TỔ KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG, BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG

Thứ ba - 17/01/2023 03:50
Tổ khuyến nông cộng đồng - bước đột phá trong công tác khuyến nông.Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp - Nhà nước - nhà khoa học và nông dân trong vấn đề nâng cao giá trị và tiêu thụ nông sản.
TỔ KHUYẾN NÔNG CỘNG ĐỒNG, BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG
Vượt ra khỏi phạm vi đề án
        Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKN QG), trong bối cảnh hiện nay, sản xuất nông nghiệp vừa tạo ra những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Công tác khuyến nông vì thế trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp.
Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng quy định, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng động hoạt động hiệu quả.
           Trước tình hình đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT thực hiện đề án phát triển 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp. Đề án sẽ thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm: Vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc (Hòa Bình, Sơn La); vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).
Nhằm kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác khuyến nông các cấp, ngày 25/3/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
          Mục tiêu đề án là xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng đáp ứng yêu cầu vùng nguyên liệu đạt chuẩn ở 13 tỉnh thành trên cả nước, phát triển nhân rộng. Đây là một trong những bước đi nhằm nâng cao năng lực cho hoạt động khuyến nông, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các HTX nông nghiệp, chuyển giao công nghệ khuyến nông…
Thực hiện đề án này, cuối tháng 9/2022, Quảng Trị đã thành lập thí điểm Tổ Khuyến nông cộng đồng cụm Hải Lăng – Triệu Phong và Tổ Khuyến nông cộng đồng cụm Vĩnh Linh – Gio Linh – Cam Lộ. Ngày 4/10/2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã công nhận 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thành.
         Ông Trần Cẩn, Giám đốc TTKN Quảng Trị cho biết, lực lượng nòng cốt của 2 tổ khuyến nông cộng đồng tại Quảng Trị là cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, cơ sở và cán bộ đoàn thể, lãnh đạo các địa phương. Các tổ khuyến nông cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Tổ khuyến nông cộng đồng là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông – nông dân – doanh nghiệp và nhà quản lý nhằm mục tiêu nâng cao giá trị nông sản. Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu Sở NN&PTNT thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã” – ông Cẩn cho hay.
        Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKN QG cho rằng, tổ khuyến nông cộng đồng đã vượt ra khỏi phạm vi đề án và đạt kết quả ngoài mong đợi. Minh chứng cho điều này là tại Hải Phòng, tổ khuyến nông cộng đồng đã có mặt ở tất cả các xã.
“Bộ NN&PTNT xây dựng và thực hiện đề án thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng ở 13 tỉnh. Hiện nay, Hải Phòng đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng ở tất cả các xã. Tổ khuyến nông cộng đồng đã vượt ra ngoài phạm vi đề án vì nó có tính thời sự và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng doanh nghiệp và nông dân” – ông Thanh nhấn mạnh.
Không “hành chính hóa” hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng
         Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho rằng, 2 tổ khuyến nông cộng đồng mới thành lập tại Quảng Trị sẽ có những đóng góp và vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giúp địa phương sớm trở thành trung tâm gỗ nguyên liệu rừng trồng tại duyên hải miền Trung. Kết quả trong hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng là cơ sở để ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị tham mưu, đề xuất triển khai mô hình tổ khuyến nông cộng đồng xuống tận các xã.
          “Kết quả đánh giá công tác triển khai thực hiện mô hình khuyến nông cộng đồng là cơ sở quan trọng để đề xuất mô hình hoạt động có hiệu quả nhất đối với các tổ khuyến nông cộng đồng tại 101 xã của tỉnh Quảng Trị” – ông Quốc nhấn mạnh.
         Nhiệm vụ của các tổ khuyến nông cộng đồng tại Quảng Trị là hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, HTX về công tác khuyến nông; hỗ trợ, tư vấn phát triển HTX; hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị; tư vấn, hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử, hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.
Mỗi tổ khuyến nông cộng đồng có tối thiểu 5 người gồm các chuyên ngành khác nhau tùy thuộc vào điều kiện sản xuất thực tế của từng địa phương. Trong đó, cán bộ khuyến nông cấp tỉnh giữ vai trò hỗ trợ, kết nối điều phối các hoạt động chung. Ngoài ra còn có cán bộ khuyến nông cấp huyện; cán bộ xã, HTX, cán bộ doanh nghiệp trên địa bàn.
       Các tổ khuyến nông cộng đồng chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của TTKN tỉnh.
Các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng được hưởng lương, phụ cấp, chế độ theo chính sách khuyến nông của địa phương; được UBND xã bố trí địa điểm làm việc; được cung cấp các trang thiết bị làm việc theo quy định của Dự án; được trang bị và nâng cao kiến thức về hợp tác xã, kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về thị trường, marketing sản phẩm; được thực hiện các hoạt động dịch vụ để duy trì hoạt động khuyến nông cơ sở và hưởng trợ cấp từ nguồn thu từ hoạt động tư vấn, dịch vụ của tổ.
        Giám đốc TTKN Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, nếu “hành chính hóa” hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng thì mục tiêu ban đầu sẽ không đạt được.
Theo ông Thanh, cần phải phải linh hoạt, không “hình mẫu” hóa hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng. Công tác khuyến nông cần từng bước xã hội hóa, tuyển chọn những người thực sự tâm huyết. Các địa phương và ngành khuyến nông phải kêu gọi được nguồn lực của xã hội chung tay trong hoạt động khuyến nông nói chung và các tổ khuyến nông cộng đồng nói riêng.
         “Mỗi địa phương sẽ có đặc thù khác nhau trong hoạt động khuyến nông nên sẽ không có hình mẫu nào cho các tổ khuyến nông cộng đồng. Tổ khuyến nông cộng đồng là một trong những yếu tố để hoàn thiện hệ thống khuyến nông hiện nay. Phải làm sao để các khuyến nông viên sống được bằng nghề; nhà nước và doanh nghiệp cùng chung sức “trả lương” để họ đảm bảo cuộc sống” - ông Thanh chia sẻ.
Nhiều quan điểm cho rằng, ở cấp xã, các thành viên đa phần là bán chuyên trách, hưởng phụ cấp. Vì vậy, để họ tâm huyết và đảm bảo cuộc sống thì Nhà nước cần có thêm cơ chế hỗ trợ.
         Đáp lại quan điểm này, Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh cho rằng, việc thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng không vì mục đích đào tạo họ trở thành người thợ, việc gì cũng có thể xắn tay làm. Điều mà dự án xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng hướng tới là đào tạo để họ trở thành những người có thể kết nối với các chuyên gia trong từng lĩnh vực, kết nối nông dân với các đơn vị tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng đóng vai trò của người có đầu óc tổ chức. Thông qua hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp phải cân đối hài hòa lợi ích để góp phần cùng nâng cao thu nhập và đời sống cho các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng.
         “Nếu hành chính hóa hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng thì sẽ thất bại. Nghĩa là, các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Lợi ích được nhận chính là giá trị do họ tạo ra.” – ông Thanh nhấn mạnh.
image 20230117155141 1
 
image 20230117155141 2
 
Lãnh đạo Trung tâm KNQG và TTKN Quảng Trị thăm mô hình trồng rừng gỗ lớn và nhà máy chế biến sản phẩm ở huyện Cam Lộ. Ảnh: Võ Dũng.
Võ Văn Dũng - Báo Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây