KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THỦY SẢN VIỆT NAM (1/4/1959 - 1/4/2024): HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG

Thứ năm - 04/04/2024 23:22
Cách đây 65 năm, ngày 1/4/1959, Bác Hồ về thăm các làng cá trên đảo Cô Tô, Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (TP. Hải Phòng). Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ghi nhớ lời dạy của Người, trong những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh nhà đã không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển, quy mô sản xuất tăng mạnh cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH  THỦY SẢN VIỆT NAM (1/4/1959 - 1/4/2024):  HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG
       Tỉnh Quảng Trị là tỉnh duyên hải Miền Trung, nằm ngay trước cửa ngõ Vịnh Bắc bộ, có chiều dài bờ biển gần 75 km, trải dài trên các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền (Mũi Lay) 13 hải lý với diện tích tự nhiên khoảng 2,3 km2, vùng biển xung quanh đảo là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây không chỉ là ngư trường quan trọng đối với hoạt động khai thác hải sản, mà còn là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với diện tích rộng gần 8.400 km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm, ngư trường Quảng Trị được đánh giá là nơi tập trung nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, thuận lợi cho khai thác, đánh bắt thủy, hải sản… Với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô quý hiếm, đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Có 2 cửa biển Cửa Tùng và Cửa Việt là 2 trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, là nơi giao thương, mua bán sản phẩm từ khai thác biển. Hàng năm, có hàng ngàn lượt tàu cá trong và ngoài tỉnh tập trung khai thác ở ngư trường Quảng Trị và cập các cảng cá trên địa bàn tỉnh để bán sản phẩm hải sản khai thác. Toàn tỉnh có 5 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển, có trên 8.000 lao động ngư nghiệp nhiều kinh nghiệm, diện tích vùng triều cửa sông và vùng cát ven biển hơn 3.500 ha, rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ, nhất là nuôi tôm có giá trị kinh tế cao.
       Xác định tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án, chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số    36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình phát triển thủy sản của Đảng và Nhà nước, nhất là thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành Thủy sản của tỉnh Quảng Trị đã từng bước cơ cấu toàn diện các lĩnh vực của ngành, đạt nhiều kết quả nổi bật. Với các chính sách hỗ trợ phát triển ngành Thủy sản của Trung ương, thông qua Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ và Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính Phủ đã giúp ngư dân có điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền, thúc đẩy năng lực tàu thuyền phát triển trong thời gian qua. Đến nay, toàn tỉnh có 2.286 tàu cá, với tổng công suất 140.104,6cv, trong đó: tàu cá có chiều dài dưới 6m: 1.840 chiếc, tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên: 446 chiếc;  có 180 tàu tham gia khai thác và làm dịch vụ trên các vùng biển xa, phần lớn tàu cá đều trang bị thiết bị hiện đại. Công tác tổ chức sản xuất trong khai khác thủy sản trên biển theo hình thức tổ đội được quan tâm, đến nay đã kiện toàn và duy trì 111 tổ đội khai thác trên biển đã hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khai thác thủy sản trên biển như: cứu hộ, cứu nạn, xử lý các sự cố trên biển, hỗ trợ dò tìm ngư trường... có hiệu quả.
       Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời trong thời gian qua tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ và cách làm từ đánh bắt gần bờ sang đầu tư phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn tới những ngư trường ở vùng biển xa; qua đó, nâng cao giá trị hải sản và thu nhập cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thời gian qua, lĩnh vực khai thác thủy sản đã áp dụng các công nghệ mới trong khai thác thủy sản như: áp dụng lưới rê hỗn hợp, lưới vây, chụp mực.. áp dụng các thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất và các thiết bị điện tử hàng hải trong khai thác thủy sản, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Nhờ các chính sách đã thúc đẩy và áp dụng hiệu quả quy trình công nghệ nên sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 27.000 tấn hải sản các loại, năm 2023 sản lượng thủy sản khai thác đạt 27.634 tấn đạt vượt 101,4% so với kế hoạch. Trong 02 tháng đầu năm 2024, tình hình thời tiết thuận lợi nên sản lượng khai thác đạt trên 3.763 tấn, bằng 170% so với cùng kỳ năm trước; giá bán tương đối cao, đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân và cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Song song với hoạt động khai thác thủy sản, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục được tăng cường. Trong thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên nắm bắt tình hình khai thác thủy sản, kịp thời thông tin ngư trường đến ngư dân nắm bắt và chuyển thuyền nghề khai thác hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các cấp, các ngành, địa phương ven biển đã nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp, góp phần chung tay tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Đến nay, cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 97,5%, đánh dấu tàu cá đạt 99,1%, cập nhật dữ liệu trên trường VnFishbase đạt 100%, 100% tàu cá thông báo trước 01 giờ cho Ban quản lý cảng cá trước khi cập và rời cảng cá, 100% tàu cá khi cập cảng cá ghi, nộp đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng được thực hiện nghiêm túc; tổ chức theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển chặt chẽ, nhờ đó toàn tỉnh Quảng Trị không có tàu cá hoạt động khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
       Đối với công tác quản lý cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngư lưới cụ và cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển; chế biến thủy sản đang còn thô sơ, sản phẩm sau khai thác chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, giá trị thấp. Đến nay, đã hình thành hai trung tâm nghề cá lớn của tỉnh là Cửa Việt và Cửa Tùng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Đã có hai cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, nhiều cơ sở chế biến, nhà máy thủy sản đông lạnh, Surumi và bột cá được đầu tư hiện đại tại Cửa Tùng và Cửa Việt với công suất hàng chục ngàn tấn/năm, góp phần thu mua, tiêu thụ sản phẩm khai thác của bà con ngư dân. Nhiều sản phẩm chế biến được xuất khẩu ra thị trường các nước Trung Quốc, Lào và thị trường Pháp. 
       Hiện nay, nuôi trồng thuỷ sản đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và bền vững; nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học được triển khai, nhân rộng và mang lại hiệu quả. Diện tích nuôi cá nước ngọt ở sông, ao hồ tự nhiên, ao hồ đào tiếp tục được mở rộng. Đã hình thành một số vùng nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh ven bờ sông Bến Hải, sông Hiếu và vùng cát ở các huyện ven biển. Người nuôi đã từng bước chú trọng đầu tư về giống, tuân thủ quy trình kỹ thuật, thời vụ, mở rộng nhiều hình thức nuôi; phát triển diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh, giảm diện tích nuôi quảng canh, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả. Phát triển nhanh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên vùng cát, công nghệ nuôi lồng bè trên sông với các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi đang được hình thành, hướng đến sản xuất tôm theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm, giảm thiểu rủi ro về thị trường, giá cả và tăng hiệu quả sản xuất.
       Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 3.393,63 ha bằng 94,32% so với cùng kỳ năm trước và đạt 92.27% so với kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng thủy đạt 7.441,52 tấn bằng 82,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 72,5% so với kế hoạch. Trong 02 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 964 tấn, tăng 104% so với năm 2023. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 107 ha nuôi công nghệ cao, trong đó: 50 ha của Công ty TNHH thủy sản công nghệ cao Việt Nam - chi nhánh 1 tại Quảng Trị, đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng và cá nước mặn, lợ; 57 ha còn lại do các cơ sở nuôi tôm đầu tư nuôi trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà.
       Trước bối cảnh chung trong năm 2024, cũng như trong thời gian tới với mục tiêu chung phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình hành động số 21-CTHĐ/TU ngày 13/8/2021 của Tỉnh ủy, năm 2024, xác định chỉ tiêu sản lượng thủy sản đạt 36.750 tấn.
       Để phấn đấu đạt được mục tiêu về sản lượng thủy sản trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án, giải pháp trọng tâm, như sau:
- Đối với khai thác thủy sản: (i) Tập trung khai các nhiệm vụ, giải pháp của các kế hoạch phát triển thủy sản, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác thủy sản, khai thác các bản tin dự báo ngư trường, áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để ngư dân bảo quản sản phẩm tốt nhằm tăng chất lượng, giá sản phẩm; (ii) Tiếp tục hướng dẫn ngư dân sản xuất theo tổ đội gắn với dịch vụ hậu cần trên biển, tăng hiệu quả sản xuất; hỗ trợ nhau trên biển nhằm giảm thiểu các rủi ro sự cố trên biển, tăng cường thời gian bám biển, đồng thời hỗ trợ nhau trong khai thác thủy sản, ngư trường đánh bắt, nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá và người lao động trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc; (iii) Hướng dẫn, phổ biến đến ngư dân khai thác trên các nghề như lưới vây, lưới chụp, mành… sử dụng công nghệ đèn Led để tiết kiệm nhiên liệu trong lúc chong đèn dụ cá. Sử dụng các thiết bị máy khai thác, hệ thống tời thủy lực để thu lưới, máy lái tự động trên tàu cá, máy dò chụp… làm giảm sức lao động, số lượng lao động và chi phí nhiên liệu.
- Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: (i) Ổn định diện tích nuôi thủy sản đang có, tăng vụ để đảm bảo diện tích đạt trên 3.600 ha góp phần tăng sản lượng nuôi; (ii) Tận dụng mặt nước trong các lòng hồ chứa, các con sông để mở rộng nuôi trồng thủy sản lồng bè. Đa dạng hóa các đối tượng nuôi, bổ sung các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, ốc hương, cá leo, cá lăng, ốc nhồi,… để tăng giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản; (iii) Kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, sản xuất giống và chế biến thủy sản. Trước mắt tập trung hỗ trợ 02 dự án nuôi thủy sản công nghệ cao của công ty cổ phần Camimex Quảng Trị và công ty TNHH thức ăn thủy sản Growmax; (iv) Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi tôm nước lợ; thường xuyên giám sát vùng nuôi, sớm phát hiện dịch bệnh, chủ động dập dịch, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh ra diện rộng; thực hiện tốt công tác kiểm dịch con giống, đặc biệt là giống tôm phục vụ cho người dân thả nuôi.
- Đối với lĩnh vực chế biến thủy sản: (i) Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm;(ii) Hướng dẫn cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu nâng cấp cơ sở để đáp ứng các tiểu chuẩn, quy định và yêu cầu của thị trường;(ii) Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường.
- Đối với lĩnh vực cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá: (i) Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, tiếp tục hoàn thiện và xây dựng mới một số cơ sở dịch vụ hậu cần; (ii) Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản.
- Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản như: Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính Phủ và Nghị quyết số 55/2023/NQ-HĐND ngày 29/7/2023 về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025 để ngư dân mạnh dạn vươn khơi bám biển; Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ nuôi tôm công nghệ cao.
       Bên cạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, để phát triển thủy sản khai thác bền vững, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “Thẻ vàng” nên tập trung nguồn lực thực hiện tốt, có hiệu quả các nội dung Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
       Từ những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên cùng với các công trình hạ tầng nghề cá đang được quan tâm đầu tư xây dựng, hy vọng, ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ không ngừng bứt phá vươn lên, trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây