CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA

Thứ tư - 17/03/2021 03:23
Bệnh đạo ôn là một trong những bệnh gây nguy hiểm nhất trên cây lúa. Bệnh nặng sẽ làm mất trắng năng suất nếu bà con nông dân không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
        Vụ Đông Xuân 2020 - 2021 toàn tỉnh đã gieo cấy 25.500 ha lúa. Hiện nay, lúa đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn mặc dù mới xuất hiện nhưng cũng đã có hơn 150 ha lúa bị nhiễm bệnh, phát sinh hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh (ở Hải Lăng, Đông Hà, Triệu Phong, Gio Linh...). Bệnh gây hại nặng trên các giống 13/2, HC 95, Bắc thơm 7, VN 10... Dự báo thời gian tới thời tiết đêm và sáng sớm có sương mù, nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao, gieo dày… là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát triển, lây lan ra diện rộng, hại nặng và có thể gây cháy nhiều vùng nếu việc phòng trừ bệnh không kịp thời và triệt để. 
Trước tình hình đó, để chủ động phòng trừ, ngăn chặn bệnh đạo ôn, tránh nguy cơ lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, chúng tôi xin giới thiệu với bà con nông dân cách nhận biết và phòng trừ bệnh như sau: 
1. Cách nhận biết triệu chứng bệnh đạo ôn  
        - Trên lá:  Đầu tiên là những chấm nhỏ màu vàng nhạt, vết mờ tựa giọt dầu. Về sau giữa vết bệnh xuất hiện một chấm màu nâu rất nhỏ bằng mũi kim và lớn lên rất  nhanh, vết tròn hoặc bầu dục. Sau cùng vết bệnh phát triển hình thành hình thoi, ở giữa có màu xám trắng, xung quanh màu nâu đậm, vòng ngoài màu nâu nhạt, đây là  vết bệnh điển hình của bệnh đạo ôn trên lá. Nếu điều kiện thuận lợi thì giữa vết bệnh màu xám tro và  xung quanh chỉ có viền vàng, không có viền màu nâu, lúc này bệnh đạo  ôn có khả năng phát trển rất mạnh. Trường hợp bệnh nặng, các vết bệnh thường nối liền nhau tạo thành vết lớn làm toàn phiến lá cháy khô, vùng bị nhiễm nặng có thể bị cháy trụi hoàn toàn, bộ rễ bị thối và lúa không thể hồi phục
       - Trên đốt thân: vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại. Các đốt thân gần gốc bị mục ra làm cho gốc bị gãy đổ.
       - Cổ bông, cổ gié: vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông héo gãy, bông lúa trắng hoặc lép lửng.
      - Trên hạt: Vết bệnh không định hình, có màu nâu xám. Nấm bệnh ký sinh ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh sang vụ khác.
2. Nguyên nhân gây bệnh và quy luật phát triển
        Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm tồn tại trên tàn dư cây trồng, lúa chét, cỏ dại… Khi gặp điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, ẩm độ nấm sẽ xâm nhập vào cây, nấm tiết ra một số độc tố như axit - picolinic và pyricularin có tác dụng kìm hãm hô hấp và phân hủy các enzyme của cây, kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa, làm cho cây khi bị nhiễm nặng sẽ rất khó phục hồi. Nấm đạo ôn tồn tại ở dạng sợi nấm, bào tử trong rơm rạ và hạt giống bị bệnh. Ngoài ra nấm còn tồn tại trên ký chủ phụ mọc quanh ruộng như các loài cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ chỉ, lúa ma, gốc rạ, lúa chét…sinh trưởng phát triển quanh năm. Bào tử phát tán nhờ gió là phương thức lây lan quan trọng nhất của bệnh đạo ôn. 
Bệnh có thể phát sinh, phát triển ở nhiệt độ từ 8 - 370C nhưng gây hại thích hợp nhất với điều kiện nhiệt độ từ 24 - 280C, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao đặc biệt là có sương mù về đêm và sáng sớm. Bệnh có thể phát triển mạnh ở vùng đất tốt ở ven làng, ở chân ruộng thiếu nước hoặc bón phân không cân  đối, thừa đạm, đặc biệt trên các giống nhiễm như 13/2, HC 95, Bắc thơm 7, IR 38, VN 10, P6, Thiên Ưu 8...
 3. Biện pháp phòng trừ:
         Bệnh đạo ôn là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát triển gây hại nhanh trên diện rộng. Vì vậy để phòng trừ hiệu quả phải điều tra, phát hiện theo dõi phân tích các điều kiện liên quan tới sự phát sinh của bệnh như thời tiết, giống… Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng trừ bệnh đạo ôn mới mang lại hiệu quả cao, trong đó đặc biệt lưu ý:
        - Đối với diện tích lúa gieo dày: Điều tiết mực nước trên đồng ruộng hợp lý để hạn chế cây lúa đẻ nhánh (giữ mực nước trong ruộng ngập 2/3 cây lúa), làm sạch cỏ dại trên đồng ruộng; Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa đạm, nên thay thế đạm Urê bằng đạm hạt vàng nhả chậm, nên bón thêm Kali  để tăng khả năng chống chịu bệnh cho cây lúa trong giai đoạn hiện nay. 
        - Tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, kiểm tra kỹ trên các giống nhiễm, trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm... để chủ động phun thuốc kịp thời khi bệnh mới phát sinh (tỷ lệ bệnh khoảng 5%).
        - Trên những chân ruộng bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón tất cả các loại phân, kể cả phân bón qua lá, tăng cao mức nước trong ruộng không để ruộng khô hạn, khẩn trương phun thuốc phòng trừ  bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane, Fenoxanil + Tricyclazole,... như: Flash 75WP, Beam 75WP, Filia 525SL, Map Famy 700WP, Fujione 40EC,... theo liều lượng khuyến cáo, cần chú ý phải phun ướt đẩm toàn bộ lá lúa thì mới có hiệu quả, lượng nước thuốc đã pha ít nhất 20 lít/sào, vùng bị nặng phải phun tiếp lần hai sau 5 - 7 ngày. 
       - Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn sau khi phun thuốc, cần kiểm tra khi bệnh ngừng phát triển (lá mới ra không bị nhiễm bệnh) mới được bón phân. Cần chú ý hạn chế lượng đạm hoặc dùng đạm vàng nhả chậm và tăng cường bón phân Kali giúp cho cây có sức đề kháng với bệnh.
       - Đối với bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông, cần theo dõi chặt chẽ thời gian lúa vào trỗ. Ruộng đạo ôn lá đã chữa trị khỏi thì ruộng đó ít nhiều cũng sẽ bị bệnh đạo ôn cổ lá và cổ bông, do đó bước vào giai đoạn bắt đầu trỗ (trổ vè)  đều phải phun thuốc. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho đạo ôn cổ bông phát triển gây hại cần phun phòng cho các ruộng gieo cấy giống nhiễm, ruộng lúa xanh tốt, thừa đạm… trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày, nhất là khi trỗ gặp điều kiện nhiệt độ dưới 28°C, tiết trời râm mát, sương mù hoặc có mưa nhỏ, mưa rào; Bà con nên kết hợp phun thuốc phòng khô vằn, lem lép hạt giai đoạn đòng trổ với liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên chai thuốc.
Khi sử dụng thuốc BVTV, bà con cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng bao gồm: đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
          Ngoài ra, để đảm bảo an toàn sâu bệnh đến cuối vụ, bà con cần duy trì công tác diệt chuột bằng các biện pháp như sử dụng các loại bẫy, bả, thuốc diệt chuột sinh học... để diệt chuột liên tục; Tăng cường thăm đồng kiểm tra các đối tượng sâu bệnh khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, cuốn lá, khô vằn... để có biện pháp quản lý kịp thời.
Trần Minh Tuấn - Chi cục Trồng trọt và BVTV
 

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây