KHUYẾN NÔNG VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, ỨNG DỤNG VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Thứ năm - 21/09/2023 04:23
Hệ thống khuyến nông Quảng Trị 30 năm hình thành, phát triển ngày càng được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
KHUYẾN NÔNG VỚI CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, ỨNG DỤNG VÀO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
        Công tác khuyến nông giúp cho các địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN), sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả… góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
        Xác định được vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong công tác nghiên cứu KHCN có ý nghĩa quyết định đến kết quả tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông, nhất là trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các chương trình/ mô hình/ dự án sản xuất nông nghiệp cho người dân. Nhiều năm qua, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN luôn được lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Quảng Trị quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đã nhìn nhận, khẳng định là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định đến sự thành công của các hoạt động/ công tác khuyến nông trên địa bàn. Qua đó tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, tạo được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.
Cụ thể, trong thời gian qua có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới được cán bộ khuyến nông trực tiếp làm chủ trì, chủ nhiệm trong công tác nghiên cứu, theo dõi, hướng dẫn và triển khai thực hiện, kết quả thực tiễn được nông dân ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Điễn hình như: Đề tài “Điều tra tầm vóc và khả năng sinh sản của đàn bò nái lai F1 (Vàng VN x Redsinhi; Vàng VN x Brahmand) tại Quảng Trị”; Đề tài “nghiên cứu đánh giá các vườn cà phê và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để cải tạo vườn cà phê già cổi trên địa bàn huyện Hướng Hóa”; Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí nghiệm một số giống cà phê chè có triển vọng trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị”; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”..v.v. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, như: Sáng kiến “Cải tiến lưới rê bùng nhùng thành lưới rê hỗn hợp cho phép khai khác cá thu, ngừ ở các tầng nước khác nhau”; sáng kiến “Nghiên cứu chế tạo máy hút bùn, cào bùn phục vụ nạo vét ao hồ nuôi thủy sản”; Sáng kiến “Sản xuất nước mắm bằng phương pháp phơi kín dành cho cơ sở vừa và nhỏ”; Sáng kiến “Nuôi tôm kết hợp với cua và cá trong ao tại vùng nuôi tôm ven sông”...
Kết quả các đề tài, sáng kiến được Hội đồng Khoa học đánh giá cao về kết quả thực tiển và được đông đảo nông dân quan tâm, ứng dụng vào sản xuất, như đối với đàn bò lai, từ chổ tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 20% (tại thời điểm nghiên cứu) nay người dân đã yên tâm nhìn nhận, khẳng định chất lượng, tầm vóc, giá trị và hiệu quả của con bò lai nên đã ứng dụng vào sản xuất chăn nuôi rộng rãi và đưa tỷ lệ đàn bò lai toàn tỉnh lên trên 70%. Đối với vườn cà phê (theo thống kê đến nay đã có hơn 60% vườn cà phê áp dụng phương pháp cưa đốn trẻ hóa để kinh doanh chu kỳ 2 của vòng đời cây cà phê theo kết quả khuyến cáo của đề tài đã nghiên cứu). Đối với giống cà phê, từ kết quả đề tài đã chọn được một số giống cà phê mới (giống THA1, TN7, TN9) có triển vọng để dần thay thế giống Catimor đã thoái hóa, năng suất thấp và hiện nay giống THA1 đã được Sở Nông nghiệp và PTNT đưa vào cơ cấu bộ giống cà phê chè để sản xuất đại trà và được cơ quan chuyên môn huyện Hướng Hóa khuyến cáo người dân ứng dụng vào sản xuất ở hầu hết các vùng (xã) trồng cà phê trọng điểm của huyện. Đối với nuôi tôm, kết quả đề tài là tiền đề, là cơ sở để khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình nuôi khép kín, áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong nuôi tôm, ứng dụng các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc; nuôi tôm thương phẩm theo hình thức thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm theo hướng VietGAP,... để nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững... Mặt khác, ứng dụng các giải pháp sáng kiến kỹ thuật vào sản xuất, nông dân đã cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, giảm được sức lực, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo được công ăn việc làm cho gia đình, xã hội.
Phát huy những kết quả nghiên cứu KHCN và sáng kiến kỹ thuật trong thời gian qua. Năm nay (năm 2023) Trung tâm khuyến nông tiếp tục đầu tư nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối Tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng TrịĐề tài Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thâm canh cá chim vây vàng theo hướng VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm  và tiếp tục tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ X với 04 sáng kiến về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đang được các cá nhân và tập thể cán bộ Trung tâm khuyến nông tiếp tục nghiên cứu, thực hiện. Hy vọng thời gian tới kết quả của các đề tài, sáng kiến sẽ tạo ra bước tiến mới trong việc ứng dụng KHCN mới vào sản xuất, kinh doanh cho nông dân; tạo ra các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng sinh thái và người dân, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn, kết nối tiêu thụ ổn định và môi trường sản xuất bền vững...
Song song với việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật thì phương thức chuyển giao KHCN đến người nông dân được áp dụng đó là xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng KHCN tiến bộ để nhân rộng, phổ biến cho người dân học hỏi, làm theo; đây cũng là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ thí nghiệm đến đồng ruộng/ ao chuồngTừ khi thành lập đơn vị (năm 1993) đến nay, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng hàng ngàn mô hình trình diễn các giống cây trồngcon nuôi mới, các giải pháp canh tác tiên tiến, các phương thức sản xuất hợp lý nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả và bền vững như phương pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” công nghệ sạ hàng, làm đất tối thiểu, làm giàn, phủ bạt, mạ khay, máy cấy, gặt đập liên hợp, phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái…; chăn nuôi trên đệm lót sinh học, kiểu chuồng khép kín, tự động cấp thoát nước và điều khiển nhiệt độ, không khí; bán tự động trong vệ sinh phòng dịch; cải tạo, Sind hóa đàn bò theo hướng chuyên thịt, lai tạo đàn bò 3B nâng cao tầm vóc, tăng năng suất đàn bò thịt lai tạo so với các giống lai trước đây...; nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc, nuôi cá lồng/ bè trên sông; cải hoán, nâng cấp tàu khai thác xa bờ, cải tiến ngư lưới cụ, công cụ khai thác và trang bị máy thông tin liên lạc hiện đại để định vị tàu thuyền. Tiếp thu, ứng dụng công nghệ vườn ươm giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng; xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, canh tác theo hướng hữu cơ, hữu cơ, tuần hoàn.... Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ Biogas, công nghệ vi sinh vật hữu hiệu (EM) và một số chế phẩm vi sinh khác để xử lý môi trường chăn nuôi, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt... góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông qua những kết quả của các mô hình nói trên, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã đóng góp quan trọng cho việc đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Ðồng thời nâng cao nhận thức cho người nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ trong sản xuất và kinh doanh các loại cây, con mới, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn, việc chuyển giao KHCN, TBKT mới đến người dân còn thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền như xuất bản bản tin, đào tạo huấn luyện, hội nghị hội thảo, diễn đàn chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Viễn thông tỉnh... để thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền cho nông dân, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để cung cấp cho nông dân những thông tin về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân nắm bắt kịp thời, chủ động trong sản xuất nông nghiệp, ứng phó với các diễn biến bất thuận của thời tiết, khí hậu đối với cây lúa, cây màu, chăn nuôi, thủy hải sản. Xây dựng các chương trình khoa giáo hướng dẫn kỹ thuật trong chuyên mục Trang nông nghiệp, Bạn nhà nông, nhà nông đua tài, cùng nông dân bàn cách làm ăn,...với thời lượng phù hợp đảm bảo sự chỉ đạo kịp thời và chủ động của Ngành đối với sản xuất nông nghiệp tới bà con nông dân một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Có thể nói, kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kỹ thuật và chuyển giao công nghệ đến với người nông dân trong thời gian qua của Trung tâm khuyến nông Quảng Trị đã có tác động tốt đến nhận thức của nông dân ở các địa phương, là cơ sở giúp người làm nông nghiệp xác định được mùa vụ, cơ cấy giống cây, con đưa vào sản xuất cũng như áp dụng được các quy trình kỹ thuật chặt chẽ theo hướng đầu tư thâm canh bền vững, xóa bỏ dần tập quán canh tác cũ trước đây để áp dụng các giải pháp, quy trình KHCN mới vào sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn về mọi mặt.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết quả hoạt động nghiên cứu KHCN còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống vẫn còn ít, quy mô nhỏ, nhiều đề tài, sáng kiến kỹ thuật tiến độ nghiên cứu chậm, khả năng ứng dụng nhân rộng chưa cao. Chưa hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, chưa đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến được các sản phẩm đặc sản đặc thù của địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ nông thôn mới; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn; khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, gắn với xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm; nghiên cứu chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông để ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng rộng rãi và đi vào chiều sâu. Quan tâm, đào tạo nâng cao kiến thức và khả năng tiếp nhận kết quả tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
image 20230921153135 1
 
 
Đề tài khoa học cấp tỉnh nghiên cứu giống cà phê mới ở huyện Hướng Hóa
NGUYỄN THANH TÙNG
Trung tâm KNQT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây