BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ SÂU KHOANG HẠI LẠC

Thứ hai - 06/03/2023 02:03
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ SÂU KHOANG HẠI LẠC
        Sâu khoang là loài đa thực, gây hại nặng và ảnh hưởng lớn đến năng suất nhiều loại cây trồng. Tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, sâu khoang đã gây hại trên cây lạc giai đoạn ra hoa, đâm tia với diện tích gần 90 ha, trong đó hơn 10 ha bị hại nặng, mật độ sâu cao đến 60 con/m2 nên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cuối vụ. Vụ Đông Xuân 2022 - 2023 toàn huyện đã trồng được 320 ha lạc, mặc dù mới ở giai đoạn cây con nhưng sâu khoang đã bắt đầu phát sinh gây hại. Đây là loại sâu khó phòng trừ do khả năng phát triển mạnh, tính kháng thuốc lớn, nên cần có những biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả để bảo vệ được mùa vụ.
Sâu khoang có tên khoa học là Spodoptera litura, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea).
Sâu khoang thuộc nhóm côn trùng biến thái hoàn toàn, vòng đời gồm 4 pha phát dục: trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành.
image 20230306140410 1

- Trứng có hình bán cầu, đường kính từ 0,4 - 0,5 mm, mới đẻ có màu trắng vàng, sau chuyển thành màu vàng tro, lúc sắp nở có màu tro tối. Trứng được đẻ thành ổ ở dưới mặt lá, có lớp lông vàng che phủ, một ổ có từ 50 - 200 trứng. Một con cái có thể đẻ từ 500 - 2.000 trứng. Thời gian trứng nở sau 2 - 7 ngày.
- Sâu non là pha gây hại của sâu khoang. Sâu non có 6 tuổi, thời gian pha sâu non kéo dài 12 - 27 ngày. Sâu non khi vừa nở sống tập trung, nếu bị khua động có thể phát tán hoặc nhả tơ rơi xuống đất. Sâu tuổi 1 - 2 chỉ ăn phần diệp lục của lá và để lại lớp biểu bì trắng, từ tuổi 3 trở đi sâu cắn thủng lá, hoặc trụi hết lá, cành, thân và đục khoét quả. Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu ẩn nấp dưới tán lá hoặc chui xuống kẽ đất, chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm, những ngày trời mát hoặc mưa nhỏ sâu phá hoại cả ngày. Sâu tuổi nhỏ có màu xanh lục, càng lớn sâu chuyển dần thành màu nâu đậm. Trên cơ thể có một sọc vàng sáng chạy ở hai bên hông từ đốt thứ nhất đến đốt thứ tám của bụng, mỗi đốt có một chấm đen rõ nhưng hai chấm đen ở đốt thứ nhất to nhất. Sâu càng lớn, hai chấm đen ở đốt thứ nhất càng to dần và gần như giao nhau tạo thành khoang đen trên lưng.
- Nhộng: sâu hóa nhộng trong đất, khi mới hình thành nhộng có màu xanh đọt chuối, sau đó chuyển dần sang màu vàng xanh, cuối cùng có màu nâu, cuối bụng có một đôi gai ngắn. Thời gian pha nhộng từ 8 - 10 ngày.
- Trưởng thành thường vũ hoá vào buổi chiều, ban ngày đậu ở mặt sau lá hoặc trong các bụi cỏ, từ tối đến nửa đêm bay ra hoạt động, chúng có thể bay xa đến vài chục mét và cao đến 6 - 7 mét, có xu tính với mùi chua ngọt và ánh sáng bước sóng ngắn. Sau khi vũ hoá chúng có thể bắt cặp và đẻ trứng trong đêm đầu. Thời gian sống của trưởng thành từ 2 - 4 ngày.
Vòng đời sâu khoang
          Để phòng trừ tốt sâu khoang hại lạc, bà con cần áp dụng các biện pháp tổng hợp sau:
- Biện pháp canh tác, kỹ thuật:
          + Vệ sinh đồng ruộng trước và sau khi trồng, cày ải phơi đất và làm đất kỹ hoặc nếu điều kiện có thể thì cho ruộng ngập nước 2 - 3 ngày để diệt nhộng, sâu non có trong đất.
          + Phát hiện sớm, ngắt bỏ ổ trứng hoặc tiêu diệt sâu non mới nở.
- Biện pháp sinh học:
          + Bảo tồn các loài nhiên địch thường xuất hiện trên đồng ruộng như: Bọ rùa ăn thịt, kiến vàng, bọ xít ăn thịt, ong ký sinh,…
+ Dùng bẫy bả chua ngọt để thu hút bướm khi chúng phát triển rộ.
+ Dùng sản phẩm có nguồn gốc thảo mộc, nấm, vi khuẩn để phun phòng.
- Biện pháp hóa học:
+ Khi mật độ cao, có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như Abamectin (Abatin 5.4 EC, Silsau 10WP,…), Emamectin (Angun 5WG, Map Winner 5WG, Dylan 5 WG,...), Lufenuron ( Match 050 EC, …),… để phun trừ.
+ Nếu sâu non đa số ở tuổi 1 – 2 thì dùng thuốc tiếp xúc, còn từ tuổi 3 thì dùng thuốc vị độc, lưu dẫn để phun vào chiều tối.
Chú ý khi sử dụng thuốc BVTV: Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc vì sâu khoang dễ kháng thuốc. Sử dụng thuốc theo nguyên tác 4 đúng và khuyến cáo của nhà sản xuất.
* Cách làm bả chua ngọt: trộn các thành phần gồm đường, giấm, rượu và nước với tỷ lệ 4:4:1:1, sau đó khuấy dung dịch tan đều. Cho dung dịch trên vào can nhựa đậy kín, chờ 3 - 4 ngày, khi thấy dung dịch có mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu. Liều lượng cứ 1 lít bả dung dịch chua ngọt cho 10ml thuốc trừ sâu, khuấy đều hỗn hợp rồi đem ra sử dụng. Lượng sử dụng cho mỗi hộp bẫy từ 100 ml bả chua ngọt.
Phạm Văn Hoàng
Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đakrông.

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây