Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở ban ngành cấp tỉnh, cùng với quan tâm của chính quyền địa phương các cấp và sự năng động, sáng tạo của nông dân tỉnh nhà, chăn nuôi đã có những chuyển biến tích cực. Một bộ phận nông dân đã thực hiện chăn nuôi trang trại thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã lập dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 243 trang trại chăn nuôi nuôi lợn, bò và gia cầm, trong đó có 54 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, 04 HTX chăn nuôi và 48 trang trại chăn nuôi gia công (liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi) đã góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, tăng năng lực cạnh tranh cho các thành viên tham gia liên kết, đáp ứng được số lượng lớn sản phẩm và chất lượng cho thị trường. Theo số liệu của Cục thống kê (số liệu phục vụ Kỳ họp thứ 19 Hội đồng nhân dân tỉnh, khóa VII) toàn tỉnh hiện có 22.391 con trâu, 56.601 con bò (tỷ lệ lai Zebu 55,8% tổng đàn), 147.998 con lợn và 3.150.000 con gia cầm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 37.337 tấn.
Để chủ động khôi phục và phát triển đàn vật nuôi sau trận bão lụt lịch sử, phấn đấu năm 2021 tỉnh Quảng Trị có đàn trâu 22.200 con, đàn bò 59.600 con (trong đó bò lai trên 58,6% tổng đàn), đàn lợn 243.000 con, đàn gia cầm 3,6 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 41.000 tấn. Theo chúng tôi các địa phương cần chú trọng chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp sau:
1. Tập trung triển khai thực hiện tốt Phương án “Khôi phục sản xuất khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, khẩn trương triển khai sản xuất vụ Đông 2020 và vụ Đông Xuân 2020 - 2021” và Đề án “Khôi phục và phát triển chăn nuôi lợn sau Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025” đã được UBND tỉnh ban hành.
2. Nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn hộ chăn nuôi khẩn trương sửa chữa, gia cố chuồng trại hư hỏng; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi; chủ động các loại con giống vật nuôi nhằm kịp thời tổ chức lại sản xuất và chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong thời gian tới.
3. Tiếp nhận và phân bổ có hiệu quả nguồn giống gia súc gia cầm, vật tư, hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi và thủy sản do Trung ương và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả sau trận bão lụt lịch sử tháng 10 và tháng 11/2020 vừa qua gồm: 243.000 con gia cầm 01 ngày tuổi (223.000 con gà, 2.000 con ngan; 8.000 con vịt biển; 10.000 con vịt thịt), 60 tấn thức ăn chăn nuôi, 440.000 liều vắc xin gum-bô-rô và la-xô-ta, thuốc thú y trị giá 60 triệu đồng, 30 tấn hóa chất và 105 tấn Chlorine 65% xử lý môi trường chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời, đề nghị Trung ương và các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị thêm các loại con giống vật nuôi để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho người dân khôi phục và phát triển chăn nuôi, ổn định đời sống trong thời gian tới.
- Kịp thời mua 3.500 con lợn giống nuôi thịt giống ngoại, lai ngoại (các giống Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc) từ nguồn hỗ trợ của tỉnh Quảng Trị để người dân sớm tổ chức lại sản xuất. Hỗ trợ 2 tỷ đồng bù lãi suất cho các hộ chăn nuôi vay vốn để phát triển thêm mỗi năm khoảng 20 - 25 ngàn con lợn theo Đề án “Khôi phục và phát triển chăn nuôi lợn sau Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025”.
- Trong năm 2021, xây dựng 27 mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học quy mô nông hộ (khoảng từ 10 - 15 con) theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho hộ chăn nuôi trong tỉnh tham quan học tập, nhân rộng, từng bước xây dựng vùng chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và phát triển bền vững.
- Khôi phục các Trại lợn đực giống khai thác tinh đáp ứng nhu cầu tinh lợn phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo trên địa bàn.
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác thụ tinh nhân tạo bò với các giống năng suất cao, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ bò đực giống lai Zebu cho khu vực miền núi và vùng khó khăn trong công tác thụ tinh nhân tạo bò nhằm tăng tỷ lệ bò lai ở tất cả các địa phương.
5. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để doanh nghiệp, người chăn nuôi tiếp cận và được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển chăn nuôi như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ Quy định về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của của Hội đồng nhân dân tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ; thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi Vietgap.
6. Ban hành “Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trong và Quy hoạch vùng nuôi chim yến” và “Quy hoạch vùng chăn nuôi lợn tập trung” để các địa phương chủ động trong việc rà soát, bổ sung quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
Tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư trong chăn nuôi theo hướng hình thành vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Bảo vệ môi trường nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, với các loại giống vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt như: lợn ngoại, lai ngoại (các giống Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc,...); bò ngoại, bò lai (các giống Red Sindhi, Brahman, Droughtmaster,...); gia cầm siêu trứng, siêu thịt hoặc con nuôi đặc sản đã khẳng định thương hiệu tại địa phương như: gà Curoang, gà Cùa, lợn bản, lợn Vân Pa,...
7. Thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các tổ nhóm sản xuất, HTX chăn nuôi liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Khuyến khích người dân chủ động sản xuất con giống vật nuôi tại chỗ; ưu tiên các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các trang trại sản xuất con giống vật nuôi trên địa bàn nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu về các loại con giống vật nuôi tại địa phương. Thực hiện chăn nuôi theo quy trình Vietgap, chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường góp phần đảm bảo sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
8. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; nghiên cứu chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn nhằm tăng năng suất chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo quy trình Vietgap với con giống năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi (có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng).
9. Chủ động triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, Viêm da nổi cục trên trâu bò,... các địa phương có ổ dịch chưa qua 21 ngày phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng khống chế dập tắt dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y, không để dịch tái phát và lây lan rộng.
Tổ chức tiêm phòng thường xuyên các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đạt trên 80% tổng đàn.
10. Thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và kiểm dịch vận chuyển vật nuôi từ địa phương này sang địa phương khác nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra thông qua con đường vận chuyển.
11. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp. Có chế độ chính sách phù hợp cho Mạng lưới Khuyến nông viên và Thú y cơ sở để hỗ trợ cho công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.
Kiện toàn, nâng cao chất lượng mạng lưới dẫn tinh viên làm công tác thụ tinh nhân tạo cho bò tại các huyện, thành phố, thị xã đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người chăn nuôi nhằm tăng tỷ lệ bò lai tại các địa phương.
12. Khẩn trương tổng hợp số liệu, lập hồ sơ thiệt hại trong đợt bão lụt vừa qua để sớm hỗ trợ người chăn nuôi có thêm nguồn lực khôi phục sản xuất chăn nuôi.
Đào Văn An
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị