1. Lựa chọn tôm giống.
Khâu lựa chọn con giống là một trong những khâu quan trọng của quá trình nuôi tôm, bởi chất lượng tôm giống là một yếu tố quyết định chính cho sự thành công; tăng trưởng và tỉ lệ sống cũng như chi phí sản xuất
a. Những vấn đề phát sinh khi sử dụng tôm giống kém chất lượng:
- Dễ phát sinh dịch bệnh nếu tôm giống mang mầm bệnh (Đốm trắng WSSV, hoại tử gan tụy cấp AHPNS, bệnh còi, vi bào tử trùng - EHV, bệnh IHHNV…)
- Tôm chậm lớn dẫn đến chi phí nuôi cao
- Tỉ lệ sống thấp
- Sức chống chịu của tôm với điều kiện môi trường kém
- Khả năng đề kháng với mầm bệnh kém.
b.Những phương pháp kiểm tra chất lượng tôm giống:
* Kiểm tra bằng mắt thường: Tôm giống có hoạt động bơi lội linh hoạt, ruột đầy, màu sắc đẹp, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối; tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt; phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa; phụ bộ tôm hoàn chỉnh.
- Đuôi tôm: Nếu một con tôm giống khỏe mạnh đuôi có thể thấy rõ mở. Nếu các đuôi khép kín, chứng tỏ tôm giống này không được phát triển đầy đủ để thả giống.
- Kích thước: Với tôm thẻ chân trắng thả thường là P12 đến P15, có chiều dài 9-11 mm (tôm Sú là P15 - P20 chiều dài 15-18mm), kích cỡ đồng đều không dị hình, hình dáng cân đối, râu thẳng kéo dài tận đuôi.
- Màu sắc: PL chất lượng tốt có cơ thể trong suốt với sắc tố giống như nâu hoặc nâu sẫm (riêng tôm sú có màu nâu, nâu đen). Tôm có màu hồng hoặc màu đỏ có thể chỉ ra sự căng thẳng liên quan đến quá trình nuôi hoặc xử lý. Tôm thẻ tốt khỏe mạnh có màu sắc sáng trong.
- Vỏ sạch cho thấy động vật thường phát triển nhanh và lột xác thường xuyên. Ngược lại tôm tăng trưởng chậm được biểu thị bằng sự hiện diện của các động vật nguyên sinh như Zoothamnium, Vorticella, Epistylis hoặc Acineta, vi khuẩn dạng sợi, bụi bẩn, chất hữu cơ và hoại tử (đốm đen hoặc tổn thương màu nâu) trên vỏ.
- Ruột đầy: Độ đầy của ruột có thể được xác định với sự trợ giúp của kính hiển vi.
- Một PL khỏe mạnh sẽ có một hệ tiêu hóa đầy đủ. Sự hiện diện của ruột rỗng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh hoặc có thể là kết quả của việc không cho ăn hoặc căng thẳng.
* Kiểm tra bằng PCR
Không nhiễm WSSV, TSV, IHHNV, HPV...
*Kiểm tra chất lượng tôm giống khi vận chuyển về hộ nuôi:
- Các bao tôm giống về ao ương còn nguyên vẹn, đủ lượng oxy, tôm khỏe mạnh bơi phân tán đều trong bao.
- Kiểm tra lại pH và độ mặn của 3 túi tôm giống bất kỳ và độ mặn của ao ương để có biện pháp xử lý (thuần) trước khi thả giống tôm.
* Một số lưu ý khi lựa chọn giống tôm:
Chọn mua con giống có ở những cơ sở sản xuất uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tôm giống đã được xét nghiệm không nhiễm các mầm bệnh ở trên.
Trước khi bắt giống cần thông báo với cơ sở sản xuất giống các chỉ số môi trường nước trong ao ương (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất thuần hóa giống phù hợp với điều kiện môi trường nuôi.
2. Kiểm soát dịch bệnh và kiểm dịch tôm giống trên địa bàn
a. Kiểm soát dịch bênh: Để kiểm soát dịch bệnh, ổn định và phát triển nghề nuôi tôm nước lợ tại địa phương, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, bao gồm một số giải pháp chính như sau:
- Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật nuôi chọn giống, các biện pháp an toàn sinh học, phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi, quản lý môi trường nuôi, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý môi trường khoa học, hợp lý.
- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn tôm giống:
Các nguồn tôm giống nhập về thuần dưỡng và thả nuôi trực tiếp trên địa bàn kiểm tra, lấy mẫu tầm soát dịch bệnh nguy hiểm. Tổ chức kiểm dịch động vật thủy sản sử dụng làm giống vận chuyển ra/vào địa bàn; kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp con giống động vật thủy sản trên địa bàn.
- Giám sát các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi:
Thực hiện giám sát chủ động và bị động các bệnh nguy hiểm thường xảy ra tại địa bàn như như bệnh Đốm trắng (WSSD), Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND), bệnh do Vi bào tử trùng (EHP), Hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHND); Kết quả được thông báo đến hộ thả nuôi, đề nghị hộ nuôi tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm nuôi và thực hiện giám sát dịch bệnh.
- Xử lý dịch bệnh nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả:
Chủ động bám sát địa bàn, cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện xét nghiệm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Thực hiện cấp phát hóa chất tiêu độc khử trùng kịp thời xử lý diện tích thủy sản bị dịch bệnh, không để lây lan ra xung quanh.
- Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi:
Các chỉ tiêu xét nghiệm bao gồm độ pH, độ mặn, độ kiềm, nhiệt độ, độ trong, chỉ số NH3-N, DO, COD. Chi cục phối hợp với Chi cục Thủy sản kịp thời cung cấp kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường nuôi để người dân chủ động ứng phó với những điều kiện môi trường bất lợi.
b. Kiểm soát kiểm dịch tôm giống.
Tại một số địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống của một số tỉnh chủ yếu còn nhỏ lẻ, ý thức chấp hành các quy định trong công tác kiểm dịch vận chuyển tôm giống của các hộ sản xuất kinh doanh chưa cao, còn có tình trạng trốn tránh kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi tỉnh. Ngoài ra, người dân nuôi tôm, nhất là nuôi tôm quảng canh chưa thật sự quan tâm đến chất lượng con giống, có nhiều hộ mua con giống không qua kiểm dịch.
Một số biện pháp kiểm dịch tôm giống:
- Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên kiểm tra , kiểm soát nguồn tôm giống nhằm loại trừ tôm giống kém chất lượng, đảm bảo cung cấp tôm giống có chất lượng tốt, sạch bệnh cho người dân.
- Phối hợp, trao đổi và chia sẽ thông tin dịch bệnh với các tỉnh
- Thường xuyên trao đổi, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh có nguồn giống nhập về địa bàn. về công tác kiểm dịch giống thủy sản, tập trung các lô tôm giống phát hiện dương tính để tăng cường công tác lấy mẫu giám sát tại các cơ sở sản xuất giống của các tỉnh. Đồng thời, chia sẽ thông tin dịch bệnh để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
- Chỉ đạo người nuôi nên ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp giống, đầy đủ hồ sơ, chứng từ, giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm tra chặt chẽ chất lượng tôm giống trước khi xuất trại;
- Tất cả các lô tôm giống đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh phải cho kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh theo quy định như hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).
Nguyễn Mạnh Trinh - Trạm CNTY huyện Gio Linh