Là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ với bờ biển kéo dài 75km, Quảng Trị có trên 31.000ha đất cát, trong đó có 8.000ha cát nội đồng tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Sống trên cát, người dân luôn đối mặt với nạn cát bay, cát lấp. Chính vì vậy, việc đầu tư trồng rừng trên cát luôn được Quảng Trị quan tâm. Hiện nay, với tác động của biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lụt, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, đặc biệt là nạn xâm nhập mặn. Lúc này đây, cây lâm nghiệp đa mục đích được trồng ở ven biển được quan tâm hơn bao giờ hết, vì nó có tác dụng rõ rệt trong việc phòng hộ, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, hạn chế nạn xâm nhập mặn, ngoài ra còn cung cấp lâm sản tại chỗ cho người dân. Đặc biệt, những cánh rừng trồng sẽ góp phần tăng độ mùn, sức mao dẫn bề mặt cho cát, biến các vùng đất hoang hóa trước đây thành đất trồng trọt phục vụ cho lợi ích con người. Cây lâm nghiệp được trồng trên vùng cát là các cây đa mục đích như: cây dầu lai, cây dầu mè, cây cọc rào, cây diezen, cây chà là ăn trái; cây trôm lấy nhựa, đồng thời cho trái cây, nhựa cây làm thực phẩm, thuốc trừ sâu sinh học, nhiên liệu sinh học; cây phi lao, cây keo lưỡi liềm, cây xoan chịu hạn cũng là những loại cây lâm nghiệp có tác dụng phòng hộ rất tốt, vừa cung cấp gỗ củi cho người dân. Để duy trì được hàng rào phòng hộ này, khâu chăm sóc cây cần phải đặc biệt chú ý. Dưới đây, tôi xin giới thiệu đến bà con “Kỹ thuật chăm sóc cây lâm nghiệp đa mục đích trên đất cất ven biển”.
Sau khi trồng cây, bà con cần tiến hành chăm sóc cây tối thiểu 2 lần/ năm ( vụ Xuân và vụ Thu) trong 3-5 năm đầu tùy loại cây. Những giải pháp kỹ thuật chăm sóc được áp dụng cụ thể khi trồng từng loài cây phù hợp với đặc điểm điều kiện đất đai, khí hậu ở từng nơi. Tuy nhiên tổng quan các công đoạn chăm sóc cây lâm nghiệp đa mục đích trên vùng cát bao gồm những bước sau:
- Làm cỏ, vun gốc:
+ Bà con cần làm sạch cỏ quanh gốc cây với bán kính 0,5-1m, đồng thời vun lớp đất mặt vào gốc cây. Thực bì chủ yếu trên đất cát là các loại cây tạp cao từ 3-5m, cây bụi, sim mua… Do đó bà con nên chặt, cắt sát gốc bằng phương pháp chặt hạ thủ công. Sau khi cắt hạ những loại cây bụi, sim mua và cành lá nhỏ của cây tạp sẽ được băm chặt nhỏ rồi tủ vào gốc cây, có tác dụng tạo thành lớp hữu cơ giữ ẩm cho gốc cây.
+ Xới vun gốc: Xới quanh gốc cây thông với đường kính 80-100cm. Bà con lưu ý, vun gốc không được cuốc sâu ảnh hưởng đến rễ cây.
- Bón phân:
Bà con nên sử dụng phân bón hợp lý và tiết kiệm tuỳ theo thành phần dinh dưỡng có trong đất, giống cây, tuổi cây, từng thời kỳ sinh trưởng của cây.
Đối với đất cát, đất pha cát, bà con nên thường xuyên bổ sung bón các loại phân chuồng hoai mục ( phân trâu, bò, gà, …) và các chất hữu cơ như tro, trấu, xơ dừa, bèo, các tàn dư thực vật. Nếu có điều kiện bón thêm phù sa, bùn ao phơi nhỏ, đất sét phơi khô cho đất nhằm mục đích tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất và cải thiện kết cấu, độ bám dính của đất.
- Tưới nước và giữ ẩm:
Do đất cát hấp thu nhiệt nhanh và hạ nhiệt cũng nhanh nên cây trồng dễ gặp tình trạng sốc nhiệt. Vì vậy phải đảm bảo nước tưới cho cây trồng trên vùng đất khô hạn, đặc biệt với cây ăn quả.
Bên cạnh đó, đất cát khô hạn nên nguồn nước không sẵn sàng như những nơi khác, đất cát thoát nước nhanh cho nên bà con tận dụng các loại thực bì, cành, lá cây để che tủ gốc cây, hạn chế sự bốc hơi nước cho cây, giúp nhiệt độ của đất ổn định hơn.
- Tỉa cành, tạo tán:
Đối với cây ăn quả, cần chú trọng tới khâu tỉa cành, tạo tán để có được bộ khung vững chắc, cành phân bố đều, đảm bảo đủ ánh sáng. Nên đốn tỉa về mùa khô để hạn chế xâm nhập của nấm.
Đối với các loại cây lấy gỗ, việc tỉa cành tạo tán cũng rất quan trọng. Nếu công đoạn này được thực hiện tốt sẽ nâng cao chất lượng gỗ, tăng giá trị thành phẩm khi thu hoạch cho bà con.
- Hỗ trợ thụ phấn:
Đối với một số loài cây ăn quả có hoa đơn tính khác gốc (chà là ăn quả, đu đủ,..) hoặc một số loài cây có hoa lưỡng tính nhưng không tự thụ phấn được thì bà con phải hỗ trợ thụ phấn cho cây.
- Phòng trừ sâu bệnh:
Muốn phòng trừ sâu bệnh hiệu quả thì trước tiên bà con phải chọn giống tốt, cây khoẻ để trồng, bón phân, tưới nước, đốn, tỉa hợp lý. Thường xuyên chăm sóc cây trồng, kịp thời phát hiện và xác định rõ loại sâu bệnh. Khẩn trương xử lý sâu, bệnh đúng cách, đúng thuốc và đúng lúc để diệt tận gốc các loại sâu, bệnh hại cây trồng.
Nguyễn Thị Ngân - Trạm KN Triệu Phong