SẠ CỤM- GIẢI PHÁP GIẢM CHI PHÍ TĂNG HIỆU QUẢ SẢN XUẤT

Thứ hai - 13/11/2023 22:47
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm mục đích giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người sản xuất, bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu và là chủ trương mà ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai, đặc biệt hiện nay, giá cả hàng loạt vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho nông dân nói chung và người dân trồng lúa nói riêng. Điều này đang đặt ra sự cấp thiết hơn bao giờ hết, yêu cầu phải có các giải pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị trong sản xuất lúa.
Lắp đặt máy sạ cụm để vận hành tại mô hình
Lắp đặt máy sạ cụm để vận hành tại mô hình
       Ngày 25/01/2022 Bộ NN-PTNT đã ban hành chỉ thị 653/CT-BNN-BVTV về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; Ngày 25/4/2022 Cục trồng trọt đã ban hành Quy trình canh tác lúa giảm chi phítại Quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN. Trong thực tế sản xuất,để giải quyết tình trạng trên đã có nhiều mô hình sản xuất lúa thông minh, áp dụng các quy trình sản xuất lúa giảm chi phí và đã phát huy hiệu quả. Điển hình như phương pháp sử dụng công cụ sạ hàng và máy cấy đã tối ưu về tiết kiệm lượng lúa giống, sạ thưa, cây lúa khỏe.
       Hiện nay, cơ giới hóa sản xuất nhất là khâu gieo cấy phát triển đa dạng hơn, nhiều kỹ thuật gieo cấy khác giúp nông dân cải thiện đồng ruộng và giảm lượng lúa giống cũng như nâng cao sức khỏe cây lúa dần hoàn thiện và có nhiều ưu việt. Một trong những kỹ thuật đó là sản xuất lúa bằng máy sạ cụm. Đây là mô hình trong thời gian gần đây được nông dân đặc biệt quan tâm và ngày càng mở rộng, nhất là các tỉnh trồng lúa trọng điểmở miền Nam. Công cụ sạ cụm bắt đầu Bắc tiến theo nhu cầu thiết thực của các địa phương miền Trung và miền Bắc. Gần đây, vụ Đông xuân 2022-2023, nhiều tổ chức và cá nhân đã tự liên hệ với công ty TNHH thương mại DV Sài Gòn Kim Hồng (đơn vị độc quyền phân phối máy sạ lúa theo cụm xuất xứ Hàn Quốc) đặt hàng và làm thử nghiệm mô hình lúa sạ cụm như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nam, Thái Bình.... Qua kết quả sản xuất thử nghiệm nhiều địa phương đánh giá cao hiệu quả mà máy sạ cụm mang lại cho canh tác sản xuất lúa và có chủ trương đầu tư sản xuất những vụ tiếp theo.
       Tại Quảng Trị, Vụ Đông xuân 2022-2023, được sự hỗ trợ của công ty TNHH thương mại DV Sài Gòn Kim Hồng, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện thử nghiệm sản xuất1 ha lúa bằng phương pháp sạ cụm tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Qua đánh giá kết quả năng suất lúa đạt khoảng 62 tạ/ha, cao hơn so với đại trà 5-7 tạ, tiết kiệm giống 20-30kg/ha và phân bón, gieo thưa, ruộng lúa thông thoáng, cây đẻ nhánh khỏe, hạn chế đỗ ngã và sâu bệnh hại, giải quyết nhanh mùa vụ (01 máy sạ 6-8 ha/ngày). Vụ Hè Thu 2023, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục sản xuất thử nghiệm diện tích 2ha tại HTX Thủy Ba Tây xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh nhằm một lần nữa đánh giá hiệu quả sản xuất, tiến tới ứng dụng vào canh tác lúa trong giai đoạn tiếp theo.
       Tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa bằng phương pháp sạ cụm ở HTX Thủy Ba Tây xã Vĩnh Thủy vụ Hè Thu 2023, bà con nhận định: Cái quan trọng của máy sạ cụm là việc giảm lượng lúa giống đã giúp bà con tiết kiệm chi phí mua giống từ chỗ gieo 80-90kg ha nay chỉ cần gieo 50-60 kg/ha, kéo theo giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... Đặc biệt là các khóm lúa gieo với mật độ phù hợp nên thông thoáng, cứng cây, giảm tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ - chín. Công suất làm việc của thiết bị tối thiểu 3- 4ha/ngày đối với ruộng nhỏ manh mún và từ 6-8ha/ngày đối với ruộng liền thửa, rất phù hợp cho việc gieo cấy trong vụ Hè Thu nhờ rút ngắn thời gian gieo cấy, cho năng suất cao hơn và đầu tư thấp hơn hơn. Vụ Hè Thu 2023, mô hình đạt trên 29 triệu đồng/ha. Trong khi đó, lãi thuần sản xuất lúa bằngsạ lan chỉ đạt 22 triệu đồng/ha.
       Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị  dự kiến xây dựng mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng máy sạ cụmkết hợp bón phân vùi sâu”. Đây là phương pháp cải tiến “2 trong 1” do máy thực hiện đồng thời 02 chức năng: sạ cụm, bón vùi phân cùng lúc.Các mô hình trình diễn về máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân đã được thử nghiệm ở các tỉnh phía Nam và đã chứng minh được ngoài lợi thế và hiệu quả cao của ruộng lúa sạ cụm về giảm giống, giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, tăng năng suất và chất lượng lúa, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa cho người nông dân, giảm thiểu ô nhiểm môi trường, giảm phát thải ... thì việc bón vùi phân đồng thời với quá trình sạ cụm sẽ cộng hưởng thêm các lợi ích như: Giảm thất thoát phân, đặc biệt là phân đạm do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu nước tràn mặt ruộngcũng như giúp cây lúa có chất dinh dưỡng trong giai đoạn 12-20 ngày sau gieo sạ (do điều kiện nước tưới khó khăn nên thông thường phải sau 25-30 ngày nước mới về ruộng, nhất là vụ Hè Thu); Kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ, ngã, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn, mặn cuối vụ; Vùi phân kề sát khóm lúa, giúp khóm lúa tiếp cận với phân và lấy phân dễ dàng, hạn chế việc mất phân cho cỏ dại; Tiết kiệm được chi phí công lao động do giảm số lần bón phân.
        Có thể khẳng định máy sạ cụm là một công cụ cải tiến thông minh trong các loại máy cơ giới hóa đem lại nhiều lợi ích cho bà con trồng lúa. Ngoài giảm các chi phí sản xuất đầu vào như giống, phân bón, giúp cây lúa khỏe mạnh do gieo thưa theo cụm thì máy sạ cụm còn giải quyết được vấn đề đẩy nhanh mùa vụ gieo cấy vụ Hè Thu, thu hoạch sớm tránh lũ lụt, đồng thời giải phóng sức lao động trong điều kiện thiếu nhân lực nông thôn hiện nay.
Lê Chí Công, Lê Tú – TTKN Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây