MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/2024/NĐ-CP VÀ SỐ 38/2024/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Thứ năm - 27/06/2024 22:48
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP; trong đó có một số quy định mới về Nuôi trồng thủy sản như sau:
MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/2024/NĐ-CP VÀ SỐ 38/2024/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
1.    Quy định về thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP)
a) Thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo quy định của pháp luật, thời gian duy trì điều kiện là 24 tháng. 
b) Việc kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở được thực hiện trong thời gian tối đa là 90 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 12 tháng và 180 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 24 tháng. Thời hạn 12 tháng và 24 tháng tính từ ngày cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện lần đầu hoặc ngày kiểm tra duy trì trước đó theo quy định. 
c) Cơ quan kiểm tra thông báo thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cho cơ sở trước 05 ngày làm việc. Kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở theo các nội dung quy định tại Mẫu số 03.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Sau 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hoạt động kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện thông báo kết quả kiểm tra và thời gian duy trì điều kiện đến cơ sở được kiểm tra.
d) Trong thời gian duy trì điều kiện, trường hợp cơ sở không có nhu cầu duy trì điều kiện theo quy định, phải thông báo đến Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
2.    Quy định về thời gian duy trì điều kiện cơ sở xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP): 
a) Thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là 12 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng.
b) Việc kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở được thực hiện trong thời gian tối đa là 90 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 12 tháng và 180 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 24 tháng. Thời hạn 12 tháng và 24 tháng tính từ ngày cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện lần đầu hoặc ngày kiểm tra duy trì trước đó theo quy định.
c) Cơ quan kiểm tra thông báo thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cho cơ sở trước 05 ngày làm việc; kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở theo Mẫu số 13.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Sau 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hoạt động kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện thông báo kết quả kiểm tra và thời gian duy trì đến cơ sở được kiểm tra.
d) Trong thời gian duy trì điều kiện, nếu cơ sở không có nhu cầu duy trì điều kiện theo quy định, phải thông báo đến Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3.    Quy định về hồ hơ và trình tự đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP): 
Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
Hồ sơ đăng ký lại bao gồm:
a) Đơn đăng ký lại theo Mẫu số 27.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính giấy xác nhận đăng ký đã được cấp (trừ trường hợp bị mất); 
c) Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở (đối với trường hợp thay đổi quy mô sản xuất); trường hợp thay đổi chủ cơ sở phải có giấy tờ chứng minh sự thay đổi.
Trình tự đăng ký, đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực bao gồm:
a) Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản gửi hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định khác có liên quan để thẩm định, cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 28.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy xác nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực khi thuộc một trong các trường hợp sau: Giấy xác nhận đăng ký bị mất; bị rách; thay đổi chủ cơ sở nuôi; thay đổi quy mô sản xuất, đối tượng nuôi.
4.    Quy định về vi phạm quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản (quy định tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP):
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không ghi chép hoặc lưu giữ hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản, trong quá trình nuôi trồng thủy sản và các tài liệu khác về quá trình nuôi trồng thủy sản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc;
b) Không ghi chép, lưu giữ hồ sơ về loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng, tài liệu khác liên quan đến quá trình nuôi trồng thủy sản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc;
c) Không đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè;
d) Địa điểm nuôi trồng thủy sản không đúng với vị trí đã đăng ký.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nuôi trồng thủy sản không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị kỹ thuật theo quy định;
b) Không đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2024, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20/5/2024. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần chú ý để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Công Khanh – Chi cục Thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây