triển kinh tế không gây mất rừng, các mô hình nông lâm kết hợp, các mô hình trồng rừng gắn với chứng chỉ FSC…đang từng bước được triển khai và hướng tới mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ trong thời gian tới. 
         Định hướng đến 2030 với mục tiêu tái cơ cấu Ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên… Từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,5 - 3%/năm; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 49%, diện tích trồng rừng hàng năm đạt trên 7.000 ha, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 22.000 ha; Tỷ lệ phân bón hữu cơ được sử dụng trong tổng sản phẩm phân bón được tiêu thụ trên địa bàn đạt trên 10%; Chuyển đổi 800 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 5% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh; Có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
        Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện, cụ thể:
       Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, nông thôn;
        Thứ hai, hỗ trợ xây dựng, hình thành thói quen tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững trong nông nghiệp;
        Thứ ba, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở về quản trị, điều hành trong nền kinh tế xanh, ngành sản xuất xanh;
         Thứ tư, rà soát, sửa đổi, ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu;
        Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng đồng bộ các giải pháp, các tiến bộ Khoa học công nghệ về sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững;
Thứ sáu, huy động sự tham gia của các bên liên quan; lồng ghép các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đầu tư, mở rộng và phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững, đảm bảo hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường;
Cuối cùng, chú trọng xây dựng nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững, tăng tốc độ các xã đạt chuẩn nông thôn mới; rà soát và hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường nông thôn; xây dựng làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu.
 
image 20231005153840 1
Ký kết hợp tác sản xuất cà phê nông lâm giữa Công ty Slow coffee và các HTX
tại Hướng Hóa, Quảng Trị
Nguyễn Ngọc Thạch – Sở Nông nghiệp & PTNT - Phòng KHTC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây