HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT QUẢN LÝ TỔNG HỢP NHỆN GIÉ HẠI LÚA TẠI QUẢNG TRỊ

Thứ sáu - 05/04/2024 04:42
Nhện gié là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa. Những năm gần đây, nhện gié gây hại ở hầu khắp các vùng trồng lúa trên địa bàn tỉnh với xu hướng ngày càng tăng cao về diện tích nhiễm và mức độ gây hại, nhất là trong vụ Hè Thu (điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn thuận lợi cho nhện gié phát sinh gây hại mạnh). Đặc biệt, trong vụ Hè Thu năm 2022 và 2023 nhện gié đã gây hại nặng trên các giống như: HN6, Khang Dân, ST25...; cục bộ một số vùng nhện gié gây hại làm giảm năng suất từ 40 - 50% so với đại trà. Thời điểm nhện gié có mật độ cao nhất thường trùng với giai đoạn lúa đòng - trổ, chúng tấn công bẹ lá đòng và bông lúa, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Mặt khác, với vòng đời ngắn, kích thước cơ thể rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên rất khó phát hiện nhện gié sớm, đồng thời việc phun trừ cũng rất khó khăn nếu không tuân thủ theo đúng kỹ thuật (phải sử dụng các loại thuốc nội hấp mạnh, lượng nước thuốc nhiều để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với nhện).
HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT QUẢN LÝ TỔNG HỢP NHỆN GIÉ HẠI LÚA TẠI QUẢNG TRỊ
      Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, vụ Hè Thu 2023 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình trình diễn các biện pháp quản lý tổng hợp phòng trừ nhện gié kết hợp ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới (sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, làm bẫy để phát hiện nhện,...) đã mang lại hiệu quả cao. Từ những kết quả đạt được và căn cứ Tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp điều tra sinh vật gây hại nhóm cây lương thực; Quy trình quản lý tổng hợp (IPM) nhện gié hại lúa tại Việt Nam, Chi cục TTBVTV tiến hành xây dựng tài liệu “Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp nhện gié hại lúa tại Quảng Trị”.
1. Đặc điểm, triệu chứng
Nhện gié (Tên khoa học: Steneostarsonemus spinki Smiley) là đối tượng dịch hại nguy hiểm gây hại trên cây lúa tại tỉnh Quảng Trị. Nhện gié có tốc độ phát triển nhanh, vòng đời ngắn từ 5 -  9 ngày. Chúng có khả năng sinh sản cao, một nhện trưởng thành cái đẻ trung bình 30-50 trứng, cả nhện non và trưởng thành đều gây hại cây lúa.
- Triệu chứng
Triệu chứng gây hại điển hình của nhện gié là những vết thâm nâu hình chữ nhật trên bẹ lá, gân lá hoặc các vết thâm nâu giống như vết cạo gió trên bẹ lá. Hạt lúa bị nhện gié thường có hiện tượng bị biến dạng cong queo, vỏ trấu bị biến màu, lép hoàn toàn gây ảnh hưởng nặng đến năng suất.
- Đặc điểm gây hại
Nhện gié có kích thước cơ thể rất nhỏ, khó phát hiện bằng mắt thường. Nhện gié gây hại trên các bộ phận của cây lúa như bẹ lá, gân lá, bông và hạt lúa. Chúng gây hại bằng cách đục vào trong bẹ, gân lá và hạt lúa để chích hút dịch làm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển kém. Thời kỳ lúa làm đòng bị nhện gié hại nặng làm cho cây lúa thiếu dinh dưỡng và trỗ không thoát, hạt lép. Ngoài tác hại trực tiếp thì nhện gié còn tạo ra các vết thương cơ giới, là điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn như Sarocladium oryzae, Curvularia sp, Alternaria padwrekii,… xâm nhập, phát triển và gây hại.
Nhện gié có thể lan truyền nhờ hạt giống, gió, nước, côn trùng, chuột, công cụ sản xuất nông nghiệp, tàn dư thực vật từ vụ trước qua vụ sau... Đặc biệt, nhện gié có khả năng lây lan rất mạnh qua vết thương cơ học.
Nhện gié là loài ưa nhiệt độ và ẩm độ cao (280C - 320C, ẩm độ trên 90%). Vì vậy, vụ Hè Thu nhện gié phát sinh, gây hại nặng hơn so với vụ Đông Xuân. Nhện gié có khả năng sống với mật độ cao trên lúa chét ở vụ Hè Thu. Nhện gây hại nặng trên ruộng thiếu nước, bón nhiều đạm, ruộng gieo dày và trên những giống nhiễm như HN6, Khang dân, Đài thơm 8…
2. Phương pháp và thời điểm điều tra
- Thời điểm điều tra đầu tiên vào giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh (30 - 35 ngày) bằng biện pháp làm bẫy (ngắt 2/3 phiến lá trên toàn bộ diện tích 0,5m2/bẫy trước theo dõi 3-5 ngày; tạo bẫy ở gần bờ của ruộng cao, ruộng gieo dày, giống nhiễm…), điều tra bổ sung trên lúa chét, cỏ dại… Khi trên bẫy xuất hiện nhện thì tiến hành điều tra mật độ trên ruộng lúa 5 ngày 1 lần.
- Phương pháp phát hiện nhện gié tại các bẫy: Tại các lá đã ngắt khi thấy có triệu chứng vết thâm nâu từ vết cắt kéo dọc xuống theo gân lá tiến hành thu thập và dùng dao lam chẻ vết thâm nâu và soi mẫu bằng kính lúp để phát hiện nhện trong mô gân lá.
- Phương pháp: Điều tra mật độ nhện gié theo quy định mỗi yếu tố (Giống, thời vụ, chân đất…) điều tra 10 điểm, mỗi điểm điều tra 05 dảnh liền kề, đếm tổng số dảnh lúa có nhện gié hoặc dảnh lúa có triệu chứng bị nhện gây hại và áp dụng tiêu chuẩn TCVN 13268-1:2021 về phương pháp điều tra sinh vật gây hại nhóm cây lương thực để tính diện tích nhiễm.
3. Các biện pháp phòng trừ

3.1. Vệ sinh đồng ruộng và chuẩn bị đất gieo cấy

 Cày lật gốc rạ sớm trước khi vào vụ ít nhất 15 ngày để vùi hết tàn dư cây lúa, cỏ dại kết hợp bón vôi. Không để lúa chét mọc nhằm hạn chế nơi cư trú và nguồn nhện gié lây lan cho vụ tiếp theo. Làm đất kỹ, san phẳng mặt ruộng trước khi gieo cấy.

3.2. Giống

Sử dụng các giống có phẩm cấp, không lấy giống ở ruộng vụ trước bị nhện hại, hạn chế sử dụng các giống nhiễm.
Gieo cấy tập trung, đồng loạt trên từng khu đồng với mật độ vừa phải: 80 - 90 kg đối với sạ lan; 60 - 70kg với sạ hàng.     .

3.3. Kỹ thuật chăm sóc

Bón lót đầy đủ, cân đối NPK theo quy trình của từng giống tạo điều kiện cho lúa phát triển nhanh và khỏe ngay từ giai đoạn đầu. Bón thúc phân cân đối theo quy trình cụ thể cho từng giống, tránh bón thừa đạm bởi ruộng bón thừa đạm thường bị nhện gié gây hại nặng.
Quản lý nước: Cần cung cấp đủ nước cho ruộng lúa vì nhện gié phát sinh gây hại nặng trong điều kiện ruộng khô hạn.

3.4. Trừ nhện

Thường xuyên thăm đồng để theo dõi sự phát sinh gây hại của nhện gié, nhất là từ thời kỳ lúa đứng cái đến trổ (khoảng 30 - 60 ngày sau gieo, cấy). Không phun thuốc quá sớm và không phun phòng để tạo điều kiện cho thiên địch của nhện gié phát triển. Đặc biệt, chú ý theo dõi nhện gié ở thời kỳ lúa tượng khối sơ khởi và thời kỳ trước trổ 7-10 ngày để phun trừ kịp thời.
Có thể phun trừ nhện 1 - 2 lần/vụ tùy vào thời gian phát sinh, thời tiết, đặc tính của giống và mức độ gây hại của nhện.
- Phun 01 lần: Vào thời kỳ lúa trước trổ 7 ngày nếu mật độ điều tra nhện trên ruộng từ 1.000 con/m2 trở lên hoặc 5% số dảnh bị nhiểm.
- Phun 02 lần: Lần 1 ở thời kỳ lúa làm đòng (trước trổ 14 ngày) nếu có mật độ điều tra nhện 1.000 con/m2 trở lên hoặc 5% số dảnh bị nhiểm. Lần 2  trước trổ 7 ngày.
Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Quinalphos, Hexythiazox, Propargite Fenpropathrin và một số loại thuốc trừ nhện khác trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phun trừ theo liều lượng khuyến cáo. Cần luân phiên sử dụng các loại thuốc để tránh quen thuốc, nhờn thuốc. Lượng nước thuốc phun bằng bình bơm đeo vai: 400 lít/ha, phun bằng Drone: 40 lít/ha. Chú ý sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách) và thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng đúng nơi quy định ./.
Nguyễn Văn Khoa – Chi cục TTBVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây