Năm nay được đánh giá là năm có nhiều khó khăn với hoạt động xuất nhập khẩu do kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam có nguy cơ bị thu hẹp. Theo Bộ Công Thương, tận dụng thị trường mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Canada là thị trường xuất khẩu rất quan trọng với Việt Nam, nhất là khi hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình) có hiệu lực. Khoảng một nửa các sản phẩm công nghiệp nội địa của Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này, qua đó giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiện nay, thị trường này càng quan trọng hơn, bởi Canada được đánh giá là nước phục hồi khả quan sau dịch bệnh và có tăng trưởng kinh tế cao trong khối G7. Nhiều giải pháp cần được triển khai để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam phải kể đến là Trung Quốc đang dần nới lỏng các chính sách xuất nhập khẩu sau những tín hiệu khả quan về kiểm soát dịch COVID-19. Các cửa khẩu phía Bắc đã mở cửa trở lại từ 8/1. Chỉ riêng tháng đầu tiên của năm nay, ngành rau quả đã đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, tăng hơn 3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay trong những ngày làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động xuất nhập khẩu đã sôi động tại hầu hết các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới.
Tân Thanh - một trong những cửa khẩu có lưu lượng hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất cả nước. Những xe chở thanh Long, dưa hấu, xoài, mít, tinh bột sắn..., luôn được ưu tiên hỗ trợ thông quan bất kể thời gian nào. Trung bình mỗi ngày cửa khẩu này thông quan khoảng gần 200 xe nông sản. Còn tại các cửa khẩu khác như: Cốc Nam, cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Chi Ma và cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, hoạt động xuất nhập khẩu cũng không kém phần nhộn nhịp. Trong tháng 1, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022 với gần 170.000 tấn nông sản.
Năm 2022, những khó khăn, biến động toàn cầu của các thị trường đã cho chúng ta những bài học về tận dụng cơ hội từ mọi thị trường cả truyền thống và mới, tiềm năng, cùng phản ứng chính sách nhanh, thích ứng từng thời điểm, từng thị trường. Nhờ vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đã cán đích ngoạn mục và kỷ lục với hơn 730 tỷ USD.
Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng với những thách thức mới. Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, các ngành hàng nông sản tươi sống của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa biên giới, gỡ bỏ chính sách "Zero COVID-19". Trong đó, xuất khẩu những mặt hàng giá trị cao như cua, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ đã khôi phục mạnh ngay sau khi Trung Quốc mở cửa giao thương trở lại.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Trung Quốc không còn "dễ tính", các tiêu chuẩn ngày càng khó hơn, nhất là có những quy định, điều chỉnh rất bất ngờ đối với thủy sản nhập khẩu. Do đó, bên cạnh việc tận dụng lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu cao… thì để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, DN Việt Nam cần thay đổi cách làm. Cần xây dựng chiến lược chi tiết tới từng phân khúc khách hàng theo từng vùng miền, địa phương nhằm tăng tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với xuất khẩu gạo, sau kỳ nghỉ Tết, giá gạo xuất khẩu tăng bình quân khoảng 10 USD/tấn, cụ thể gạo 5% tấm đang ở khoảng 470 USD/tấn, tăng 10 - 12 USD/tấn so với trước đó. Trước diễn biến của thị trường gạo xuất khẩu và nguồn cung lúa gạo, các DN có xu hướng xuất khẩu thận trọng nhằm linh hoạt ứng phó, hạn chế rủi ro mất lợi nhuận do giá lúa gạo trong nước tăng trong khi giá xuất khẩu đã chốt từ trước, không thể điều chỉnh theo giá thu mua.
Đối với mặt hàng rau màu thì việc châu Âu gỡ bỏ quy định kiểm soát 50% với 4 loại gia vị của Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này. Theo đại diện của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật SPS Việt Nam, 4 sản phẩm: mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu sẽ không còn áp dụng các biện pháp kiểm soát chính và khẩn cấp. Đây là thành quả đạt được sau 6 tháng tích cực đàm phán, cam kết đảm bảo chất lượng từ phía doanh nghiệp và cơ quản quản lý của Việt Nam.
Ngoài ra, việc nới lỏng kiểm soát từ phía châu Âu còn giúp các sản phẩm rau gia vị của Việt Nam cạnh tranh hơn tại thị trường này. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 200 triệu USD rau quả vào thị trường châu Âu, tuy nhiên tỷ trọng rau gia vị chỉ chiếm khoảng 1%. Việc châu Âu gỡ bỏ kiểm soát 50% với 4 loại rau gia vị được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị, trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc. Mã vùng trồng, ao nuôi, cơ sở chế biến, đóng gói phải được xác nhận. Liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng. Quy trình Global GAP, VietGAP triển khai chặt chẽ từ con giống, cây giống. Mở rộng quan hệ thương mại song phương, hướng tới xuất khẩu chính ngạch, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Làm được điều này, nông sản Việt mới có cơ hội giữ vững chỗ đứng và thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu cũng như ngay trên sân nhà./.
Nguyễn Thị Thu Hiền - TTKN