Ảnh: Dự án tái canh cà phê tại Hướng Hóa
Xác định cây cà phê vẫn là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị và là cây trồng đặc biệt chỉ tập trung ở vùng núi Hướng Hóa. Mặc dù trong những năm qua diện tích tái canh của tỉnh Quảng Trị chưa đạt được mục tiêu đề ra và còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tái canh nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn quyết tâm duy trì ổn định diện tích cà phê đạt 4.500 - 5.000 ha và hàng năm diện tích trồng mới, tái canh đạt 150 – 200ha. Việc tái canh cây cà phê có ý nghĩa quan trọng nhằm thay thế diện tích cà phê già cỗi thoái hóa năng suất thấp từng bước nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là việc làm hết sức quan trọng, là cơ sở tiền đề để phát triển cà phê theo hướng hàng hóa, dần dần phát triển cà phê theo nhiều hướng khác nhau nhất là cà phê đặc sản để phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường quốc tế và nội địa, nâng cao giá trị cạnh canh của cà phê Quảng Trị trên Thế giới góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê. Năm 2020, 2021 Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện Dự án với tổng diện tích tái canh là 18 ha tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp.
Năm 2022 tiếp tục chăm sóc diện tích cà phê trồng2 năm trước và tiến hành tái canh trồng mới 12 ha ở các xã khác của huyện Hướng Hóa. Vì vậy ngay từ đầu năm 2022 Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng kế hoạch thực hiện và khảo sát địa điểm thực hiện Dự án. Dù đối mặt với nhiều khó khăn thử thách trong quá trình tái canh như cây cà phê ngoài phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết tự nhiên, thường thiếu nước vào mùa khô gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây thì việc giá vật tư tăng cao, có loại tăng gấp đôi nhất là những tháng cuối năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh covid19, công lao động chăm sóc thu hái cũng tăng cao, chi phí nhiều đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí đầu tư tái canh của bà con nông dân. Tuy nhiên với sự hổ trợ của nhà nước, sự động viên khuyến khích của chính quyền địa phương bên cạnh một số ít diện tích chuyển đổi sang cây trồng khác bà con đã vượt khó và duy trì sản xuất vì cà phê là cây trồng chủ lực và là cây trồng chính của nhiều hộ gia đình. Thực hiện kế hoạch từ đầu năm 2022 Trung tâm Khuyến nông đã chọn được một số thôn thuộc xã Tân Liên, TT Khe Sanh là địa điểm phù hợp nhất và chọn được 20 hộ đáp ứng các tiêu chí của Dự án để thực hiện mô hình. Thay vì được hổ trợ 70%giống và vật tư như 2 năm trước , năm nay người dân đối ứng bù thêm do tăng giá vật tư để đảm bảo định mức kinh tế kỹ thuật và quy trình tái canh. Vật tư hổ trợ bao gồm giống cà phê, cây che bóng Bơ Booth và các loại phân bón thuốc BVTV thiết yếu.Nguồn giống cà phê chè Catimor được lấy từ 2 vườn cây đầu dòng được Sở NN & PTNT Quảng Trị công nhận trên địa bàn huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị có chất lượng tốt. Cây giống trước khi xuất vườn được các cơ quan chuyên môn kiểm tra đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng. Các loại vật tư thiết yếu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định và được đấu thầu công khai qua mạng đấu thầu quốc gia để chọn ra nhà thầu có đủ năng lực và điều kiện cung ứng. 20 hộ tham gia cam kết thực hiện theo đúng yêu cầu của quy trình kỹ thuật như cam kết phá vườn cà phê cũ, chặt bỏ cây che bóng, làm đất kịp thời đảm bảo tiến độ, mùa vụ và thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo về quy trình tái canh cây cà phê.Trong suốt quá trình triển khai Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các hộ tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động của mô hình, ghi chép các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, các tình huống xảy ra để xử lý và giải quyết đảm bảo Dự án triển khai có hiệu quả. Các hộ được tập huấn 2 lần về phương pháp ủ phân hữu cơ, về kỹ thuật tái canh trồng mới cây cà phê.
Song song với việc thực hiện mô hình, các hoạt động khác của Dự án cũng được triển khai như hoạt động tập huấn ngoài mô hình cho 30 học viên là các Khuyến nông viên, cộng tác viên Khuyến nông, nông dân ngoài Dự án của các xã khác thuộc huyện Hướng Hóa. Tổng số lớp năm 2022 là 2 lớp với 60 học viên tham gia. Với phương pháp học lý thuyết tại lớp và tham quan thực địa tại vườn sẽ giúp học viên nắm được những kiến thức, kỹ năng để có thể áp dụng sản xuất tái canh cây cà phê đồng thời chia sẻ kinh nghiệm kiến thức cho người khác sau khi tham gia học tập; Tổ chức các cuộc hội nghị sơ kết và tổng kết Dự án vào cuối năm 2022 để đánh giá hiệu quả mô hình thực hiện từ năm 2020 đến 2022. Từ đó có phương án mở rộng diện tích tái canh ở nhiều địa bàn khác của huyện Hướng Hóa. Về công tác thông tin tuyên truyềnmô hình được bảng cắm bảng biểu tại các điểm trồng mới. Các thông tin về quá trình tái canh và kết quả thực hiện sẽ được ghi lại qua các bài viết, chuyên mục truyền hình và phát sóng trên trang truyền hình địa phương.
Dự án tái canh cây cà phê chè tại Quảng Trị đang triển khai năm cuối cùng của giai đoạn Dự án. Với thành công trong 2 năm đầu của giai đoạn bên cạnh những thuận lợi và còn không ít những khó khăn nhưng với sự quyết tâm của các cấp các ngành việc tái canh cây cà phê vẫn là nhiệm vụ cấp thiết quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp nhằm duy trì và ổn định diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh.
Lê Tú - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị